02/11/2011 - 08:57

Phối hợp với tiểu thương đưa hàng Việt về nông thôn

* MỸ HOA

Từ phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” lần thứ 67, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN) thành lập đoàn đến thăm và tìm hiểu nhu cầu kinh doanh của tiểu thương tại các chợ ở nhiều vùng nông thôn. Đây không chỉ là hoạt động kiểm tra mật độ bao phủ hàng Việt mà qua đó DN còn lắng nghe ý kiến phản hồi của nhiều tiểu thương, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn về hàng Việt. Từ đó, DN vào cuộc hướng dẫn và hỗ trợ tiểu thương về nhiều măt; cải tiến và tổ chức lại mạng lưới phân phối hàng hóa, nhằm góp phần lấp “lỗ hổng” hàng Việt tại thị trường nông thôn.

TIỂU THƯƠNG – KÊNH TIẾP THỊ QUAN TRỌNG

 Doanh nghiệp đến thăm hỏi bà con tiểu thương tại nhà lồng chợ thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, BSA đã phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Đa phần, các DN tham gia phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng mà còn tìm cơ hội khai thác thị trường nông thôn. Để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, hàng hóa Việt gần gũi hơn với thị trường nông thôn, việc tiếp cận tiểu thương ở các chợ được xem là hoạt động thiết thực. Theo nhiều DN, tiểu thương chính là kênh tiếp thị hàng hóa quan trọng ở các chợ. Bởi đây là lực lượng trực tiếp bán hàng và nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng từng địa phương.

Việc tiếp cận, hỗ trợ tiểu thương của đoàn DN tại các “Phiên chợ hàng về nông thôn” được tiểu thương nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Chị Nguyễn Ngọc Huệ, chủ cửa hàng mỹ phẩm Phương Thùy, Nhà lồng chợ thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cho biết: Tiểu thương rất sẵn lòng làm vai trò tiếp thị, tìm hiểu thông tin cũng như thị hiếu của người tiêu dùng và có ý kiến phản hồi đến các DN sản xuất hàng Việt để phát triển hàng Việt tại địa phương. Bởi người tiêu dùng nông thôn ngày càng thận trọng và có nhiều hiểu biết trong việc lựa chọn sản phẩm. Họ không chỉ chú trọng vào hình thức sản phẩm mà rất quan tâm đến các yếu tố như: nguồn gốc xuất xứ, hạn sử sụng, uy tín, thương hiệu, đảm bảo chất lượng... Các nhà sản xuất hàng Việt nên hiểu và đáp ứng được những yêu cầu trên nhằm tiến tới việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo về chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, bắt mắt... người tiêu dùng mới tin dùng và uy tín của người bán cũng được củng cố và nâng cao.

LẤP “LỖ HỔNG” CHO HÀNG VIỆT

Ông Ông Văn Tràng, Phó Giám đốc Marketing, Công ty TNHH SX-TM-XNK Vĩnh Thuận, cho biết: Đến thăm tiểu thương tại các chợ, DN không chỉ lắng nghe những phản ánh của người tiêu dùng từ các tiểu thương mà còn hiểu thêm được nhu cầu tiêu dùng của từng vùng, từng địa phương khác nhau. Từ đó, DN sẽ có cách khắc phục những hạn chế như: bao bì, mẫu mã, sản phẩm mới... và điều tiết kênh phân phối hàng hóa phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng tại từng vùng nông thôn. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp DN quảng bá hình ảnh sản phẩm mới đến với các tiểu thương- kênh tiếp thị hàng Việt hiệu quả tại thị trường nông thôn. Theo ông Ông Văn Tràng, qua các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, Vĩnh Thuận cũng đã có nhiều cải tiến trong việc phát triển sản phẩm, nhất là sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, Vĩnh Thuận có các dòng sản phẩm mới như: bột bánh bông lan, bột bánh da lợn nhận được sự bình phẩm rất khả quan từ người tiêu dùng tại các phiên chợ hàng Việt cũng như tiểu thương tại các chợ.

Trong khuôn khổ phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, ngoài việc tiếp cận, lắng nghe ý kiến, các DN còn hướng dẫn tiểu thương cách bài trí sản phẩm cũng như kỹ năng bán hàng. Bên cạnh đó, DN còn hỗ trợ vốn cho tiểu thương tại các chợ trọng điểm, thông qua hình thức công nợ gối đầu. Ông Đỗ Tấn Tài, Giám đốc Kinh doanh khu vực, Công ty TNHH SX- TM Hải Thanh, cho biết: Hiện nay, việc kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ gặp không ít những khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, mua bán nhỏ lẻ... Do đó, đầu tư công nợ gối đầu là một việc làm cần thiết, hỗ trợ thiết thực cho các tiểu thương tại các chợ phát triển kinh doanh. Theo ông Tài, DN đầu tư công nợ tốt sẽ giúp tiểu thương tự tin, mạnh dạn đặt hàng nhà sản xuất, góp phần giảm bớt gánh nặng hàng nhái, hàng kém chất lượng tại các chợ vùng nông thôn. Đồng thời, điều này cũng góp phần mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh độ bao phủ hàng hóa Việt tại các chợ về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần đưa DN và tiểu thương ngày càng xích lại gần nhau hơn...

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết