26/11/2014 - 21:34

BÌNH THỦY

Phát triển du lịch vườn sinh thái

Bình Thủy là một trong những quận trung tâm của TP Cần Thơ, phát huy lợi thế có diện tích trồng cây ăn trái khá lớn để gắn với du lịch sinh thái đang là bước chuyển mới của quận trong những năm gần đây, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại – dịch vụ - du lịch ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: "Diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn quận còn trên 1.869 ha, rất đa dạng về chủng loại. Để duy trì và phát triển vườn cây ăn trái, quận đẩy mạnh hỗ trợ những giống cây ăn trái chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất và bảo vệ vườn cây ăn trái, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, quận còn hỗ trợ nông dân đầu tư cải tạo vườn tạp, thay thế bằng những vườn cây ăn trái có giá trị, hiệu quả kinh tế cao gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn. Đẩy mạnh mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, quận đã thành lập câu lạc bộ vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái. Câu lạc bộ hiện có 6 hộ trên địa bàn phường Long Tuyền tham gia, diện tích mỗi nhà vườn từ 2-6 ha. Tham gia Câu lạc bộ, các hộ dân được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng thực hiện qui trình sản xuất trái cây chất lượng cao; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành phát triển du lịch; cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực…". Việc chuyển hướng kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch được xem là giải pháp không những góp phần giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế vườn và cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững.

Vườn trái cây Ba Cống thu hút khoảng 70% là du khách du lịch nước ngoài.

Từ năm 2003, ông Đặng Văn Công, ngụ khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn cây ăn trái theo hướng du lịch sinh thái. Đến nay "Vườn trái cây Ba Cống" của ông được nhiều người biết đến và thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Vườn trái cây Ba Cống có 2,3 ha trồng trên 1.500 gốc cây ăn trái các loại như: xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, măng cụt, thanh long, dừa sáp, bưởi da xanh… cho thu hoạch quanh năm. Ông Đặng Văn Công, chủ vườn, cho biết: "Chuyển đổi theo hướng vườn cây ăn trái gắn với du lịch giúp cho người nông dân nâng cao giá trị của sản phẩm, cải thiện được thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, để phát triển ổn định nhà vườn phải luôn tìm tòi, cải tạo và trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao, đồng thời tuân thủ các qui trình sản xuất an toàn như: hạn chế tối đa dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, khám sức khỏe định kỳ cho các nhân viên phục vụ…. Hiện nay, bình quân mỗi ngày vườn phục vụ khoảng 50 khách, lúc cao điểm lên đến 500 – 600 khách/ngày; trong đó có khoảng 70% là khách nước ngoài…". Theo ông Công, lợi nhuận từ vườn và mô hình du lịch sau khi trừ chi phí đạt từ 300-350 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 đến 15 lao động địa phương.

Vườn sinh vật cảnh Năm Hiếu, khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền đang được cải tạo để đón khách du lịch. Diện tích vườn 6ha trồng các loại cây ăn trái đặc sản của địa phương như: dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt, điều, bưởi… Ông Ngô Chí Hiếu, Giám đốc Công ty du lịch Ngũ Đạt (đơn vị phối hợp với nhà vườn làm du lịch), cho biết: Vườn đang được cải tạo theo hướng du lịch sinh thái, du khách có thể đến đây bằng đường bộ hoặc đường sông. Điểm nhấn của vườn là các loại cây ăn trái cổ thụ xanh mát quanh năm, khách còn được chèo thuyền trên các rạch nhỏ len lỏi quanh khu vườn và thưởng thức ẩm thực với các món đặc sản địa phương. Hiện tại, chúng tôi đang cải tạo thêm khu nghỉ dưỡng bằng những chòi lá và xây dựng các điểm dừng chân ăn uống ngay tại trong vườn… Hy vọng đây sẽ là điểm chọn mới của du khách khi đến TP Cần Thơ. Không chỉ có vườn cây ăn trái, quận Bình Thủy còn nổi tiếng với những làng hoa như: Bà Bộ, Phó Thọ. Đây cũng là điểm mạnh để phát triển ngành du lịch.

Đưa kinh tế vườn ở Bình Thủy phát triển đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, UBND quận tập trung đầu tư chiều sâu, phát huy thế mạnh của nông nghiệp ven đô thị. Xây dựng và thực hiện các dự án nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng giá trị trên đơn vị diện tích, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ theo hướng chất lượng, công nghệ sạch, an toàn, từng bước xây dựng vành đai xanh, vùng sản xuất chuyên canh. Đặc biệt kết hợp vườn cây ăn trái, phát triển mạnh nghề trồng hoa kiểng gắn với du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Song song đó, quận triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: liên kết với các viện, trường tạo điều kiện cho người nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất, tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi, xây dựng các mô hình thủy lợi khép kín, xây dựng đê bao chống lũ, hỗ trợ các hộ nông dân để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố khảo sát thêm các điểm đến, tiếp tục khảo sát nhu cầu các nhà vườn có ý định đầu tư làm du lịch để kịp thời tư vấn, lựa chọn địa điểm gắn kết với các tour tuyến thuận tiện để phục vụ khách tham quan, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch của địa phương. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, cho rằng: khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái vườn là tiền đề để ngành thương mại dịch vụ của quận phát triển.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết