18/04/2018 - 07:37

Phía sau một bản án 

TAND quận Cái Răng vừa đưa ra xét xử vụ án đe dọa giết người  gây xôn xao dư luận, xảy ra trên địa bàn cách đây gần 2 năm. Bị cáo là Nguyễn Hoàng Năm (62 tuổi), một đại gia, chủ nhiều hãng nước đá nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây. Ở lứa tuổi lẽ ra phải được hưởng phước sum vầy cùng con cháu thì bị cáo lại vướng vòng lao lý. Nếu trước đây bị cáo bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo, cư xử hợp tình hợp lý, không cậy thế ông chủ, chứng tỏ quyền lực với người làm công bằng cách dùng súng và dao đe dọa, thì đâu có bi kịch này. Rất đông người dân địa phương đến dự phiên tòa, theo dõi từ sáng đến chiều để nghe tuyên án. Cơ quan chức năng phải điều động nhiều lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Bị hại Lê Thị Hằng, Huỳnh Phương Thảo cùng người thân cũng có mặt từ rất sớm.

Bị cáo Nguyễn Hoàng Năm trả lời thẩm vấn HĐXX. Ảnh: KIỀU CHINH
Bị cáo Nguyễn Hoàng Năm trả lời thẩm vấn HĐXX. Ảnh: KIỀU CHINH

 

Do có mâu thuẫn từ trước, đầu tháng 11-2016, ông Năm cầm súng (công cụ hỗ trợ cơ quan chức năng cấp) có đạn bên trong, đi tìm người làm công là chị Hằng để giải quyết. Ông Năm đuổi chị Hằng đi, rồi rút súng, chĩa về phía chị Hằng dọa nếu không đi sẽ bắn. Sau đó, ông tiến sát lại, kề nòng súng vào thái dương khiến chị Hằng không dám phản kháng. Mọi người can ngăn, giật được súng đem cất, còn chị Hằng chạy đến công an trình báo. Lúc này, ông Năm chưa hả giận, tiếp tục cầm 2 con dao đi tìm nạn nhân. Chị Thảo (bạn chị Hằng) can ngăn thì ông Năm dùng dao ấn vào cổ chị Thảo nói sẽ cắt cổ. Sợ chị Thảo bị thương, nhiều người đứng gần đó chứng kiến vụ việc, chạy lại kéo ông Năm ra. Chị Thảo hoảng sợ, gọi điện kêu chị Hằng đừng quay lại, còn mình tức tốc dọn đồ về quê.

Khi HĐXX thẩm vấn, chị Hằng bày tỏ: “Ông Năm đổ thừa cho tôi làm việc xấu dù tôi không có làm, nếu đuổi thì tôi đi chứ đâu ở lại làm gì. 2 năm nay, từ ngày xảy ra chuyện, tôi ăn ngủ không yên, sợ bị trả thù, đi trốn, liên tục thay đổi chỗ trọ, cũng không dám đi xin việc, cuộc sống khổ lắm!”. Còn bị cáo Năm không thành khẩn nhận tội, cho rằng mình bị vu oan, không kề súng vào sát thái dương nạn nhân mà đứng từ xa, còn biện bạch bản thân hiểu rõ quy định pháp luật, chẳng lẽ vi phạm để chuốc họa vào thân? Về vết thương trên cổ chị Thảo (vết hằn tụ huyết dưới da), bị cáo cũng không thừa nhận do mình gây ra. Không chỉ thế, trong phiên xử lần đầu vào ngày 28- 3- 2018 (đã hoãn), bị cáo cho rằng trong quá trình điều tra bị ép cung, mớm cung. Phiên xét xử kỳ này, điều tra viên thụ lý vụ án có mặt đối chất, khẳng định quá trình điều tra tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ông Năm tìm đủ lý lẽ để biện minh cho hành vi sai trái, rồi đề nghị xin cho gia đình bảo lãnh để điều hành công việc làm ăn và chữa bệnh.

Qua xem xét chứng cứ, lời khai các bên và thẩm vấn tại phiên tòa, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Năm đủ yếu tố cấu thành tội phạm, quyết định tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù giam. Phiên tòa kết thúc, bị cáo thẫn thờ, hướng ánh mắt u buồn về phía người thân, vợ con. Giờ có hối hận cũng đã muộn màng. Nhìn bị cáo tóc điểm bạc, chậm chạp bước ra xe phạm về trại giam, nhiều người tiếc cho bị cáo vì thiếu tình tĩnh, suy nghĩ không thấu đáo mà làm ảnh hưởng danh tiếng, cơ nghiệp cả đời gầy dựng. Từ ngày bị cáo bị bắt giam, một số hãng nước đá hoạt động cầm chừng vì con cái bên ngoài không đảm đương xuể, thiệt hại rất lớn. Đó là chưa kể gia đình, vợ con xấu hổ với bao lời gièm pha, dị nghị…

Phía sau mỗi phiên tòa là những giọt nước mắt, nỗi niềm mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía. Phiên tòa xét xử Nguyễn Hoàng Năm để lại nhiều dư vị đắng chát. Xã hội ngày càng phát triển, con người càng phải có ý thức ứng xử văn hóa văn minh, không thể giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Dù phạm tội gì chăng nữa nhưng hình ảnh những bị cáo ở lứa tuổi ông bà, cha chú phải hầu tòa là nỗi đau không chỉ trong gia đình mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Nếu người lớn không mẫu mực làm gương thì làm sao dạy dỗ con cháu sống tốt, thành người có ích?

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết