16/12/2024 - 09:18

Quan tâm công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số 

(CT) - Đó là một trong các nhiệm vụ của ngành Giáo dục TP Cần Thơ trong năm học 2024-2025, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.

Giờ học của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú.

Theo đó, việc triển khai tổ chức dạy, học tiếng dân tộc thiểu số và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được ngành thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2023-2024, thành phố có 2.959 học sinh dân tộc thiểu số (1.916 học sinh dân tộc Khmer, 1.043 học sinh dân tộc Hoa) học tại các trường tiểu học và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú. Việc tổ chức dạy tiếng Hoa tập trung tại Trường Phổ thông Việt Hoa (quận Cái Răng) và Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều) với 6 lớp, 218 học sinh; dạy tiếng Khmer tập trung trên địa bàn các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn, với 14 lớp, 232 học sinh.

Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Việc tổ chức dạy, học tập trung nâng cao chất lượng đối với môn tiếng Việt, đảm bảo học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của cấp học. Đối với các trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số, thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch dạy học tiếng Việt lớp 1 từ số tiết được quy định trong chương trình lên một số tiết tùy theo tình hình địa phương; đặc biệt là việc tổ chức tăng cường tiếng Việt theo hướng tích hợp nội dung vào các môn học, các hoạt động giáo dục, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh; sử dụng hiệu quả đồ dùng học tập; giáo viên được chủ động phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa, chấp nhận sự khác biệt trong lớp.

Tin, ảnh: B.NG

Chia sẻ bài viết