27/09/2022 - 09:04

Phim ảnh tác động đến thị trường xuất bản văn học kỳ ảo 

“House of the Dragon”, “The Sandman” là hai trong nhiều bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm của dòng văn học kỳ ảo, đã phá kỷ lục lượt xem của đài HBO. Bản phim có sức hút dẫn đến nhiều độc giả săn tìm lại bản tiểu thuyết, giúp cho thị trường xuất bản văn học kỳ ảo nhộn nhịp trở lại.

Sự quan tâm của công chúng với “The Sandman” (ảnh) đã giúp doanh thu bản sách của tác phẩm này bất ngờ tăng vọt và đứng đầu bảng xếp hạng tiểu thuyết đồ họa bán chạy của Amazon. Khi “Lord of the Rings” của nhà văn J.R.R.Tolkien được Amazon đầu tư bản phim mới, hay “House of the Dragon” - tiền truyện của “Game of Thrones” của nhà văn George R.R. Martin ra bản phim, cũng là lúc những tiểu thuyết gốc trở lại vị trí cao trong danh mục sách bán chạy. Không chỉ ở những tiểu thuyết gốc liên quan đến tác phẩm phim tạo được sức hút mà cả những tác phẩm khác thuộc dòng văn học kỳ ảo cũng tăng doanh số.

Marcus Gipps, Giám đốc NXB Gollancz, cho biết: “Doanh số bán sách gần đây tăng mạnh nhờ ảnh hưởng trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Những tác giả viết tiểu thuyết kỳ ảo nổi tiếng như Neil Gaiman và Patrick Rothfuss cũng đóng góp không nhỏ trong xu hướng này bằng cách nhắc tới các tác phẩm kinh điển bị lãng quên như nguồn cảm hứng sáng tác của họ”.

“The Sandman” là tác phẩm thành công của Neil Gaiman ở thị trường sách lẫn màn ảnh nhỏ. Trong chia sẻ về thành công của tác phẩm, Neil Gaiman đã nói: “Peter S Beagle có ảnh hưởng trực tiếp đến các sáng tác của tôi. “A Fine and Private Place” là cuốn sách đầu tiên của Peter tôi đọc về một thế giới thần tiên kỳ diệu. Tôi đã bị hút hồn và sau đó đã tạo niềm cảm hứng khi sáng tác “The Sandman”, hình thành nên nhân vật con quạ biết nói. Tôi cũng rất thích “The Last Unicorn” của Peter S Beagle”. Việc Neil Gaiman nhắc đến Peter S Beagle, cũng giúp những tác phẩm của Peter S Beagle được quan tâm trở lại. Như “The Last Unicorn” xuất bản lần đầu năm 1968, chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 1982. Nhưng suốt nhiều năm qua, tác phẩm này bị lãng quên, mãi cho đến gần đây mới được tái bản. “The Last Unicorn” cũng nằm trong danh sách các tác phẩm kỳ ảo được tìm kiếm phổ biến hiện nay.

Nhận thấy sự lên ngôi của dòng văn học kỳ ảo, nhiều NXB đã tìm và tái bản nhiều tác phẩm, như: “The Dragon Waiting”, “Growing up Weightless” của John M Ford; “Lud-in-the-mist” của Hope Mirrlees; “The Ghosts” của Antonia Barber… Kể cả những bản sách không phải tiếng Anh cũng đang được tìm kiếm và dịch thuật, như: “The Tale of Princess Fatima”, “Warrior Woman”, “Beautiful Star”...

Marcus Gipps, Giám đốc NXB Gollancz, nói: “Chúng ta đều trưởng thành cùng những câu chuyện viễn tưởng, nhưng phần đông người ta lãng quên những thế giới diệu kỳ ấy khi lớn lên. Phiêu lưu kỳ ảo luôn là một thể loại phổ biến, nhưng cũng rất đặc thù và hiện nay nó đang tạo nên sức hút mới. Tôi chắc rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới ngành xuất bản”. Cụ thể, NXB Gollancz đang lên kế hoạch tái bản nhiều tựa sách kỳ ảo kinh điển bị lãng quên. Trợ lý biên tập Claire Ormsby-Potter nói: “Tôi cho rằng các hãng phim đã chứng minh tầm ảnh hưởng đến các phiên bản phim chuyển thể hiện đại của tiểu thuyết phiêu lưu kỳ ảo. Sự đầu tư lớn về mặt kỹ xảo của các phim “Lord of the Rings”, “Game of Thrones” đã mang đến cho người xem những tưởng tượng hữu hình hơn về thể loại kỳ ảo và điều đó thúc đẩy họ tìm đến sách”.

Có thể nói các phim chuyển thể có tác động mạnh đến suy nghĩ của công chúng, để họ mở lòng và đón đọc tiểu thuyết kỳ ảo hơn trước kia.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Guardian, Variety, Nytimes)

Chia sẻ bài viết