30/07/2022 - 11:10

Phát triển năng khiếu của con 

Những năm gần đây, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu coi trọng việc bồi dưỡng năng khiếu cho con. Qua đó, không chỉ giúp trẻ thỏa mãn sở thích, năng động, tự tin trong giao tiếp xã hội mà còn giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm năng khiếu tiềm ẩn của con, tạo tiền đề cho việc định hướng ngành nghề phù hợp trong tương lai.

Nhiều lợi ích

Một giờ học vẽ tại lớp "Mỹ thuật trẻ". Ảnh: CTV

Một giờ học vẽ tại lớp "Mỹ thuật trẻ". Ảnh: CTV

Gia đình anh Anh Vũ ở quận Ninh Kiều, cho biết, cô con gái 4 tuổi của anh đã được học thanh nhạc từ rất sớm. Anh Vũ chia sẻ: “Quan điểm của tôi là cho con thỏa sức trải nghiệm, vừa học vừa chơi với sở thích của mình. Thấy con thích hát, tôi đăng ký cho con tham gia lớp thanh nhạc ở nhà thiếu nhi. Từ khi học lớp này, con ngày càng tự tin hơn, mạnh dạn cầm mic hát trong các buổi văn nghệ ở trường”. Theo anh Vũ, gia đình anh có truyền thống theo nghề y. Anh mong muốn khi lớn lên con gái sẽ nối nghiệp gia đình nhưng anh vẫn khẳng định sẽ luôn tôn trọng quyết định của con. Đối với các môn năng khiếu, anh không định hướng lâu dài cho con một môn năng khiếu nào, chỉ cần con thích thì cha mẹ tạo điều kiện.

Chị Hồng Nhung ở quận Ninh Kiều, có con trai đang học tiểu học, tâm sự: “Con tôi học lớp 4, khả năng tiếp thu kiến thức khá chậm nên ngày thường lẫn dịp hè, tôi đều cho con học thêm vì sợ con thua kém bạn bè. Nhưng tôi nhận ra đó không phải phương pháp hiệu quả khi con luôn tỏ thái độ không vui, căng thẳng. Vì thế, tôi bắt đầu cho con học năng khiếu theo sở thích, giảm lại thời gian học gia sư. Thấy con thích võ thuật nên tôi đã đăng ký cho học. Sau một thời gian, con khỏe khoắn, vui vẻ hơn mà thành tích học hành ở trường cũng được cải thiện”.

Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi đứa trẻ đều có sở thích, ước mơ khác nhau. Trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học thường có tâm lý thích học đàn, học hát, học vẽ… Việc học thêm năng khiếu vừa giúp trẻ có niềm vui, được thư giãn sau giờ học ở trường vừa mang đến những lợi ích riêng. Chẳng hạn như học vẽ sẽ giúp trẻ rèn luyện được khả năng quan sát, mô tả sự vật hiện tượng, khả năng tập trung cao, nhạy cảm trước cái đẹp. Võ thuật hay múa giúp rèn luyện sức khỏe tốt, sự tự tin…

Để tài năng “nở rộ”

Từ nhỏ, chị Nguyễn Hồng Trang, giảng viên chuyên ngành Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ đã được cha mẹ ủng hộ, chăm bồi năng khiếu vẽ. Không ép buộc con phải theo học ngành nào, nghề nào, cha mẹ chị Trang tạo mọi điều kiện để chị thỏa sức với niềm đam mê. Chính sự ủng hộ này đã chắp cánh cho chị thực hiện ước mơ được học tập chuyên ngành Mỹ thuật và trở thành một người thầy “mát tay”, đào tạo nhiều lớp học trò thành công.

Lớp “Mỹ thuật trẻ” ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, do chị Trang sáng lập, có nhiều trẻ 6-9 tuổi và người lớn theo học các lớp mỹ thuật khác nhau: lớp luyện thi (hình họa chì, trang trí màu), lớp kỹ thuật (chì màu, màu nước, acrylic, sơn dầu), lớp trải nghiệm sáng tạo… Đặc biệt, ở lứa tuổi thiếu nhi, trẻ được học vẽ các lớp cơ bản 1-2 theo độ khó tăng dần phù hợp độ tuổi, với nhiều nội dung: phối màu, tỷ lệ chân dung, nặn đất sét… Chị Trang chia sẻ, những năm gần đây, phụ huynh đầu tư ngày càng nhiều cho con em học năng khiếu, với các môn khác nhau. Đây là cơ hội tốt để phụ huynh theo dõi, đánh giá con trẻ yêu thích và có khả năng với bộ môn nào để khích lệ, có hướng chăm bồi, phát triển phù hợp. “Tôi luôn khuyến khích trẻ phát huy sức sáng tạo trong các giờ giảng dạy. Học vẽ không phải để trở thành họa sĩ mà chủ yếu là để rèn cho trẻ nhìn nhận và cảm thụ cái đẹp. Từ cảm thụ mới yêu và phát huy năng khiếu…” - chị Trang chia sẻ.

Trên địa bàn TP Cần Thơ còn có nhiều trung tâm đang đào tạo các môn năng khiếu thuộc các bộ môn thẩm mỹ, nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống... giúp phụ huynh có nhiều sự lựa chọn để khơi gợi, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu ở trẻ. Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng, trẻ ở lứa tuổi tiểu học hay giai đoạn 3-10 tuổi là thời điểm vàng cho việc học năng khiếu. Mỗi trẻ đều có khả năng và tiềm ẩn năng khiếu riêng. Vì thế, phụ huynh không nên cho con trẻ học theo trào lưu mà hãy để trẻ tự lựa chọn môn học năng khiếu yêu thích của mình. Thực tế cho thấy, việc học các môn năng khiếu chỉ phát huy hiệu quả khi bản thân trẻ có niềm đam mê, sự hứng thú. Và phụ huynh là người gợi mở, định hướng để trẻ có lựa chọn tốt nhất.

KIẾN QUỐC

Chia sẻ bài viết