21/09/2013 - 10:52

NHÂN KỶ NIỆM 40 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả

 

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, là nền tảng quan trọng đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Nhân kỷ niệm 40 năm Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 - 21/9/2013), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn về quan hệ hai nước.

* Xin Bộ trưởng cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển như thế nào sau 40 năm kể từ ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và thành công nổi bật trong quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản đến nay là gì?

- Chúng ta hết sức vui mừng nhận thấy, sau 40 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9 năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân…

Về chính trị, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới, tiêu biểu là việc hai nước nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ lên "Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2009. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước và đưa ra chỉ đạo về phương hướng lớn, cũng như các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương. Cùng với Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, các cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực hợp tác cụ thể đã được hình thành, hợp tác giữa các bộ, ngành ngày càng mở rộng, có hiệu quả thiết thực. Hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, ASEAN, APEC, hợp tác Mê Công - Nhật Bản…

Về kinh tế, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất cả về số vốn đăng ký và đã giải ngân, với 1.990 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, tổng số vốn 32,667 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam . Kể từ khi nối lại ODA năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã dành cho Việt Nam hơn 2.100 tỉ yên vốn ODA (tương đương khoảng 21 tỉ USD), chiếm 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác song phương lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 24,7 tỉ USD trong năm 2012, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 13,1 tỉ USD với các mặt hàng chính là dầu thô, hàng dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng… Nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 11,6 tỉ USD gồm máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại… Hai nước cũng đã ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế.

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, giao lưu giữa các địa phương… cũng diễn ra rất sôi động. Năm 2012 đã có hơn 500.000 lượt người Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Hiện Việt Nam có hơn 20.000 lưu học sinh, tu nghiệp sinh, thực tập sinh đang học tập, lao động tại Nhật Bản.

Tôi cho rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Tài sản quý giá của hai đất nước chính là sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác toàn diện, thể hiện qua việc hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với sự nhất trí cao của Chính phủ, Quốc hội và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước. Đây là nền tảng quan trọng đưa hợp tác Việt - Nhật ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trong thời gian tới, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Theo Bộ trưởng, sự gần gũi giữa nhân dân hai nước đã đóng góp thế nào cho sự thành công của ngoại giao Nhà nước và ngược lại?

- Có thể nói giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu từ cách đây rất lâu. Hơn 400 năm trước, những thuyền buôn của Nhật Bản đã tới Phố Hiến ở miền Bắc và Hội An ở miền Trung Việt Nam, hiện nơi đây vẫn còn dấu tích của sự giao lưu giữa hai nước như cây cầu Nhật Bản.

Ngày nay, nhân dân hai nước có điều kiện thuận lợi hơn để tăng cường giao lưu với các đường bay nối liền các thành phố lớn, giúp cho việc đi lại giữa hai nước hết sức thuận tiện, dễ dàng. Các bạn Nhật Bản đến với Việt Nam chắc rằng đều cảm thấy yêu mến nền văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như những món ăn truyền thống của Việt Nam, trong khi người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, hào hứng tham dự các sự kiện giới thiệu văn hóa Nhật Bản để được ngắm hoa anh đào, thưởng thức các món ăn Nhật Bản hay tìm hiểu nghi lễ trà đạo. Sự giao lưu ngày càng mật thiết cùng với sự tương đồng về văn hóa, tập quán đã giúp nhân dân hai nước trở nên gần gũi và dễ dàng hiểu nhau hơn. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đã được thể hiện sinh động qua sự cảm thông và ủng hộ nhiệt thành của nhân dân Việt Nam đối với người dân và đất nước Nhật Bản trong những giờ phút khó khăn sau trận động đất, sóng thần tháng 3 năm 2011.

Cùng với các kênh hợp tác giữa Chính phủ, Quốc hội, chính đảng hai nước, hợp tác, giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức hữu nghị, giữa nhân dân hai nước đã giúp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển sâu rộng hơn, đa dạng hơn và ngày càng hiệu quả. "Ngoại giao nhân dân" đóng góp quan trọng vào việc củng cố nền tảng của tình hữu nghị và sự phát triển bền vững, lâu dài của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản. Ngược lại, nỗ lực của Chính phủ hai bên giúp tạo môi trường, điều kiện ngày càng thuận lợi để tăng cường sự giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Tôi tin tưởng rằng với sự tin cậy và tình cảm gắn bó giữa hai đất nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển bền vững.

* Bộ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới?

- Hiện nay quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển hết sức nhanh chóng, ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản nhằm vun đắp cho sự phát triển của quan hệ hai nước suốt 40 năm qua.

Trong thời gian tới, quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy về chính trị, thực sự coi nhau là cơ hội phát triển của mình và có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tiếp tục hợp tác triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng như Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, hai bên đang tiến những bước vững chắc trong việc thực hiện mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung năm 2011 là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại sau 10 năm… Với đà phát triển quan hệ mạnh mẽ như hiện nay, với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, chắc chắn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, sâu rộng, phù hợp với nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới. Chặng đường 40 năm qua của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ được nối tiếp bởi sự gắn bó ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

ĐỖ QUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết