29/11/2018 - 22:06

Quản lý chất lượng và hoạt động kinh doanh giống lúa ở Nam bộ 

Theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, hiện nay tỷ lệ cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho sản xuất lúa ở Nam bộ chỉ đạt từ 30-40% nhu cầu thực tế. Vì thế, nhu cầu sử dụng các giống lúa chất lượng cao ngày một tăng và các cơ sở kinh doanh giống lúa gia nhập thị trường ngày một nhiều. Từ đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý chất lượng hạt giống lúa, hình thành thị trường cung ứng giống cạnh tranh về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của nông dân khi mua và đưa các giống lúa vào sản xuất.


Thu hoạch lúa giống ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MINH HUYỀN

Dư địa sản xuất, kinh doanh giống lúa ở vùng Nam bộ còn rất lớn và có nhiều đơn vị tham gia, song cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng giống lúa. Theo ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, việc quản lý chất lượng giống được thực hiện theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy giống cây trồng”. Theo đó, đối với giống cây trồng nhóm 2 sản xuất trong nước, đánh giá hợp quy do tổ chức chứng nhận thực hiện hoặc do tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng tự thực hiện. Việc thực hiện theo hướng mở sẽ tạo sự chủ động cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống song từ đó cũng làm nảy sinh các vấn đề như: quy trình sản xuất giống, đảm bảo chất lượng hạt giống; như nhiều đơn vị sản xuất ra giống xác nhận từ giống bố mẹ có nguồn gốc không rõ ràng, giống cấp siêu nguyên chủng cũng cần được quản lý xem có đúng là cấp siêu chủng hay chưa trước khi nhân ra cấp nguyên chủng để sản xuất ra giống cấp xác nhận…

Trong những năm qua, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đang nỗ lực nâng dần tỷ lệ gieo sạ bằng giống lúa cấp xác nhận qua từng vụ. Theo thống kê của Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long, hiện nay, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận để gieo sạ trên địa bàn tỉnh chiếm đến 80%. Tuy nhiên có 40% trong số đó giống cấp xác nhận 2 không được kiểm định về chất lượng. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long, Trung tâm đang kiến nghị ngành chức năng tham mưu bỏ cấp giống xác nhận 2 ra khỏi các cấp giống quy định hiện nay để tránh tình trạng làm thị trường giống “bát nháo”, không đảm bảo chất lượng khi đưa đến tay nông dân. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh giống lúa có nhu cầu rất lớn về kiểm định, kiểm nghiệm giống nên các đơn vị thực hiện chức năng kiểm định, kiểm nghiệm cần rút ngắn thời gian kiểm định, kiểm nghiệm sao cho phù hợp để kịp cung cấp kịp thời cho nông dân vào đầu vụ.

Thực tế cho thấy, đơn vị kinh doanh giống lúa tự công bố hợp quy tức là chất lượng của hạt giống sẽ do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Do đó, việc lấy mẫu giống để tiến hành khảo, kiểm nghiệm phải đảm bảo tính trung thực, chuẩn xác và mang tính đại diện của mẫu giống được lấy từ đồng ruộng để mang đi thí nghiệm. Vì thế  yêu cầu đối với các doanh nghiệp khi thực hiện tự công bố chứng nhận hợp quy là phải lưu trữ đầy đủ các hồ sơ cần thiết, đối với tờ khai đăng ký kiểm định ruộng giống các cấp phải điền đầy đủ thông tin theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc tuân thủ quy trình sản xuất, kiểm định đồng ruộng, lấy mẫu giống, thử nghiệm mẫu; các quy định về hồ sơ thủ tục công bố hợp quy giống lúa chưa được thực hiện đầy đủ… Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp Bạc Liêu, chia sẻ: Thời gian qua, nhu cầu giống lúa ở ĐBSCL rất lớn, song đặc thù là mang tính thời vụ. Do đó, muốn đáp ứng kịp thời nhu cầu về loại giống và chất lượng giống lúa thì phải chủ động kế hoạch sản xuất. Song song đó, cần xem xét thẩm định cho một số đơn vị đủ điều kiện được thực hiện chức năng kiểm định, kiểm nghiệm giống lúa để tránh trường hợp quá tải. Cần rút ngắn thời gian khảo kiểm nghiệm để tạo thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh giống.

Theo ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, về cơ bản, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống quy mô lớn sẽ có bộ phận quản lý chất lượng và làm tốt công tác lưu trữ đầy đủ hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu về hậu kiểm. Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ sẽ hạn chế hơn trong công tác quản lý chất lượng giống lúa cũng như lưu trữ các hồ sơ cần thiết liên quan đến chứng nhận hợp quy, công bố chất lượng giống. Để đảm bảo chất lượng giống, các đơn vị cần tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến quy trình sản xuất, công bố chứng nhận hợp quy theo quy định. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi trong khai thác bản quyền, tác quyền giống lúa, các đơn vị nhận chuyển nhượng quyền sử dụng giống gốc cần chủ động gửi văn bản đến các Trung tâm có chức năng kiểm định, kiểm nghiệm giống để trường hợp có đơn vị khác gửi mẫu giống đến, Trung tâm sẽ từ chối không kiểm định.

Theo tiêu chuẩn quốc gia về quy trình sản xuất hạt giống lúa, hạt giống tác giả là hạt giống lúa thuần do tác giả chọn, tạo ra. Hạt giống lúa siêu nguyên chủng là hạt giống được nhân ra từ hạt giống tác giả hoặc phục tráng từ hạt giống sản xuất theo quy trình phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Hạt giống nguyên chủng là hạt giống được nhân ra từ hạt giống siêu nguyên chủng theo quy trình sản xuất hạt giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Hạt giống xác nhận, xác nhận 1 là hạt giống được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng theo quy trình sản xuất giống xác nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Hạt giống xác nhận 2 là hạt giống được nhân ra từ hạt giống xác nhận 1.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết