18/02/2011 - 08:29

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống mua bán người và dự án Luật kiểm toán độc lập

Sáng 17-2, tiếp tục phiên họp lần thứ 38, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống mua bán người và về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật kiểm toán độc lập.

Về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người có nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, các hành vi có liên quan đến mua bán người; do đó, cần điều chỉnh một cách toàn diện đối với tất cả các hành vi mua bán người, hành vi có liên quan tới mua bán người, phù hợp với thực tế của Việt Nam, pháp luật và điều ước quốc tế, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì vậy, dự thảo Luật phải điều chỉnh cả các hành vi mua bán người đơn lẻ, hành vi mua bán người là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các hành vi có liên quan đến mua bán người; không chỉ quy định việc xử lý hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người bằng biện pháp hình sự mà cả các biện pháp khác như hành chính, kỷ luật tùy theo đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm.

Về cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Điều 41), đa số các thành viên UBTVQH cho rằng quy định cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp sử dụng nguồn vốn tự có đứng ra thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân là phù hợp, đáp ứng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị quy định theo hướng tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc cá nhân trong nước có thể thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cũng có thể thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân và thực hiện việc tiếp nhận, quản lý nạn nhân bị mua bán trở về nhưng không được sử dụng ngân sách Nhà nước để thành lập và hoạt động của các cơ sở này.

Thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật kiểm toán độc lập, đa số các thành viên UBTVQH cho rằng cần phân biệt rõ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kiểm toán với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bởi vì, do đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội cho phép các doanh nghiệp hành nghề kiểm toán được cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán... Đây là các loại hình dịch vụ kinh doanh không cần xin giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước, theo đó các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hoạt động kiểm toán góp phần minh bạch thông tin, giúp cho công chúng và các nhà đầu tư đưa ra các quyết định liên quan đến doanh nghiệp nên cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ thông qua việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, kiểm toán là ngành kinh doanh có điều kiện. Việc cung cấp dịch vụ kiểm toán phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể (ví dụ như điều kiện về số lượng kiểm toán viên hành nghề tối thiểu, điều kiện đối với các chức danh quản lý của doanh nghiệp hành nghề kiểm toán...).

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết