15/08/2021 - 00:44

Phim kinh phí thấp cứu phòng vé Hollywood 

Các phim thương hiệu kinh phí cao không thể cứu nguy cho phòng vé Hollywood như dự đoán trước đó của nhiều chuyên gia. Thay vào đó, những phim có kinh phí thấp, đặc biệt là phim kinh dị, lại trở thành cứu tinh của phòng vé và các nhà làm phim.

Cảnh phim “The Conjuring: The Devil Made Me Do It”.

“The Suicide Squad” vốn được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của các bom tấn thương hiệu “Fast & Furious 9” và “Black Widow”, nhưng đáng tiếc lại mang về kết quả không khả quan. Phim chỉ thu được khoảng 30 triệu USD sau 3 ngày công chiếu, khi kinh phí sản xuất được đầu tư lên đến 185 triệu USD. “The Suicide Squad” nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn đến các nhà phê bình, nhất là trên Rotten Tomatoes khi đạt đến 90% bài bình luận tích cực. Nguyên nhân dẫn đến thất bại phòng vé của “The Suicide Squad” một phần đến từ sự nguy hiểm của biến chủng Delta trong đại dịch COVID-19 khiến nhiều khán giả ngại đến rạp. Mặt khác, phim còn dán mác R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi), đã phần nào thu hẹp người xem. Phân tích cho thấy, nhiều phim dán mác R như: “Deadpool”, “Joker” vẫn làm nên chuyện ở phòng vé, nhưng những phim này thường có chi phí cho sản xuất hạn chế, chỉ từ 60-110 triệu USD/tác phẩm. Cho nên, sự đầu tư lớn cho “The Suicide Squad” rõ ràng là canh bạc mang rủi ro cao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Sai lầm của nhà sản xuất “The Suicide Squad” cũng tương tự như những nhà đầu tư cho “Space Jam: A New Legacy” với kinh phí 150 triệu USD, “Jungle Cruise” có chi phí sản xuất 200 triệu USD. Quả đắng nhận lại khá rõ ràng, mà nổi bật nhất là thất bại của “Jungle Cruise”, khi đã phát hành ở cả hai nền tảng (rạp chiếu truyền thống và trực tuyến) nhưng thu về cho đến nay chỉ được hơn 100 triệu USD. Tương tự, “Snake Eyes” có vốn đầu tư 100 triệu USD nhưng đến nay mới chỉ thu về chưa đến 40 triệu USD. Thực tế cho thấy, ngoại trừ “Fast & Furious 9” và “Black Widow” còn có sức hút, thì những bom tấn thương hiệu khác đều lay lắt tìm hướng ra. Có lẽ vì thấy trước thực tế này, nhiều đơn vị đã chọn đầy lùi các dự án đã lên lịch phát hành, như Paramount đổi ngày phát hành của “Top Gun: Maverick”, Sony đẩy “Hotel Transylvania: Transformania” tới tháng 10, Universal đưa “Jurassic World: Dominion” và “Minions: The Rise of Gru” sang năm 2022.

Mặc dù bom tấn thương hiệu đang gặp khó về doanh thu, thì các phim có kinh phí thấp lại dễ thở hơn và trở thành cứu tinh của các phòng vé năm nay. Mở đầu cho xu hướng thành công này là “A Quiet Place Part II” của Paramount: mang về hơn 295 triệu USD từ thị trường toàn cầu, trong khi kinh phí sản xuất chỉ khoảng 61 triệu USD. Tương tự, một phim kinh dị kinh phí thấp là “The Conjuring: The Devil Made Me Do It” viết tiếp câu chuyện thành công phòng vé, khi đã mang về khoảng 195 triệu USD toàn cầu với kinh phí sản xuất 40 triệu USD. Hay một thương hiệu kinh dị khác là “The Forever Purge” cũng đem đến thành công doanh thu cho Universal. “The Forever Purge” đến nay thu 68 triệu USD, gần gấp ba khoản kinh phí 25 triệu USD. “Escape Room: Tournament of Champions” cũng âm thầm mang về cho Sony 32 triệu USD, gấp đôi con số 15 triệu USD kinh phí sản xuất. “Old” của M. Night Shyamalan cũng có hơn 63 triệu USD và đang tiếp tục tăng dần, trong khi khoản đầu tư chỉ 18 triệu USD.

Những thành công trên cho thấy phim kinh dị, phim kinh phí thấp vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Do đó, một loạt phim có chủ đề này đang chờ công chiếu, mà tiêu biểu là “Don’t Breathe 2” và “Candyman” hứa hẹn sẽ sinh lời, vì kinh phí sản xuất chỉ chừng 15-20 triệu USD. “Malignant” của “Ông hoàng phim kinh dị” James Wan cũng cho thấy là một tác phẩm tiềm năng về doanh thu, với vốn sản xuất 40 triệu USD. Lại thêm tên tuổi của James Wan ở dòng phim này đủ sức bảo chứng phòng vé cho “Malignant”.

Trước sự biến đổi bất thường của đại dịch COVID-19, rất khó để nhận định khi nào phòng vé Hollywood nói riêng và toàn cầu nói chung mới hoàn toàn hồi phục, trở lại quỹ đạo. Thực tế, những dự đoán về thị hiếu, thị trường khán giả của điện ảnh trước đó đều bị phá vỡ. Khi “Godzilla vs. Kong” mang về 460 triệu USD từ phòng vé toàn cầu vào tháng 3-2021, nhiều người nhận định đó là tín hiệu hồi phục cho mùa phim hè, nhất là khi các rạp chiếu ở New York, Los Angeles được phép hoạt động trở lại sau hơn một năm đóng cửa. Vào thời điểm “Fast & Furious 9” và “Black Widow” thành công, cũng đã thắp lên nhiều niềm tin rằng phòng vé Hollywood sẽ sớm khôi phục trở về vị trí dẫn đầu. Các phim thương hiệu sẽ dần phong phú và công phá màn ảnh trở lại.

Thế nhưng thực tế đang cho thấy thị trường đã thay đổi và phát đi những tín hiệu cảnh báo đến các nhà sản xuất, phát hành phim và rạp chiếu. Các dự án bom tấn phải đối mặt với nguy cơ chật vật tìm đường hòa vốn, trong khi các phim kinh phí thấp có thể “sống khỏe” giữa đại dịch. Những phim này không chỉ trở thành cứu tinh cho phòng vé hiện tại mà còn mở ra định hướng để các nhà đầu tư cân nhắc, xem xét đến những dự án ở thị trường chuyên biệt. Còn về hy vọng khôi phục hoàn toàn doanh thu phòng vé và số lượng khán giả đến rạp, các nhà phân tích và chuyên gia dự đoán phải đến năm 2024 điều này mới có thể xảy ra.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Hollywoodreporter, Variety, Forbes)

Chia sẻ bài viết