31/07/2016 - 15:48

Phát triển mô hình cánh đồng lớn

Là địa phương sản xuất lúa hàng hóa đứng tốp đầu của TP Cần Thơ, 5 năm qua, huyện Cờ Đỏ đã tập trung xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng lớn (CĐL) cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình CĐL còn góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp của huyện cũng như trên địa bàn thành phố.

Diện tích CĐL ngày càng mở rộng

Huyện Cờ Đỏ là một trong những địa bàn sản xuất nông nghiệp quan trọng của TP Cần Thơ, với diện tích đất nông nghiệp hơn 28.162 ha, trong đó khoảng 25.500 ha đất chuyên trồng lúa. Kinh tế chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người hằng năm thấp hơn so với mức trung bình của thành phố. Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nên điều kiện và cơ hội phát triển của huyện còn gặp nhiều khó khăn… Do đó, huyện xác định xây dựng mô hình CĐL theo hướng VietGAP là yêu cầu rất cần thiết đối với huyện thuần nông. Việc sản xuất đồng loạt, tập trung qui mô lớn, nâng cấp hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh theo hướng kết hợp giao thông nội đồng nhằm làm tiền đề cho áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng nhất với sản lượng lớn, chất lượng cao, hạ giá thành.

Cờ Đỏ đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" từ vụ đông xuân 2011-2012, tại ấp Thới Phước và Thới Hòa C (xã Thới Xuân), với diện tích 428 ha, 233 hộ nông dân tham gia, do Công ty TNHH Trung An đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Đến vụ đông xuân 2015-2016, diện tích thực hiện CĐL của huyện Cờ Đỏ đã tăng lên mức 11.456 ha, với 5.249 hộ nông dân tham gia; có 12 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với tổng sản lượng lúa thu mua trong CĐL 29.089 tấn. Trong số 12 doanh nghiệp bao tiêu, có nhiều đơn vị đã cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân, như: Công ty TNHH Trung An, DNTN Trung Thạnh, DNTN Thắng Lợi, DNTN Hiếu Nhân, Công ty Vinacam, Công ty Tân Thành, Công ty TNHH Một thành viên Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu, Tập đoàn Lộc Trời, Doanh nghiệp Chữ Tín, Trại giống Cờ Đỏ…

 Thời gian qua, huyện Cờ Đỏ đã quan tâm phát triển mô hình CĐL, liên kết nông dân và doanh nghiệp sản xuất lúa hàng hóa hiệu quả.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, qua thực tế điều tra giá thành sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, cho thấy năng suất trong mô hình CĐL và ngoài mô hình chênh lệch không đáng kể, nhưng chi phí đầu vào thấp hơn ngoài mô hình là 1,724 triệu đồng/ha. Khi nông dân tham gia CĐL được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài 50-100 đồng/kg. Vì vậy, nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn khoảng 3,044 triệu đồng/ha so với bên ngoài. Hiệu quả từ mô hình CĐL đã tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện; cụ thể là góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho nông dân, nông dân cũng có điều kiện đóng góp chung tay cùng huyện xây dựng nông thôn mới. Còn các doanh nghiệp đảm bảo được vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào và tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp còn có điều kiện xây dựng thương hiệu, cũng như tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ Bùi Văn Kiệt, cho biết: Thực hiện CĐL trên địa bàn huyện dù đạt nhiều kết quả nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi; nhất là các công trình nạo vét các kênh thủy lợi, đê bao khép kín đồng bộ. Huyện sẽ kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí trong quy hoạch trạm bơm điện trên địa bàn, nhất là ở những vùng đã thực hiện CĐL. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia CĐL ngoài đầu tư vật tư nông nghiệp cho nông dân cũng dành một phần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng CĐL gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

Đẩy mạnh liên kết

Theo nhận định của địa phương, việc phát triển mô hình CĐL ở Cờ Đỏ vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhận thức của một số nông dân còn hạn chế trong việc tham gia CĐL, chưa áp dụng đúng quy trình sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp; việc thực hiện cam kết trong hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đôi lúc chưa chặt chẽ. Nông dân không có phương tiện chuyển lúa về kho, nhà máy cho công ty nên không tham gia CĐL. Một số doanh nghiệp chỉ tham gia CĐL vụ đông xuân, vì vậy không xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung lâu dài với người dân. Một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vật tư đầu vào cho nông dân để tạo vùng nguyên liệu riêng. Vào thời điểm thu hoạch đông ken, doanh nghiệp thiếu phương tiện vận chuyển, nhà kho và lò sấy bị quá tải cũng gây không ít khó khăn cho nông dân; tỷ lệ thu mua của một số doanh nghiệp đạt thấp so với kế hoạch, vụ đông xuân 2015-2016 chỉ đạt 32%...

Nhiều doanh nghiệp tham gia cùng địa phương xây dựng CĐL cho rằng, khi lợi ích các bên hài hòa sẽ đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiệu quả. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: "Trung An là doanh nghiệp đầu tiên tham gia xây dựng CĐL tại Cờ Đỏ và đến nay đã qua 15 vụ lúa. Có 3 phương thức doanh nghiệp liên kết với nông dân là: doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trọn gói (hình thức này Trung An đang áp dụng), doanh nghiệp đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm và phương thức doanh nghiệp chỉ bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, huyện Cờ Đỏ cần đi theo phương thức doanh nghiệp đầu tư trọn gói: đầu tư giống, phân, thuốc và bao tiêu sản phẩm nông dân". Theo ông Bình, nếu doanh nghiệp chỉ bao tiêu sản phẩm mà không đầu tư cho nông dân thì sẽ không có sự kết dính bền chặt với nông dân, trường hợp này nông dân và doanh nghiệp hay "bẻ kèo". Mô hình liên kết đầu tư trọn gói là phương thức tốt nhất, sản xuất gắn liền tiêu thụ, sản xuất theo thị trường, theo yêu cầu doanh nghiệp. TP Cần Thơ cũng cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy mô hình CĐL phát triển hơn.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Cờ Đỏ mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện. Và yêu cầu huyện phải thực hiện nghiêm túc các bước về quy trình thực hiện CĐL, nâng chất các CĐL nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, khẳng định xu thế tất yếu để nông nghiệp phát triển bền vững. Hướng tới, huyện cần mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết xây dựng CĐL, nâng cao trách nhiệm chính quyền cấp xã, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã... Có sự ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia trong liên kết xây dựng CĐL. Ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, đưa các chính sách đến với nông dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết