06/10/2017 - 08:54

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện 

Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện khu vực ĐBSCL” do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào ngày 5-10-2017, tại TP Cần Thơ. Tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được nêu lên nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH tự nguyện ở ĐBSCL.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ trình bày tham luận tại Hội thảo. 

Nhiều chuyển biến tích cực

Ở TP Cần Thơ, tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với trước khi có Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết 21). Cụ thể, trước khi có Nghị quyết 21, chỉ có 80%- 95% học sinh, sinh viên tham gia BHYT; từ sau khi có Nghị quyết 21, hằng năm, tỷ lệ này đều đạt 100%. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cũng tăng dần qua các năm. Năm 2013, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn là 699.955 người thì đến năm 2016 tổng số người tham gia BHXH, BHYT là 959.315 người (tăng 259.360 người). Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT là 958.411 người, chiếm 75,79% dân số (tăng 17,19% so với năm 2013). Năm 2017, chỉ tiêu độ bao phủ BHYT của TP Cần Thơ do Thành ủy, HĐND thành phố giao là 78,8% dân số và 9 tháng qua, thành phố đã thực hiện đạt 76,36% dân số.

Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 21, thời gian qua, BHXH TP Cần Thơ đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác BHXH, BHYT trên địa bàn. Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, đánh giá: Các ngành: BHXH, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Hệ thống mạng lưới thu BHYT được mở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, thành phố có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, trị giá 100% mệnh giá thẻ. Ngành BHXH phối hợp với Sở Y tế trong việc tổ chức đấu thầu thuốc chữa bệnh, xây dựng danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh và chi trả kịp thời, hợp lý. Ngành y tế thành phố cũng thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và tăng cường quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, phối hợp với ngành BHXH tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi từ chính sách BHYT...

Đến nay, mạng lưới tổ chức Hội Nông dân ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 1.579 cơ sở Hội, 10.334 chi Hội và 63.679 tổ Hội, với trên 12 triệu hội viên, nông dân. Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động phối hợp BHXH Việt Nam thông qua việc ký kết chương trình phối hợp, để triển khai công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT và đạt được một số kết quả bước đầu. Các cấp Hội đã xây dựng được 369 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện; xây dựng được 1.435 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện BHYT toàn dân. Đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp vận động được hơn 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 3.560.000 người tham gia BHYT, góp phần vào thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân.

Tăng cường tuyên truyền, linh hoạt phương thức

Số liệu của BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2017, ĐBSCL có 21.794 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016); có 14.299.918 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 79,9% dân số vùng (tăng 665.673 người, tương ứng 4,88% so với năm 2016). Tỷ lệ người tham gia BHYT ở một số tỉnh trong vùng vẫn còn rất thấp, nhiều tỉnh chưa hoàn thành chỉ tiêu  tỷ lệ bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tỷ lệ tham gia BHYT thấp chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình; nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm người lao động trong các doanh nghiệp

 Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thấp hơn với bình quân chung của cả nước. Dân số của vùng gần 18 triệu người. Hiện vẫn còn khoảng 4 triệu người chưa tham gia BHYT và hầu hết nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện. Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, để đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân, Hội Nông dân 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đạt được, thực hiện tốt các giải pháp sau: Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương để thực hiện hiệu quả nội dung phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT với nông dân giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách BHYT, BHXH của Đảng và Nhà nước, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách BHYT, BHXH để quan tâm, chủ động tham gia BHYT, BHXH tự nguyện...

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành Bảo hiểm xã hội phải có giải pháp để người dân ĐBSCL nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực khi tham gia BHYT, BHXH. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng, ở ĐBSCL, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, BHXH đạt thấp là do công tác tuyên truyền, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập. Giải pháp quan trọng là tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, giao chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện. Song song đó, ngành BHXH cũng cần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia… Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam, đề xuất, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, cần linh hoạt hơn về mức hỗ trợ; cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển sẽ có cơ chế hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện. Đối với việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, cần phân ra các nhóm và có giải pháp riêng cho từng nhóm như: nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng, nhóm do ngân sách nhà nước đóng, nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ...

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện BHXH, BHYT cho người dân tại khu vực ĐBSCL còn gặp nhiều hạn chế, bất cập. Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam xác định công tác tuyên truyền phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ Trung ương đến cơ sở đã được tăng cường đáng kể. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác tuyên truyền cũng được BHXH Việt Nam trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung với mức cao hơn so các năm trước.

Đến nay, cả nước đã có gần 79 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 85% dân số; khoảng 13,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 11,33 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; 242.000 người tham gia BHXH tự nguyện. 

Tuy nhiên, so mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, thì vẫn còn một khoảng cách. Khoảng cách đó tuy nhỏ nhưng lại là thách thức lớn, nhất là đối với tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Bởi, đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ BHYT, cũng như số người lao động tham gia BHXH của ĐBSCL đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết