09/12/2021 - 09:16

Phát triển nông nghiệp bền vững 

Phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp đang là xu hướng toàn cầu nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trước xu thế đó, nước ta cũng đã và đang hiện đại hóa và “xanh hóa” nền nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm phát thải khí nhà kính.

Không ngừng đổi mới, phát triển

Nông dân tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bảo vệ trái cây bằng biện pháp bao trái, giúp tạo sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Nông dân tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bảo vệ trái cây bằng biện pháp bao trái, giúp tạo sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, nông nghiệp Việt Nam có nhiều đổi mới, phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn. Theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 1986-1995, có thể gọi là giai đoạn nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực theo cơ chế thị trường. Nước ta bắt đầu đổi mới với nền nông nghiệp không đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhiệm vụ trọng tâm những năm đầu là giải quyết nhu cầu cơ bản về lương thực và thực phẩm. Nhiều cơ chế, chính sách mới đã được thực hiện theo hướng chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh XHCN, có nghĩa là bước khởi đầu của cơ chế thị trường.

Và phép mầu đã xảy ra khi năm 1989, Việt Nam sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại là nước xuất khẩu gạo. Tuy vậy, sản xuất lương thực còn bấp bênh, nhiều vùng vẫn thiếu lương thực, nhất là gạo, do vậy nước ta tiếp tục nỗ lực gia tăng sản xuất lương thực, thực phẩm. Từ 1995-2010, có thể gọi là giai đoạn phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường. Các địa phương tiếp tục phát triển lương thực, đảm bảo tự cân đối tại chỗ và làm hàng hóa, nền nông nghiệp chuyển dần sang phát triển sản xuất nhiều loại nông sản hàng hóa có lợi thế khác như cà phê, trà, cao su, điều, hồ tiêu... xuất khẩu, góp phần tăng thêm nguồn thu ngoại tệ quý giá cho quốc gia và làm giàu cho nông dân. Nhiều nỗ lực to lớn được thực hiện để ngăn chặn phá rừng, khôi phục rừng, phủ xanh đất trồng, đồi núi. Trong giai đoạn này, cơ chế thị trường áp dụng rộng rãi và quá trình hội nhập được đẩy mạnh, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Còn từ năm 2010 đến nay, nông nghiệp đẩy mạnh sang sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, bước đầu đã triển khai các biện pháp thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và nông sản lớn trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41,2 tỉ USD trong năm 2020.

Nông nghiệp nước ta đang tiếp tục bước sang giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0, cùng các tác động của BĐKH và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, rất cần có tư duy mới và những chủ trương, chính sách mới.

Nông nghiệp xanh, phát thải thấp

Người tiêu dùng trong nước, ngoài nước và các quốc gia nhập khẩu nông sản trên thế giới không chỉ có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, sự an toàn của nông sản hàng hóa mà còn đòi hỏi chúng phải sản xuất theo hướng xanh, sạch, với phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Để tiếp tục duy trì vị thế đáng mong muốn là một trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong tương lai cần dựa nhiều hơn vào tri thức và khoa học công nghệ, trong khi tập quán thâm dụng tài nguyên và dấu chân carbon cần phải giảm thiểu. Việt Nam cũng cần nhạy bén hơn trong nắm bắt những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường và có sức cạnh tranh cao.

Theo ông Steven Jaffee, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp Việt Nam là một câu chuyện thành công lớn về nhiều phương diện bao gồm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp chính trong giảm nghèo, đẩy mạnh xu hướng đa dạng hóa nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thay đổi... Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như hạn chế về thu nhập và năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên chưa cao, hạn chế về an toàn sinh học, bảo đảm sức khỏe động vật và môi trường… Để đẩy nhanh chương trình về môi trường nông nghiệp, Việt Nam cần có một chiến lược và kế hoạch hành động chuyên sâu xây dựng dựa trên bốn trụ cột bao gồm chính sách khuyến nghị, đổi mới sáng tạo, thể chế và chính sách hỗ trợ. Điều quan trọng là cần xem xét các giải pháp ở nhiều cấp độ, từ cấp độ nông hộ cho đến cấp quốc gia.

Việc chuyển sang nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp là xu hướng toàn cầu và nó cũng là vấn đề cấp thiết của Việt Nam. Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, trước tác động của BĐKH, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề thích ứng trước những sự biến đổi rất đáng kể, cũng như quá trình suy thoái lâu dài gắn với BĐKH. “Chúng tôi đã ước tính, chi phí của việc không hành động gì cả có thể mất tới 3-5 tỉ USD/năm, thậm chí 10 tỉ USD/năm, tùy vào tác động diễn ra cực đoan của BĐKH. Các thách thức từ BĐKH đã hiện hữu và diễn ra tại Việt Nam, nhất là ở vùng ĐBSCL. Nước biển dâng, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng, mưa bất thường… dự kiến sẽ làm giảm năng suất, sản lượng lúa gạo trong vòng 30 năm tới. Để hướng tới một tương lai tươi sáng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, WB sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư cùng Bộ NN&PTNT Việt Nam…”.

Tại Diễn đàn trực tuyến đối thoại chính sách cấp cao chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp do Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với WB tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành ngày 1-10-2021 cũng đã giao Bộ NN& PTNT phải xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với BĐKH, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với BĐKH...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết