28/05/2008 - 10:20

Quan hệ Nga-Gruzia "tăng nhiệt"

Căng thẳng giữa Nga và Gruzia tiếp tục gia tăng sau báo cáo đầu tuần này của LHQ cho rằng Không quân Nga đã bắn hạ máy bay do thám không người lái của Gruzia trên bầu trời Abkhazia, vùng lãnh thổ đang đòi độc lập khỏi Gruzia, hôm 30-4.

Trước đây, Tbilisi từng nhiều lần cáo buộc quân đội Nga bắn tên lửa vào lãnh thổ của họ, nhưng các nhà quan sát LHQ cho rằng không có đủ chứng cứ để buộc tội Mát-xcơ-va. Lần này, kết luận của các nhà điều tra LHQ dựa vào dữ liệu từ radar, nhân chứng và video thu được từ chiếc máy bay của Gruzia. Theo họ, một chiếc MiG-29 hoặc Su-27 của Nga đã lọt vào tầm quan sát của camera máy bay do thám Gruzia, trước khi phóng tên lửa tiêu diệt máy bay này.

Nhân viên gìn giữ hòa bình Nga tại một trạm kiểm soát ở khu vực giữa Abkhazia và Gruzia. Ảnh: Reuters 

Tuy LHQ cũng chỉ trích Tbilisi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 1993, vì đã đưa ít nhất 3 máy bay do thám vào Abkhazia trong vòng 2 tháng qua, nhưng Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili lập tức hoan nghênh tuyên bố của LHQ và kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng đối với hành động “gây chiến” của Nga. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Alexander Drobyshevsky phủ nhận liên quan tới vụ này và tuyên bố máy bay Nga không hề bay gần vùng trời Gruzia. Còn Sergei Shamba, Ngoại trưởng Abkhazia, thì chỉ trích LHQ thiên vị Gruzia và khẳng định chính các lực lượng của Abkhazia đã bắn hạ máy bay do thám Gruzia.

Quan hệ giữa Nga và Gruzia đặc biệt căng thẳng trong 2 tháng trở lại đây sau khi Mát-xcơ-va quyết định thúc đẩy quan hệ kinh tế trực tiếp với Abkhazia. Động thái này được xem là đòn trừng phạt nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Gruzia. Trong khi đó, Tbilisi cáo buộc Mát-xcơ-va âm mưu sáp nhập Abkhazia và Nam Ossetia, cũng là vùng lãnh thổ đang đòi độc lập khỏi Gruzia, vào Nga. Từ khi nảy sinh bất đồng, Mát-xcơ-va và Tbilisi bắt đầu tăng cường lực lượng ở khu vực giáp ranh giữa Abkhazia và Gruzia, nơi 3.000 binh sĩ Nga đang được triển khai theo thỏa thuận hòa bình năm 1993, những động thái được giới quan sát cho là chuẩn bị chiến tranh.

Cũng giống như Ukraina, Gruzia nằm trong vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây. Do vậy, kết thúc cuộc họp cấp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm 26-5, thay mặt EU, Ngoại trưởng Slovenia Dimitrij Rupel hối thúc Nga giải thích về những hành động đối với Gruzia. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước EU vừa nhất trí về tiến trình thương lượng hiệp ước đối tác mới, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Nga tại Siberia vào tháng 6 tới, Brussels không muốn làm căng với Mát-xcơ-va mà chỉ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc. EU cũng kêu gọi các bên nên kiềm chế.

Trước mắt, căng thẳng leo thang với Gruzia sẽ khiến nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kéo dài 15 năm qua của Nga gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 4-2008 đến nay, Tbilisi tăng cường cản trở không cho Nga trở thành thành viên WTO để phản đối việc Mát-xcơ-va thắt chặt quan hệ với Abkhazia và Nam Ossetia.

N.MINH (Theo Guardian, AP, AFP)

Chia sẻ bài viết