12/07/2023 - 09:36

Philippines “khát” y tá 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Philippines nổi tiếng là nước cung cấp nhiều y tá có tay nghề cho thế giới, nhưng một số bệnh viện ở  nước này lại đang phải đóng cửa vì thiếu y tá, ngay cả bệnh nhân cấp cứu cũng phải chờ nhiều ngày mới có giường và người chăm sóc.

Các y tá Philippines trong một buổi tập huấn về kỹ thuật đỡ đẻ. Ảnh: Getty Images

Các y tá Philippines trong một buổi tập huấn về kỹ thuật đỡ đẻ. Ảnh: Getty Images

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cứ 10.000 dân thì nên có 27 y tá nhưng tỷ lệ này ở Philippines hiện chỉ là 16 y tá/10.000 người. Để đáp ứng mục tiêu của WHO, Bộ Y tế Philippines cho biết họ sẽ phải cần thêm 127.000 y tá. Bộ này cho hay, vào cuối năm 2022, khoảng 170.000 y tá đang làm việc tại các cơ sở y tế  trong nước, trong khi hơn 290.000 y tá được cấp phép đã rời đi để làm việc ở nước ngoài. Thậm chí năm 2021, có đến 51%, tức 316.000 y tá được cấp phép của Philippines làm việc ở nước ngoài. 

Do đó, các bệnh viện và cơ sở y tế ở Philippines đang phải vật lộn ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” y tá và lấp đầy các vị trí mới. Theo tờ Nikkei Asia, Bộ Y tế Philippines vừa công bố kế hoạch thuê hàng ngàn y tá không có giấy phép hành nghề để lấp đầy chỗ trống trong các bệnh viện công. Họ cho biết, các y tá đã trượt kỳ thi đánh giá năng lực nhưng đạt điểm từ 70%-74,9% trong bài kiểm tra sẽ đủ điều kiện để được cấp giấy phép tạm thời. Năm 2022 và 2023, hơn 10.000 y tá tương lai đã trượt kỳ thi như vậy.

Theo Bộ trưởng Y tế Teodoro Herbosa, nước này cần tuyển dụng gấp 4.500 vị trí còn trống. Ông Herbosa nói rằng nếu Philippines tạo cơ hội cho số y tá trượt kỳ thi nói trên thì Manila sẽ thúc đẩy đáng kể lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Philippines sẽ mất nguồn cung cấp y tá cho nước ngoài nếu như chính phủ “không có những ý tưởng vượt trội”. Cũng theo ông Herbosa, nếu các bệnh viện Philippines không có đủ y tá, họ sẽ phải thu hẹp quy mô. “Giấy phép bệnh viện không được gia hạn nếu tỷ lệ y tá/bệnh nhân không đáp ứng. Bệnh viện 100 giường sẽ trở thành bệnh viện 60 giường vì thiếu y tá” - ông Herbosa cho biết.

Nói về lý do vì sao Philippines thiếu hụt y tá như hiện nay, các nhóm đại diện cho y tá cho rằng chính phủ đã không làm đủ để tăng lương cho họ trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Hồi tháng 4, lạm phát của Philippines ở mức 6,6%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. “Hầu như tất cả các y tá đều phải làm các công việc phụ như bán hàng online. Một số thì làm thêm ở một bệnh viện khác” - Tổng Thư ký Hiệp hội Y tá Philippines Jocelyn Andamo nói. Bà Andamo cho rằng việc thuê y tá không có giấy phép hành nghề có thể tạo ra rủi ro cho bệnh nhân. Thay vào đó, hãy để họ làm trợ lý điều dưỡng.

Theo Hãng tin Reuters, các y tá mới vào nghề tại các bệnh viện tư Philippines thường nhận mức lương 15.000-25.000peso (khoảng 270-450 USD)/tháng, tương đương với lương của một giáo viên mới. Kể từ năm 2020, các bệnh viện công đã đưa ra mức lương cạnh tranh hơn một chút, ở mức 36.619peso/tháng dù các y tá trung bình phải chăm sóc khoảng 50 bệnh nhân. Dẫu vậy, mức lương này khác xa so với mức lương trung bình hàng tháng của y tá ở các nước phát triển như Mỹ (3.000USD) hay Anh (2.500USD). Hiện Hiệp hội Y tá Philippines đang thúc đẩy một dự luật tăng lương khởi điểm cho y tá lên 50.000peso. Bà Andamo cho rằng dù mức lương đó vẫn còn xa so với mức lương ở các quốc gia khác nhưng nó có thể giúp giảm nhẹ phần nào khó khăn cho y tá.

Song, Carl Balita, chủ sở hữu trung tâm đánh giá y tá lớn nhất Philippines, cho rằng cách tốt nhất để ngăn chặn các y tá nước này rời đi không nhất thiết phải là tăng lương mà là giúp họ “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” cũng như có “môi trường làm việc tích cực”.

Cựu Bộ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho rằng Manila cần ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế càng sớm càng tốt. Trong khi đó, các quan chức chính phủ, nhà quản lý bệnh viện ở Philippines đang cố gắng tìm cách làm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này trở nên bền vững hơn, ngay cả khi các phái đoàn tuyển dụng nước ngoài đến tận nơi chiêu mộ y tá.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr thì đánh giá rằng nước này đang “cạnh tranh với phần còn lại của thế giới” về y tá và kêu gọi cần sớm giải quyết ngay tình trạng thiếu y tá do di cư gây ra. Ông cho biết các nhà lãnh đạo trên thế giới mà ông gặp luôn hỏi Philippines có thể cung cấp nhiều kỹ thuật viên y tế, bác sĩ và y tá cho nước của họ nữa hay không.  “Thật không may, về mặt nhân viên y tế, chúng ta đã trở thành nạn nhân của chính thành công của mình khi người Philippines đã làm rất tốt trong đại dịch”, ông Marcos nói.

Chia sẻ bài viết