27/11/2020 - 05:58

Phát triển kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường 

Trong khi nền kinh tế tuyến tính truyền thống tập trung sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị thải ra môi trường tự nhiên... thì nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) chính là giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì vậy, TP Cần Thơ từng bước tiếp cận KTTH, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững…

Sau gần 2 năm hoạt động, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ phát huy hiệu quả, rác thải được xử lý và tạo ra nguồn điện.

Sau gần 2 năm hoạt động, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ phát huy hiệu quả, rác thải được xử lý và tạo ra nguồn điện. 

Theo các chuyên gia, nói một cách đơn giản KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Mô hình KTTH dù ra đời muộn hơn so với mô hình kinh tế tuyến tính, nhưng tính ưu việt của KTTH được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay và tương lai. Chính vì thế, trong vòng vài thập niên trở lại đây, mô hình KTTH đang trở thành xu hướng rộng khắp trên thế giới, được nhiều nước thực hiện theo cách tiếp cận theo vật liệu, tập trung giải quyết các vấn đề của một số chất thải và vật liệu, như: sản phẩm nhựa dùng một lần, rác thải điện tử, chất thải thực phẩm một cách rất hiệu quả. Điển hình tại cộng đồng các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Trung Quốc…

Với sự phát triển kinh tế - xã hội, cùng với tiến trình CNH-HĐH và tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp bách, là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của TP Cần Thơ. Trước thực trạng trên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng: Để phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi sang KTTH là hướng đi thích hợp.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng đã xuất hiện một số mô hình hoạt động theo các nguyên tắc của mô hình KTTH và đạt được kết quả bước đầu. Cần Thơ đã tiên phong đi đầu thực hiện dự án đốt rác phát điện đầu tiên ở Việt Nam. Chính thức hoạt động từ tháng 12-2018, gần 2 năm qua, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã đi vào hoạt động ổn định, công suất xử lý rác 400 tấn/ngày. Tính đến đầu tháng 9-2020, tổng lượng rác xử lý hơn 317.000 tấn, tạo ra gần 103 triệu kWh điện. Đối với việc xử lý nước rỉ rác, nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý với công suất 200 m3/ngày, đêm. Nước rỉ rác sau khi xử lý đạt quy chuẩn được tái sử dụng cho hoạt động của nhà máy, không thải ra môi trường. Tro xỉ còn lại sau quá trình đốt rác được sơ chế, xử lý tại khu vực lưu chứa của nhà máy và sẽ được chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý hoặc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng (đối với tro xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định)…

Tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, trang trại côn trùng của Công ty TNHH Vườn sinh thái Kim’s Garden Cần Thơ đã thực hiện thành công giải pháp côn trùng và chế phẩm sinh học vào nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Nhờ đó, trang trại giảm được 80% chi phí thức ăn công nghiệp, đặc biệt là hạn chế tối đa chất thải từ chăn nuôi ra môi trường. Bên cạnh đó, thành phố còn có một số mô hình hướng đến KTTH như: Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ (CanTho Startup Ecosystem).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Nông nghiệp thành phố từng bước tiếp cận KTTH. Đối với sản xuất lúa, thành phố đi theo hướng cánh đồng lớn vừa ứng dụng cơ giới hóa, vừa tập trung thu gom phụ phẩm để xử lý. Phụ phẩm rơm rạ được dùng để trồng nấm, sau đó sử dụng phế phẩm rơm sau trồng nấm phục vụ trồng hoa kiểng… Trên địa bàn thành phố hiện có trên 100 hầm biogas được xây dựng để xử lý chất thải và tạo ra nguồn năng lượng tái tạo. Đối với lĩnh vực thủy sản, cá tra chiếm khoảng 88%. Bùn thải từ hoạt động nuôi cá được sử dụng để trồng cây. Trong khâu sản xuất chế biến, các phụ phẩm như: đầu cá, xương cá… dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; gần đây nhất, da cá tra còn được sử dụng để tách, chiết collagen…

Để đẩy mạnh phát triển mô hình KTTH một cách sâu rộng, hiệu quả thiết thực hơn nữa trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung, ông Phạm Trường Yên cho rằng: Cần xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy và phát triển KTTH. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về KTTH. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, phát triển KTTH cần quy hoạch vùng sản xuất lớn tập trung và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng; xây dựng đội ngũ chuyên gia để giải quyết các vấn đề phát sinh trong phát triển KTTH.

Để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm phải bắt đầu từ nền tảng định hướng phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, nền KTTH, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Từ đó, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về kinh tế xanh, KTTH; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết về môi trường một cách tự nguyện. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại, đẩy mạnh phân loại chất thải rắn tại nguồn để thúc đẩy tái sử dụng và tái chế…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết