03/08/2020 - 05:59

Phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 

Phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) của Bộ Chính trị, đã nhận được sự cộng hưởng tích cực từ các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, tạo bước chuyển mới thúc đẩy phát triển ngành năng lượng đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Cơ chế đột phá

Đầu tư năng lượng tái tạo, điện mặt trời... đang là xu hướng phát triển năng lượng bền vững được Chính phủ khuyến khích. Trong ảnh: Lắp đặt điện mặt trời tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã tham mưu và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng. Trong đó, có những chính sách mới về phát triển năng lượng sạch, như: cơ chế giá cho điện mặt trời, cơ chế giá cho điện gió... Những chính sách này đã khẳng định tính đúng đắn việc phát triển đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch và tiềm năng của khu vực tư nhân.

Cùng đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành vào ngày 11-2-2020, với những giải pháp, đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia, như: ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, nhất là các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. Nổi bật là chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng đã nhận được sự cộng hưởng từ cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, chia sẻ: Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị được triển khai với chủ trương khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng đã gỡ được nút thắt trong phát triển năng lượng của khu vực kinh tế tư nhân và Tập đoàn Trung Nam đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Hiện, cả nước có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn điện do doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ngành năng lượng phát triển ngày càng quy mô, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, ngành năng lượng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, nhập khẩu năng lượng ngày càng nhiều; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Cùng đó, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, công suất nguồn điện cần tăng từ 60GW vào năm 2020 và lên đến 100GW vào năm 2030. Theo đó, mỗi năm nước ta cần phải lắp đặt 5GW công suất mới và ngành điện cần đầu tư mới 8-12 tỉ USD/năm. Điều này, đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính... cho ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng.

Đa dạng các nguồn năng lượng

Trước thách thức đó, Nghị quyết 55 đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước và đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2030; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và từ 25-30% vào năm 2045. Cùng với đó, sẽ xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Để đạt các mục tiêu phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55 đề ra; đồng thời, đáp ứng tối ưu nhu cầu năng lượng, phục vụ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành tích cực triển khai các chương trình hành động của Chính phủ về phát triển năng lượng. Theo đó, Bộ Công Thương xây dựng những dự án năng lượng mới với cơ cấu nguồn hợp lý, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững của ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chú trọng phát triển bền vững các trung tâm năng lượng lớn của cả nước, nhất là khai thác tốt lợi thế của trung tâm điện gió ngoài khơi, trung tâm năng lượng sạch, trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng khí; tạo điều kiện cho các dự án và các nhà đầu tư có tiềm năng triển khai tốt các ưu thế, lợi thế của các địa phương.

Theo Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhất là về điện mặt trời và điện gió. Song, để khai thác tối ưu nguồn năng lượng này, Việt Nam cần có các chính sách và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích dài hạn để thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cải cách thị trường năng lượng để đảm bảo tính linh hoạt, khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Bởi, thị trường năng lượng vận hành hiệu quả, sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định và tiên liệu được các diễn biến; đồng thời, sẽ đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người đóng thuế. Cùng đó, đẩy mạnh đầu tư vào các lưới truyền tải điện thông minh để đảm bảo sản xuất năng lượng phân tán hiệu quả hơn... Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống, cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; chú trọng những hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường; phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có tiềm năng… Từ đó, thúc đẩy ngành năng lượng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết