Theo TS.BS Trần Thị Hồng Của, giảng viên khoa Y, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, dị ứng thức ăn là bệnh lý miễn dịch, thể hiện phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch với loại protein đặc biệt có trong thức ăn sau khi cơ thể tiêu thụ. Bất kể loại thức ăn nào cũng có thể gây dị ứng trên những người có cơ địa rất đặc biệt. Các loại thức ăn gây dị ứng gặp ở cả 2 nhóm có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Nhóm nguồn gốc động vật gồm sữa, trứng, cá và các loài giáp xác như cua, tôm… Các thức ăn thuộc nhóm thực vật gồm các loại hạt như lúa mì, đậu phộng, đậu nành.
Biểu hiện lâm sàng đầu tiên và thường gặp nhất của tình trạng dị ứng xuất hiện ở da. Trong vòng vài giây đến tối đa 1 phút, khi cơ thể xảy ra phản ứng miễn dịch diễn tiến nhanh, bệnh nhân lập tức nổi sẩn đỏ trên da, rất ngứa, được gọi là mề đay. Một số triệu chứng khác như sưng môi, sưng mi mắt, phù mạch. Các triệu chứng ở hệ tiêu hóa cũng xuất hiện đồng thời như buồn nôn, nôn ói, tiêu phân lỏng. Khi bệnh nhân có thêm các triệu chứng của đường hô hấp như khàn tiếng, tiếng rít khò khè, khó khở hay các triệu chứng suy tuần hoàn, giảm huyết áp, da niêm tái nhợt báo động tình trạng dị ứng mức độ nặng, đã xảy ra sốc phản vệ.
TS.BS Trần Thị Hồng Của khuyên, bất kể bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng nào, mức độ nặng nhẹ ra sao, khi nghi ngờ bị dị ứng thức ăn, tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và hiệu quả nhất với tình trạng dị ứng thức ăn. Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Vì vậy, người có tiền sử bệnh nên kiêng những thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng. Khi tiếp xúc với thực phẩm, cần lưu ý các thành phần nguyên liệu, tránh sử dụng sản phẩm chứa thành phần khiến cơ thể mẫn cảm. Một số ý kiến cho rằng, người có tiền sử dị ứng nên uống thuốc giải dị ứng trước khi ăn thức ăn gây dị ứng hoặc tập ăn từng chút một các thực phẩm gây dị ứng để cơ thể có thể “làm quen” loại thức ăn này. Theo bác sĩ, khoa học chưa có bằng chứng cho thấy uống thuốc dự phòng sẽ tránh được tình trạng dị ứng. Ngoài ra, việc “tập ăn” các loại thực phẩm gây dị ứng cũng không đảm bảo an toàn sức khỏe vì người bệnh không thể xác định liều lượng giới hạn của cơ thể dẫn đến dị ứng.
Người có tiền sử dị ứng từng được bác sĩ chỉ định thuốc kháng histamin giải dị ứng có thể dự phòng mang thuốc theo bên người. Ngoài ra, trên thị trường hiện có những túi thuốc chống sốc, gồm các thuốc thông thường nhưng rất hữu dụng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng trong những trường hợp khẩn. Khi xảy ra dị ứng mức độ nặng hoặc sốc phản vệ, người bệnh hoặc những người xung quanh có thể xử trí cho bệnh nhân trước khi đưa vào bệnh viện.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc dị ứng thức ăn là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trước 3 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, do hệ thống miễn dịch của trẻ ở lứa tuổi này chưa hoàn chỉnh, rất dễ phản ứng đối với những thành phần protein lạ được cung cấp vào cơ thể trẻ. Đối tượng thứ hai là bệnh nhân có tiền sử gia đình dị ứng. Nếu cha mẹ đều có cơ địa dị ứng thức ăn thì nguy cơ người con bị dị ứng rất cao, từ 50-60%, thậm chí là 80%. Chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì nguy cơ ở con thấp hơn, dưới 5%. Yếu tố liên quan đến môi trường cũng có nguy cơ gây dị ứng cho người có cơ địa mẫn cảm thông qua đường hô hấp là con bọ nhà, một loại siêu ký sinh trùng, có thể có ở trong mùng, mền, chiếu, gối. Dị nguyên khác gây dị ứng là phấn hoa, hoặc có trong các loại rau, củ quả tươi sống.
TS.BS Trần Thị Hồng Của khuyên người bệnh nên chủ động thông báo cho người nhà và những người xung quanh về tiền sử dị ứng của bản thân đối với loại thực phẩm nào đó. Đối với trẻ nhỏ có cơ địa dị ứng thức ăn, khi bắt đầu đến tuổi đến trường, cha mẹ cũng cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa xảy ra tình trạng dị ứng của trẻ. Cha mẹ có thể tự nấu thức ăn tại nhà cho trẻ mang đi học và cần thêm sự hỗ trợ của cô giáo tại lớp. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin cho nhà trường, giáo viên về tiền sử dị ứng của trẻ, những dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng và cách thức cấp cứu, đưa trẻ đến ngay bệnh viện thăm khám.
THU SƯƠNG