01/12/2016 - 20:56

Phát triển khoa học và công nghệ: Cơ hội đột phá

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. TP Cần Thơ với vai trò là trung tâm KH&CN vùng ĐBSCL, bên cạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hiện xu hướng phát triển KH&CN quan tâm nhiều đến các lĩnh vực tự động hóa cao, thân thiện với môi trường. Hoạt động KH&CN của thành phố hướng đến hiệu ứng nâng cao năng suất lao động, tiến vào nền kinh tế tri thức, phục vụ phát triển nền kinh tế xanh, bền vững trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

* Chủ động tiếp cận

Từ năm 2012, cùng với các chương trình, dự án của thành phố, Sở KH&CN TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động này mang đến tư duy mới về nhận thức đối với quá trình phát triển doanh nghiệp trong xu thế toàn cầu hóa.

Doanh nghiệp, tổ chức KH&CN tham quan các sản phẩm công nghệ và kết quả công trình nghiên cứu khoa học tại Phòng trưng bày công nghệ TP Cần Thơ.

Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ SER-TECH là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến và không ngừng phát triển. Bên cạnh hoạt động sửa chữa trang thiết bị lĩnh vực y tế và khoa học kỹ thuật, công ty còn thi công các công trình y tế và kỹ thuật; hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật cho nhà máy, doanh nghiệp; cải tiến, nâng cấp và phát triển các công trình khoa học và kỹ thuật. Từ khi đi vào hoạt động, công ty không ngừng kế thừa và phát huy những kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu của các công trình y tế ở TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Theo thống kê sơ lược, tổng mức kinh phí đầu tư bình quân cho tỉnh (thành) trong lĩnh vực thiết bị y tế và các công trình y tế là 200-850 tỉ đồng mỗi năm. Phần lớn các thiết bị y tế được nhập từ nước ngoài. Các nhà sản xuất trang thiết bị y tế trên thế giới thường thiết kế, lắp ráp các linh kiện: điện tử, bán dẫn, công suất, cao tầng… theo tiêu chuẩn Âu - Mỹ (về điều kiện khí hậu, môi trường sử dụng). Trong khi đó, môi trường khí hậu Việt Nam nóng, ẩm nên khi lắp đặt tại Việt Nam, một số thiết bị y tế dùng trong khám, chẩn đoán, giải phẫu, hồi sức, cấp cứu, điều trị… sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nhanh hư hỏng, hoặc hoạt động thiếu chính xác. Chi phí khắc phục, sửa chữa thiết bị y tế bị hư hỏng lại khá cao, từ 5%- 60% giá trị thiết bị mới (tùy mức độ). Mặt khác, nhu cầu sử dụng thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân rất cấp bách, nhưng phải chờ đại diện công ty hoặc nhà cung cấp (từ 3-15 ngày) ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến kiểm tra, sửa chữa.

Hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ SER-TECH đã góp phần khắc phục những bất cập nêu trên. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty đã cung cấp hệ thống thiết bị y tế từ cấp thấp, cấp trung đến cấp cao hiện đại trên thế giới như máy laze trị liệu, máy kéo giãn cột sống, máy tán sỏi ngoài cơ thể... Bên cạnh thi công tháo dỡ, di dời, lắp đặt trang thiết bị y tế cho các bệnh viện thuộc tuyến quận, huyện ở TP Cần Thơ, công ty còn mở rộng hoạt động đến các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... Qua đó, giảm được chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian thi công, lắp đặt thiết bị do đơn vị đầu tư không phải chờ thuê chuyên gia nước ngoài, nhân viên của nhà sản xuất. Kỹ sư Lý Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ SER-TECH, cho biết: "Bên cạnh đầu tư những thiết bị hiện đại của các quốc gia phát triển trên thế giới, công ty còn kết nối với các nhà sản xuất để đưa công nghệ cao vào lĩnh vực y tế. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin, ứng dụng hiệu quả những công nghệ mới".

Hiện nay, dây chuyền sản xuất phân NPK viên nén của Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân là sản phẩm công nghệ được thị trường đón nhận. Phân NPK dạng viên nén là sản phẩm mới ở Việt Nam. Viên nén phân NPK có tính chậm tan, được bón nằm trong lớp bùn, thời gian sau các chất tan ra, phù hợp với các giai đoạn phát triển của cây trồng. Từ đó, giúp cây trồng hấp thu tối đa lượng dinh dưỡng bổ sung, ít tổn thất nhất, an toàn cho môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể cho nông dân. Ông Lâm Thế Dân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân, cho biết: "Dây chuyền sản xuất phân NPK viên nén là sản phẩm công nghệ chuyên biệt, độc đáo, thể hiện tính sáng tạo, khoa học có lợi thế cạnh tranh. Dây chuyền phân NPK viên nén vừa góp phần mang lại lợi nhuận, vừa nâng cao thương hiệu của công ty trên thị trường".

* Đầu tư hạ tầng

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Vụ Phát triển KH&CN địa phương thuộc Bộ KH&CN, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư nâng cao trình độ năng lực, hạ tầng kỹ thuật và thiết bị trong lĩnh vực ứng dụng KH&CN, đủ nội lực để hội nhập khu vực và quốc tế. Hoạt động KH&CN của TP Cần Thơ thật sự có điểm nhấn với những công trình cấp vùng như: Trung tâm Thông tin KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Trung tâm Thông tin KH&CN của thành phố thuộc Sở KH&CN thành phố, hoạt động tư vấn đa lĩnh vực, trong đó chủ yếu hoạt động thông tin KH&CN. Trung tâm là một nút của mạng lưới thông tin KH&CN toàn cầu vinaREN. Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm, cho biết: "Trung tâm đang vận hành 4 trang web: canthostnews.vn, sokhcn.cantho.vn, techmartcantho.vn và tailieukhochoc.vn. Song song đó, trung tâm còn xuất bản ấn phẩm tạp chí KHCN Cần Thơ; tổ chức các triển lãm và hội thảo về xu hướng công nghệ. Qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghệ đến các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước".

Đầu tháng 7-2016, Phòng trưng bày công nghệ của TP Cần Thơ đi vào hoạt động, tạo bước tiến đầu tiên đưa sản phẩm KH&CN của thành phố đến với thị trường trong và ngoài nước. Là một trong 60 tác giả có sản phẩm công nghệ tham gia trưng bày tại đây, kỹ sư Hoàng Thanh Liêm tin tưởng: "Đây là bước đột phá về hoạt động KH&CN của thành phố. Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận những sản phẩm công nghệ, tìm hiểu, lựa chọn để đầu tư cho đơn vị, phục vụ nhu cầu phát triển bền vững".

Phòng trưng bày công nghệ còn là điểm cung cấp hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giao lưu và hợp tác giữa các doanh nghiệp và chuyên gia trong việc đổi mới công nghệ; xúc tiến chuyển giao công nghệ, gắn kết các nhu cầu công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp. Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: "Phòng trưng bày công nghệ sẽ là bước khởi đầu cho việc xây dựng dự án và đưa vào hoạt động sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ năm 2017-2018 với quy mô 5.000m2. Hạ tầng cơ sở này sẽ góp phần đáng kể vào việc xây dựng và phát triển thị trường KH&CN Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung". Theo đó, Phòng trưng bày công nghệ cũng được phát triển đồng bộ với Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến (website) như: các trang web chuyên ngành công nghệ; cung cấp thông tin quan hệ cung cầu công nghệ; thông tin đa dạng về thiết bị, giải pháp kỹ thuật. Các kết quả nghiên cứu KH&CN thể hiện trên sàn giao dịch công nghệ thuộc các lĩnh vực: Chế biến thực phẩm, đồ uống; Cơ khí - chế tạo máy; Công nghệ thông tin - Viễn thông; Dệt may - Giày da; Nông- Lâm -Thủy sản; Xử lý môi trường; Y tế…

Ngoài ra, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tại TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện, dự kiến có tổng kinh phí đầu tư 211 tỉ đồng từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương. Trung tâm được xây dựng bao gồm khối hành chính quản lý và khu nhà xưởng thực nghiệm với quy mô cấp vùng ĐBSCL. Hoạt động chính của trung tâm là nghiên cứu và chuyển giao những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí và tự động hóa, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ định hướng hỗ trợ phát triển KH&CN vùng ĐBSCL

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, song song với các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng KH&CN. Hoạt động KH&CN của thành phố phải tương xứng với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, hội đủ các điều kiện hội nhập quốc tế trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Chia sẻ bài viết