16/04/2024 - 08:43

Phòng tránh bệnh dại trên đàn vật nuôi 

Bệnh dại là loại bệnh rất nguy hiểm xuất hiện trên các loại vật nuôi như chó, mèo và có thể truyền nhiễm sang người gây nguy hại đến tính mạng của con người. Ðể chủ động phòng tránh bệnh dại, ngành chức năng TP Cần Thơ đã và đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định về tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, quản lý, không để chó, mèo thả rông... Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng và nơi đông người cần thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người xung quanh...

Lực lượng Thú y quận Ninh Kiều đến tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó được nuôi tại một hộ dân ở phường An Khánh.

Bệnh dại diễn biến phức tạp

Qua hơn 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP Cần Thơ chưa ghi nhận sự xuất hiện của bệnh dại trên đàn chó, mèo. Tuy nhiên, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp người bị tử vong vì bệnh dại do chó, mèo và các loại vật nuôi trong nhà cắn, cào, cấu nhưng không tiêm vaccine kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Cả nước đã xảy ra 70 ổ dịch bệnh dại tại 25 tỉnh, thành, với số chó mắc bệnh 101 con, số chết và tiêu hủy 217 con. Bệnh dại đã xảy ra tại nhiều tỉnh ở ÐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp, Trà Vinh... Ðiều này có thấy bệnh dại còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan từ địa phương này sang địa phương khác. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến cuối tháng 3-2024 đã có 16/63 tỉnh, thành có ca bệnh dại trên người, với 27 người mắc và tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm trên gia súc do virus gây ra hiện chưa có thuốc điều trị bệnh đặc trị. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc. Trong năm 2023, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, lực lượng Thú y TP Cần Thơ đã phối hợp các địa phương tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo được 40.211 con, đạt 84,11% tổng đàn. Tỷ lệ tiêm phòng đạt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã triển khai tiêm hơn 5.000 liều vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo. Tính đến thời điểm đầu tháng 4-2024, tại TP Cần Thơ không phát hiện bệnh dại và các loại bệnh nguy hiểm khác trên đàn gia súc như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, heo tai xanh và dịch tả heo châu Phi. Năm 2024, TP Cần Thơ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác tiêm vaccine để phòng bệnh dại và các bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, thành phố đang nỗ lực đạt mục tiêu chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc nhằm tạo miễn dịch chủ động bảo vệ đàn gia súc đối với các bệnh nguy hiểm. Phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% số gia súc trong diện tiêm. Quan tâm triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 22/CÐ-TTg ngày 14-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, cũng như các công điện, chỉ thị và kế hoạch của Trung ương và thành phố về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2024.

Tích cực tiêm vaccine phòng bệnh

Phòng bệnh cho vật nuôi, cũng như bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình và cộng đồng, thời gian qua nhiều hộ dân có nuôi chó mèo  đã thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng bệnh  dại cho chó, mèo.

Ông Ung Hữu Ngọ, ngụ khu vực 3, phường An Khánh, cho biết: "Gia đình tôi có nuôi 4 con chó để giữ nhà. Tôi luôn tuân thủ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chúng theo đúng định kỳ hằng năm. Tôi cũng rất mừng khi được lực lượng Thú y hỗ trợ đưa vaccine đến tận nhà tôi để tiêm cho đàn chó, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc phải chở chó đến tiêm tại các bệnh xá thú y hay điểm tiêm tập trung". Theo anh Lê Trần Hiếu ở phường An Khánh, dù nuôi có một con mèo để làm thú cảnh nhưng gia đình anh cũng đã tiêm vaccine phòng bệnh dại nhằm đảm bảo an toàn cho mèo và các thành viên của gia đình anh khi tiếp xúc với chúng.

Ninh Kiều có số lượng đàn chó, mèo lớn nhất thành phố, hơn 3.900 hộ dân nuôi chó và mèo, với tổng đàn hơn 7.290 con. Thời gian qua, nhờ lực lượng Thú y cùng ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân trong tiêm vaccine phòng bệnh dại mà tỷ lệ đàn chó, mèo tại quận được tiêm phòng luôn đạt ở mức cao, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra bệnh dại. Ông Vương Quốc Chính, Trưởng Ban Chăn nuôi và Thú y phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: "Trên địa bàn phường có đàn chó, mèo hơn 1.500 con. Hằng năm, lực lượng Thú y của phường thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại cho từ 85-95% trên tổng đàn, còn lại nhiều hộ dân cũng tự đem chó, mèo đến các phòng mạch thú y để tiêm ngừa bệnh dại. Ðể đạt tỷ lệ cao trong tiêm phòng, lực lượng thú y của phường đã quan tâm nắm kỹ số lượng đàn chó, mèo và đi đến tận nhà hộ dân để tuyên truyền, hỗ trợ tiêm vaccine". Theo ông Nguyễn Văn Ðạo, Phó Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Ninh Kiều - Bình Thủy, để phòng tránh bệnh dại, cần phải làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để giúp người dân hiểu biết về việc tiêm vaccine phòng bệnh dại. Ðồng thời, cần phối hợp tốt giữa các bên có liên quan trong việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi, đặc biệt lực lượng cán bộ thú y, nhất là thú y ở địa phương cần nhiệt tình và năng nổ trong tiếp xúc, tiếp cận với người dân để đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh cho đàn chó, mèo.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tới đây, cùng với việc thực hiện các đợt tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch, lực lượng thú y cũng thường xuyên rà soát và thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo nuôi mới, những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu, cũng như đàn chó, mèo hết thời gian miễn dịch hoặc khi có yêu cầu của người chăn nuôi. Ðồng thời, tăng cường phối hợp địa phương trong hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về tiêm vaccine phòng bệnh dại, quản lý đàn vật nuôi, không để chó, mèo thả rông. Qua đó, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu số lượng người bị chó cắn, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường và xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện của địa phương.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết