28/04/2019 - 09:46

Phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh 

Từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh” (Chỉ thị 11) Ðây là cơ sở để các địa phương trong đó có TP Cần Thơ rà soát, quản lý thị trường bất động sản ngày một hiệu quả hơn.

Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành tham quan mô hình khu đô thị mới của Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Địa ốc Hồng Loan. 

► Quản lý chặt chẽ

Chỉ thị số 11 của Chính phủ đã nêu rõ một số bất cập của thị trường bất động sản hiện nay. Theo đó, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở, còn cao so với thu nhập của người dân; nguồn lực huy động chưa đa dạng. Cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch. Chỉ thị 11 cũng phân tích nguyên nhân chính của hạn chế bất cập là do hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Việc đầu tư, phát triển các dự án bất động sản ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường và điều kiện thực tế. Công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý. 

Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới là yêu cầu đặt ra cho các bộ ngành, địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng, dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… theo quy định pháp luật, hoàn thành trong quý III-2019.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha theo quy định và do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. 

► Minh bạch thông tin

Tính đến cuối tháng 4, trên địa bàn TP Cần Thơ có các dự án khu dân cư, tái định cư với tổng mức đầu tư 38.043 tỉ đồng. Theo ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, năm 2019, trên địa bàn quận Ninh Kiều thu hút các nhà đầu tư vào các khu đô thị mới thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của thành phố như khu đô thị mới An Bình, khu đô thị mới Hải Phát, khu đô thị mới An Khương. Tuy nhiên, xét về lâu dài, Ninh Kiều sẽ cần thêm những dự án nhà ở xã hội, chung cư cao tầng để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân. 

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã rất quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng các khu dân cư tự phát. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, TP Cần Thơ, nguyên nhân xảy ra các khu dân cư tự phát thời gian qua trên địa bàn thành phố là do lịch sử để lại. Có những trường hợp đất ở một phần, đất vườn một phần và có kế hoạch cho chuyển mục đích sử dụng lên đất ở nhưng bộ phận chuyên môn chưa cập nhật kịp vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Cũng có trường hợp phân lô, xẻ nền trên đất nông nghiệp, đất chưa có cơ sở hạ tầng... Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu UBND thành phố thành lập tổ khảo sát gồm các sở, ngành, UBND các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng để tiến hành khảo sát từng khu vực, vị trí để có hướng giải quyết phù hợp. 

Ngày 25-9-2018, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 2417/QĐ-UBND “Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện chế độ báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TP Cần Thơ”. Quy chế này quy định chế độ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ “Về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản”. Sở Xây dựng TP Cần Thơ là đơn vị đang triển khai nhiệm vụ này nhằm thu thập, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản là công cụ để quản lý và làm định hướng cho việc phát triển bền vững về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết