31/07/2021 - 10:18

Phối hợp chặt chẽ ngăn ngừa tội phạm giết người và xâm hại trẻ em 

Trong những năm gần đây, tội phạm giết người, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng về số vụ và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Tại Hội nghị chuyên đề về thực tiễn công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm giết người, xâm hại tình dục trẻ em tại TP Cần Thơ vừa qua, các ngành chức năng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa, đẩy lùi các loại tội phạm này trong thời gian tới.

Hội đồng xét xử, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ  xét xử  bị cáo Lê Hùng Đức (bên phải) tù chung thân và bị cáo Nguyễn Dương Khang 15 năm tù cùng về tội giết người.

Hội đồng xét xử, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ  xét xử  bị cáo Lê Hùng Đức (bên phải) tù chung thân và bị cáo Nguyễn Dương Khang 15 năm tù cùng về tội giết người.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Cần Thơ, từ năm 2018-2020, toàn thành phố xảy ra 50 vụ giết người, cơ quan chức năng đã khởi tố 94 bị can. Trong đó, nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia chiếm 24%; do ghen tuông tình ái chiếm 18%; nguyên nhân xã hội chiếm 32%... Bên cạnh đó, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng có diễn biến rất phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố 92 vụ đối với 89 bị can. Đáng lưu ý tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi xảy ra đến 52 vụ, chiếm hơn 56%; có đến 46 vụ xảy ra tại các nhà trọ, nhà nghỉ trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận thanh, thiếu niên bị tác động của văn hóa phẩm đồi trụy, những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội;...

Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, các cơ quan tư pháp thành phố, trong đó VKSND và Công an đã tích cực, chủ động phối hợp, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ gắn với tình hình thực tiễn của từng địa bàn, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy địa phương trong việc phòng ngừa, kéo giảm loại tội phạm này. Theo ông Huỳnh Văn Ri, Viện Trưởng VKSND thành phố, các cơ quan, ban, ngành hữu quan cần thống nhất quan điểm về công tác đấu tranh phòng, ngừa tội phạm nói chung và tội phạm giết người, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, cấp bách của hệ thống chính trị thành phố; đề ra những giải pháp cụ thể để tiến tới ngăn ngừa, đẩy lùi các loại tội phạm này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của thành phố cần tăng cường phối hợp từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm đến khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người, xâm hại tình dục trẻ em; tổ chức họp liên ngành để chọn án trọng điểm điều tra, truy tố, xét xử nhanh nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; tiếp tục nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để có biện pháp ngăn ngừa. 

Là những người trực tiếp làm công tác điều tra, tiếp cận vụ án ngay từ đầu, Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ cho rằng: Để phòng ngừa đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cha mẹ phải chủ động giáo dục giới tính cho con, trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ ngay từ nhỏ. Cha mẹ đừng vì lợi ích vật chất hoặc tâm lý mặc cảm, xấu hổ mà bao che, dung túng, không tố giác tội phạm. Còn đối với tội phạm giết người, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần nắm bắt kịp thời mọi vấn đề phát sinh, nhanh chóng thông tin cho các đơn vị liên quan để phối hợp, can thiệp, giải quyết, không để hình thành mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài làm phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, trong đó Công an giữ vai trò nòng cốt, nắm tình hình, rà soát, có biện pháp quản lý đối tượng thanh niên lang thang, không có việc làm, nghiện ma túy có biểu hiện “ngáo đá”, người có biểu hiện bệnh lý về tâm thần và vận động gia đình đưa họ đi chữa trị kịp thời…

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn nói chung, theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, các ngành, các cấp cần chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông vào những nhóm đối tượng có nguy cơ cao (bao gồm cả nguy cơ xâm hại và bị xâm hại). Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của cha, mẹ và người thân nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững. Hơn ai hết, chính cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết, không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con em biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.  

Trước những biện pháp các ngành chức năng đề xuất, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định: Công an thành phố là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm. Do đó, cần quan tâm, chỉ đạo các lực lượng Công an cơ sở, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát hình sự tập trung phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động băng nhóm; tăng cường biện pháp quản lý các nhà trọ, nhà nghỉ, ngăn ngừa kéo giảm thấp nhất tội phạm xảy ra ở những địa điểm này. Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm giết người và xâm hại trẻ em, phải kịp thời phối hợp với VKSND, tiến hành xác minh nhanh chóng, làm rõ. Các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần hạn chế, kéo giảm tội phạm.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết