10/03/2011 - 20:47

Phòng trị bệnh thủy đậu

Bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng đang tiêm ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ. Ảnh: T.S

Hàng năm, cứ vào mùa khô bệnh thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) lại có chiều hướng gia tăng. Mặc dù mức độ nguy hiểm thấp nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn về mặt sức khỏe cũng như thẩm mỹ cho người bệnh. Qua thực tế điều trị, bác sĩ Từ Tuyết Tâm, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, đã dành thời gian trao đổi một số điều mọi người cần lưu ý trong phòng ngừa và điều trị bệnh thủy đậu, như sau:

Từ sau Tết đến nay, số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu đến khám, điều trị tại Bệnh viện Da liễu có chiều hướng tăng lên. Mỗi ngày có khoảng 7- 10 ca đến khám và điều trị tại bệnh viện. Đối tượng nhiễm bệnh thuộc mọi lứa tuổi, không phân biệt môi trường sống ở thành thị hay nông thôn. Bệnh thường phát triển mạnh vào các tháng mùa xuân, mùa hè.

Nguyên nhân gây bệnh là do virus Varicella Zoster. Thời gian ủ bệnh trong vòng 14 ngày. Bệnh thường khởi phát âm thầm với triệu chứng sốt nhẹ 38oC. Qua 24 giờ sau xuất hiện phát ban, tiến triển qua 4 giai đoạn với các triệu chứng sau: dát hồng ban gây ngứa; vài giờ sau sẽ xuất hiện các mụn nước đường kính vài mi-li-mét trên dát hồng ban, chứa dịch trong; 48 giờ sau là giai đoạn mụn nước khô lại, mụn nước trở nên đục, khô xẹp ở lõm trung tâm; cuối cùng là giai đoạn đóng mài (từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4). Bệnh thường khởi phát ở thân mình, da đầu, sau đó lan ra chi và cuối cùng là mặt. Niêm mạc và cơ quan sinh dục có thể bị các vết trợt lở, đau rát và thường lành trong vòng 10 ngày.

Tác hại của bệnh không nghiêm trọng, thường lành không để lại sẹo nếu điều trị sớm, có thể bị sẹo lõm màu trắng do điều trị trễ hoặc không đúng, gây hiện tượng bội nhiễm cho da. Một số ít trường hợp gặp các biến chứng sau: bội nhiễm có thể gây nhiễm trùng da nặng, nhiễm trùng huyết; viêm phổi; ảnh hưởng thần kinh: co giật, mất thăng bằng,...

Phương pháp điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng và phòng lây lan. Bệnh có thể điều trị tại chỗ, như: bôi thuốc sát trùng (Millian, Eosin, Castellani); dùng kháng sinh khi có bội nhiễm; dùng thuốc kháng virus (đối với người lớn có thể dùng Acyclovir 800mg x 4 lần/ ngày x 5 ngày; trẻ em có thể dùng Acyclovir 20mg/ kg x 4 lần/ ngày x 5 ngày). Ngoài ra, có thể dùng kháng histamin (thuốc chống ngứa), đồng thời điều trị hạ sốt. Lưu ý, cần tránh điều trị bằng cách tắm nước nấu gốc rạ vì có thể gây bội nhiễm; tránh cào gãi; nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, trái cây có nhiều vitamin.

Vì thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm nên tránh tiếp xúc với người xung quanh. Bệnh lây qua đường thở do tiếp xúc với các mụn nước bể ra chứa nhiều virus. Thời gian lây nhiễm từ trước khi phát ban 2 ngày đến sau khi nổi mụn nước 5 ngày. Trẻ em nên nghỉ học khoảng 1 tuần để tránh bệnh lây lan trong trường học. Để phòng tránh bệnh thủy đậu, mọi người nên tiêm ngừa bệnh tại các trung tâm y tế dự phòng ở địa phương. Tuy nhiên, lúc người nhà bị bệnh thì tiêm ngừa không kịp tạo kháng thể chống lại bệnh, phải tiêm ngừa lúc cơ thể khỏe mạnh.

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết