21/05/2013 - 22:06

Phát triển thành công tế bào gốc từ trứng và da

Sau hơn 15 năm thất bại của các khoa học gia khắp thế giới, các nhà sinh vật học tại Mỹ cuối cùng đã thành công trong việc tạo ra tế bào gốc phôi thai từ da người bằng kỹ thuật nhân bản vô tính từng được sử dụng để tạo ra cừu Dolly. Đây được xem là "bước tiến quan trọng" trong lĩnh vực tế bào gốc vốn gặp trở ngại do đòi hỏi kỹ thuật phức tạp cũng như các vấn đề đạo đức.

Công bố trên tạp chí Cell, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Shoukhrat Mitalipov thuộc Đại học Y tế & Khoa học Oregon (Mỹ) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Động vật linh trưởng Quốc gia Oregon cho biết, họ đã phát triển phôi thai đến giai đoạn phôi nang với khoảng 150 tế bào – đủ để tạo ra nguồn tế bào gốc phôi thai, bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT). Với kỹ thuật này, nếu phôi thai được cấy vào tử cung, giống như trường hợp của cừu Dolly, sẽ tạo thành con vật nhân bản như các nhà khoa học từng làm đối với chuột, bò và nhiều động vật khác. Nhưng nếu sự phát triển của phôi bị chặn lại sau 5 ngày thì kết quả là tạo ra các tế bào gốc mang gien của người hiến tặng, có thể dùng để chữa bệnh cho chính họ mà không bị hệ miễn dịch đào thải.

Triển vọng tái tạo hoặc phục hồi các cơ quan bị thương tổn

 Từ trên xuống: Trứng không chứa ADN kết hợp với tế bào da và trải qua kỹ thuật SCNT đã tạo thành các tế bào gốc, có thể được nuôi dưỡng thành tế bào thần kinh, cơ, gan... Ảnh: Mitalipov Lab/OHSU

Áp dụng kỹ thuật SCNT nói trên, Tiến sĩ Mitalipov lấy trứng hiến tặng chưa được thụ tinh từ phụ nữ khỏe mạnh và tiến hành loại bỏ ADN. Sau đó ông cấy các tế bào da trưởng thành vào trứng và sử dụng xung điện để kích thích quá trình phân chia, phát triển trứng thành phôi. Tiến sĩ Mitalipov cho biết đã chiết xuất thành công tế bào gốc khi phôi được 5-6 ngày tuổi. Các tế bào này được gọi là "tế bào chủ" và có khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, bao gồm cả tế bào của các cơ quan như thần kinh, gan, tim…, giống như tế bào gốc phôi thai bình thường. Tiến sĩ Mitalipov cho biết ông đã mất nhiều năm để hoàn thiện kỹ thuật, đặc biệt ông còn phát hiện việc thêm một lượng nhỏ chất caffeine có thể giúp ích trong quá trình phát triển của trứng.

Tế bào gốc là một kỳ vọng lớn lao trong y học bởi chúng có thể thay thế bất kỳ loại tế bào hay mô nào bị tổn thương trong cơ thể. Tuy nhiên, phát triển tế bào gốc tự nhiên từ phôi người không được chấp nhận do những người phản đối cho rằng các thí nghiệm như vậy là hành động phi đạo đức. Thậm chí ngay cả trước khi nghiên cứu này được công bố, Tổ chức cảnh báo Gien người (Human Genetics Alert) đã phản đối hoạt động này. Người đứng đầu là Tiến sĩ David King còn cảnh báo: "Giới khoa học cuối cùng đã tiến gần đến một phương pháp được tin có khả năng tạo ra phôi người bằng nhân bản vô tính. Điều này bắt buộc chúng ta phải đề ra lệnh cấm trong pháp luật quốc tế về nhân bản con người trước khi bất kỳ nghiên cứu nào như thế xảy ra".

Không thể nhân bản con người

Nhìn chung, giới khoa học đánh giá cao kết quả của nhóm chuyên gia người Mỹ. Theo nhà sinh vật học tế bào gốc George Daley thuộc Viện Tế bào gốc Harvard, "kết quả nghiên cứu là một thành tích tuyệt vời. Họ đã thành công trong khi rất nhiều nhóm khác thất bại, trong đó có tôi". Riêng đối với ý kiến cho rằng nghiên cứu có thể trở thành công cụ để nhân bản vô tính con người thì những người ủng hộ kỹ thuật mới nói rằng khả năng để phôi tạo ra từ kỹ thuật này trở thành con người là không thể. Để minh chứng, Tiến sĩ Mitalipov cho biết ông đã thất bại khi muốn tạo ra khỉ con thông qua nhân bản, do đó kỹ thuật này cũng không thể tạo ra con người. Mặt khác, Mitalipov cũng nói rằng đội ngũ của ông không tập trung vào sinh sản vô tính, đồng thời cũng không tin người khác có thể sử dụng những phát hiện khoa học trên để phục vụ mục đích như vậy.

Theo các chuyên gia, nếu vấn đề nguồn gốc của tế bào gốc bị loại bỏ có thể thúc đẩy nỗ lực sử dụng chúng để thay thế các tế bào bị thương tổn để giúp điều trị nhiều căn bệnh đang ảnh hưởng đến hàng triệu người, như tim mạch, Parkinson, đa xơ cứng, tổn thương tủy sống và các bệnh nghiêm trọng khác. Ngoài ra, theo khẳng định của Tiến sĩ Mitalipov, việc sản xuất tế bào gốc từ chính tế bào của bệnh nhân sẽ loại trừ nguy cơ thải ghép trong điều trị.

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết