31/05/2022 - 16:03

Phim Hàn Quốc nhìn thẳng nạn bạo lực học đường 

Bạo lực học đường được phim ảnh Hàn Quốc thể hiện nhiều, trong thời gian dài, tuy nhiên, chưa thực sự sâu sắc. Gần đây, vấn nạn này được nhìn nhận thẳng thắn với chiều sâu. Mục đích chính là cảnh tỉnh về mức độ nghiêm trọng và độ phổ biến của bạo lực trong trường học hiện nay.

Phim “Juvenile Justice”. 

“Tomorrow” vừa lên sóng vào tháng 4-2022 đã phản ánh trực tiếp vấn nạn bạo lực học đường cùng những hậu quả nghiêm trọng; khi phim tái hiện nỗi đau và ám ảnh tâm lý của một nạn nhân bạo lực học đường qua nhân vật Noh Eun Bi, một cô gái tìm cách tự sát. Noh Eun Bi là biên kịch đang có cuộc sống ổn định, nhưng cuộc gặp gỡ với Kim Hye Won - họa sĩ truyện tranh nổi tiếng cũng là bạn học cũ, thì nỗi ám ảnh năm xưa sống dậy. Noh Eun Bi luôn bị Kim Hye Won bắt nạt thậm tệ lúc còn đi học và điều này trở thành nỗi ám ảnh tồn tại sâu bên trong Noh Eun Bi. Nỗi hoảng sợ đã khiến Noh Eun Bi luôn tìm đến cái chết. Bạo lực học đường trong phim ảnh của Hàn Quốc trước đó chỉ dừng ở mức phản ánh, chưa bao giờ lên ánh trực tiếp về vấn nạn này. Nhưng ở “Tomorrow” vấn đề được khai thác sâu hơn, bóc tách từng lớp để người xem thấy rõ những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra cho sức khỏe và tâm lý của nạn nhân về lâu dài.

Vấn nạn bạo lực học đường cũng bị lên án gay gắt hơn xưa. Nếu như trước đây, phim ảnh khi đề cập đến vấn nạn này thường có phần dè dặt, khỏa lấp với nhiều nguyên nhân; nhưng nay các nhà sản xuất nội dung giải trí khẳng định mọi hình thức bạo lực, bắt nạt tại trường học đều không thể chấp nhận. Cụ thể trong “All Of Us Are Dead”, hành vi bắt nạt bị lên án mạnh mẽ, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên đều cần phải chấn chỉnh kịp thời. Một loạt các phim mới đây như “Juvenile Justice”, “Taxi Driver”, “I Want To See Your Parent’s Face” đều lên án sự thật trần trụi về tấn công tình dục, tội phạm vị thành niên và quấy rối trong trường học.

Nhà phê bình văn hóa Kong Hee Jung cho rằng: “Các phim phát hành gần đây có xu hướng miêu tả bạo lực học đường một cách thẳng thắn chứ không né tránh như trước kia. Ví như trong “Juvenile Justice” luôn có những án phạt nghiêm khắc đối với những hành vi bạo lực sai trái”. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Duk Hyun cho rằng công chúng ngày nay dành nhiều sự quan tâm cho thanh thiếu niên, vì thế các nhà sản xuất sáng tạo nội dung tập trung hơn vào vấn đề học đường. Cụ thể các phim về lứa tuổi thanh thiếu niên trước đây chỉ tập trung thể hiện về ước mơ, tình yêu thanh xuân; thì hiện nay các vấn đề thực tế xung quanh học sinh như bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng, tội phạm vị thành niên và sử dụng chất kích thích đã dần được khai thác nhiều hơn. Kong Hee Jung nói: “Những câu chuyện cung cấp cái nhìn chân thực, quan trọng về xã hội ngày nay cho thanh thiếu niên, đồng thời cảnh báo người lớn rằng đây là vấn đề cần được quan tâm”. Luật sư chuyên về về bạo lực học đường và bắt nạt Noh Yoon Ho, cho biết: “Tôi nhận ra rằng nhiều học sinh phớt lờ sự tồn tại của bạo lực học đường. Họ sợ mình trở thành nạn nhân, hoặc vô tình dính líu đến vụ việc. Ngay cả bậc cha mẹ cũng tách con cái họ ra khỏi vấn đề này”.

Do đó, việc phản ánh vấn nạn bạo lực học đường trong phim ảnh là sự nhắc nhở, cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, để các phụ huynh, công chúng đành nhiều sự quan tâm hơn với giới trẻ.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Koreaherald, Soompi)

Chia sẻ bài viết