14/01/2016 - 08:48

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG:

Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế

Kể từ năm 1986, nền kinh tế nước ta đã chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 30 năm đổi mới, nhận thức của Đảng về kinh tế thị trường ngày càng sâu sắc và rõ nét hơn. Việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận sức lao động là hàng hóa, thị trường lao động trong nước được hình thành, phát triển đúng hướng, ngày càng năng động, mở rộng và hội nhập với thị trường lao động ngoài nước theo nguyên tắc thị trường. Hệ thống pháp luật về lao động, việc làm ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới của đất nước, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

* Tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường bắt đầu từ năm 1986 là một quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để huy động mọi tiềm năng, khả năng vào phát triển kinh tế. Hàng loạt cải cách theo định hướng thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã chuyển đổi từ một nền kinh tế tự cung tự cấp với thu nhập thấp sang nền kinh tế đa thành phần. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO (đầu năm 2007), đã tạo ra các cơ hội mới để tiếp tục cải cách về chính sách và môi trường kinh doanh, tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Những chuyển hướng về tư tưởng, nhận thức và hành động trên đã tạo thành động lực to lớn để đưa Việt Nam "cất cánh", tăng trưởng nhanh và bền vững. Việc tăng trưởng đã hướng vào giải phóng sức sản xuất, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực, tạo cơ hội để người lao động có việc làm, chuyển dịch việc làm sang các ngành có thu nhập và an sinh tốt hơn; làm việc trong môi trường ngày càng được an toàn và vệ sinh; phân phối tiền lương và thu nhập ngày càng theo cơ chế thị trường. Nguồn vốn nhân lực ngày càng tăng: trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực phát triển nhanh (chỉ số HDI của Việt Nam cao hơn so với những nước có cùng mức thu nhập), điều kiện sống được tăng lên.

Hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường, bảo vệ tốt người lao động trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa hình thức sở hữu. Hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương… một mặt thể chế hóa quyền và nghĩa vụ của người lao động trong làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, bảo đảm tiền lương được thực hiện theo cơ chế thị trường (thỏa thuận, thương lượng), song lại bảo vệ người lao động có mức tiền lương đầy đủ theo năng suất, chất lượng công việc, bảo đảm không bị rơi vào nghèo đói (không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Nhà nước qui định). Trong lĩnh vực việc làm, đã chuyển vai trò của nhà nước từ người tạo việc làm trực tiếp sang tạo ra môi trường để giải phóng sức sản xuất, mở rộng, tăng cường cơ hội của người lao động có việc làm (trước kia việc làm chỉ được thừa nhận trong khu vực nhà nước), làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh, tăng thu nhập.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành xây dựng. Ảnh: B.NG

Đến nay, các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động được tổ chức thực hiện hiệu quả. Thị trường lao động trong nước ngày càng phát triển; thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và mở rộng. Chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài từng bước được nâng cao. Công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, đã triển khai kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn cho nhiều lao động đang làm việc tại nước ngoài về nước và có chính sách hỗ trợ kịp thời...

Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thực hiện tốt. Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao. An toàn, vệ sinh lao động từng bước được cải thiện. Các sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng được xử lý kịp thời, hạn chế được nhiều thiệt hại.

Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40 – 41% năm 2015, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Năm 2015, cả nước tạo việc làm cho 1.625 nghìn lao động, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với thực hiện năm 2014, trong đó: tạo việc làm trong nước cho khoảng 1.510 nghìn lao động, đạt 100% kế hoạch; xuất khẩu lao động khoảng 115 nghìn người, đạt 127,8% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm (2010-2015). Đối với việc làm ngoài nước, hiện có trên 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 - 2 tỉ USD.

Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế. Tổng 5 năm (2011 - 2015) tuyển mới dạy nghề gần 9.171 nghìn người, đạt 93,1% kế hoạch, tăng trên 20% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2015 đạt 51,6%, tăng 11,6% so với cuối năm 2010...

* Giải pháp đột phá cho giai đoạn mới

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên, đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản về lao động và xã hội của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng. Tỷ trọng lao động làm việc trong nông nghiệp và khu vực phi chính thức còn lớn, chiếm gần 65% tổng lao động có việc làm. Chất lượng lao động còn thấp, chưa đến 18% lao động có chứng chỉ, bằng cấp. Hiện chỉ 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đặt ra thách thức cho việc đạt được tỷ lệ 50% vào năm 2020. Sự hội nhập ASEAN cho thấy, di cư quốc tế, trong đó có di cư lao động quốc tế là một hiện tượng khách quan. Hoạt động xuất khẩu lao động ngày càng đòi hỏi cao về tính chuyên nghiệp, đặt ra những thách thức cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn xã hội của Việt Nam khi cạnh tranh với các nước trong khu vực, cũng như cạnh tranh của lao động nước ngoài ngay trong đất nước mình...

Phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động được xác định là một trong những giải pháp đột phá chiến lược, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ tới. Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động năm 2020 của Việt Nam đạt 59,13 triệu người và đến năm 2030 khoảng 68 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng cấp/chứng chỉ và không có bằng cấp/ chứng chỉ) đạt 70% năm 2020. Trong tổng số lao động qua đào tạo, đào tạo qua hệ thống dạy nghề khoảng 34,4 triệu (bằng 78,5%)...

Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo lập đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động trong nước và trong điều kiện hội nhập quốc tế; vận hành thông suốt và đồng bộ với các loại thị trường; đảm bảo có một thị trường lao động hiện đại, hiệu quả, cạnh tranh và công bằng. Đồng thời, Bộ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; nâng cao năng lực các doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động; tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp và phù hợp với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; chủ động theo dõi, nắm bắt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động.

Trong công tác giáo dục nghề nghiệp, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án phát triển dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát triển dạy nghề nhanh về quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở 3 cấp trình độ, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao; xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước, khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực xã hội...

30 năm đổi mới là giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù còn hạn chế nhưng những thành tựu của Việt Nam đã đạt được là không thể phủ nhận. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, kỳ vọng, Việt Nam tiếp tục có những chính sách về lao động, việc làm, dạy nghề hiệu quả, đồng bộ, để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết