12/04/2017 - 18:02

Phát triển giống lúa chuyển đổi gien chống hạn và mặn tốt

Nhận thấy biến đổi khí hậu và hạn hán ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất lúa, các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Tài nguyên Bền vững RIKEN (CSRS-Nhật Bản) đã nghiên cứu phát triển giống lúa có tính chống hạn cao bằng cách cấy gien từ Arabidopsis Thaliana, một loại cỏ dại họ cải.

Ruộng thí nghiệm so sánh khả năng chống hạn của lúa thường (trái) với giống lúa chuyển gien mới . Ảnh: Newatlas

Giống lúa mới có thể thích ứng với hạn hán nhờ sản sinh hợp chất osmoprotectant chứa nhiều dạng đường khác nhau, bao gồm loại đường galactinol có đặc tính bảo vệ cây trồng khỏi khô hạn và mặn. Yếu tố then chốt giúp tạo ra loại đường này chính là enzyme Galactinol synthase (GolS). Do đó, nhóm chuyên gia đã hợp tác với các đồng nghiệp ở Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Colombia cấy loại gien sản sinh enzyme GolS từ cỏ Arabidopsis Thaliana cho cây lúa. Bằng cách tăng số lượng chất bảo vệ này trong tế bào, lúa sẽ giữ nước tốt hơn.

Khi trồng thử nghiệm lúa biến đổi này trong nhà kính mô phỏng hạn hán, họ nhận thấy chúng ít bị cuốn lá – dấu hiệu cho thấy tình trạng cây lúa thiếu nước. Tiếp tục trồng thực nghiệm trên những cánh đồng tại Campuchia và các khu vực khác trong 3 năm, nhóm nghiên cứu ghi nhận giống lúa mới đều cho năng suất cao hơn, ít bị cuốn lá, độ ẩm trong thân cao và thậm chí diệp lục tố vẫn dồi dào ngay cả trong điều kiện hạn hán khắc nghiệt.

HẠNH NGUYÊN (Theo Newatlas)

Chia sẻ bài viết