06/10/2012 - 21:10

Phát huy vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

* TS: VÕ HÙNG DŨNG
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ

Những năm qua, cùng với cả nước, các doanh nghiệp (DN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng phát triển về số lượng, cơ cấu và quy mô, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tác động từ tình hình khó khăn chung của đất nước cùng những bất cập trong phát triển kinh tế vùng, các DN ở ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng vùng kinh tế ĐBSCL, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đang là yêu cầu cấp thiết để phát huy vai trò DN trong phát triển nền kinh tế vùng ĐBSCL.

Sự phát triển vùng và sự chế ước đến doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12,2% diện tích cả nước nhưng tỷ lệ số dân so với cả nước đang có xu hướng giảm dần. Theo điều tra năm 1989, dân số ĐBSCL chiếm 22,4% của cả nước, mười năm sau (1999) chiếm 21,1%, tới năm 2009 còn 20%; và đến năm 2010 dân số toàn vùng là 17,27 triệu người, chỉ chiếm 19,97% dân số cả nước.

Đây là vùng trọng điểm về nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản, nắm giữ vai trò quyết định an ninh lương thực quốc gia và đóng góp cho an ninh lương thực thế giới. Trong lĩnh vực này, vai trò của ĐBSCL là không thể thay thế và ngày càng có tiếng nói quan trọng khi an ninh lương thực thế giới đang bị thách thức, biến đổi khí hậu đe dọa mất đi nhiều vùng đất nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân loại.

Không chỉ là vùng trọng điểm về nông nghiệp, ĐBSCL còn có vị trí địa kinh tế - chính trị hết sức quan trọng, có biển, có biên giới và nằm trong hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Thực tế cho thấy, những ngành kinh tế truyền thống (như lúa gạo, thủy sản) chỉ chiếm một phần trong tiềm năng to lớn của vùng trong tương lai. Các đánh giá về lợi thế kinh tế của ĐBSCL lâu nay thường nhấn mạnh đến tài nguyên về nông nghiệp và các kế hoạch phát triển hiện tại tập trung nhiều vào khai thác các lợi thế nông nghiệp và mối quan hệ hợp tác nội vùng mà chưa chú trọng đến vị trí địa lý, vấn đề địa kinh tế và mối quan hệ hợp tác quốc tế. Đây cũng là một tác nhân gây nên những hạn chế trong việc định hướng và tạo điều kiện phát triển hệ thống DN tương xứng với sự phát triển của ĐBSCL trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thu nhập của dân cư chưa bằng mức trung bình cả nước.

Trong khi ĐBSCL đóng vai trò gần như không thể thay thế trong nền kinh tế quốc dân về bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm thì các khảo sát về mức sống, thu nhập lại liên tiếp cho thấy sự sụt giảm dần qua các năm.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010, thu nhập bình quân hằng tháng tính theo đầu người vùng ĐBSCL trong những năm gần đây đã có sự thay đổi theo chiều hướng giảm sút: nếu năm 2006, mức thu nhập này là 628 nghìn đồng, so với cả nước là 636,5 nghìn đồng, bằng 98,5% thì năm 2010 là 1.247 nghìn đồng, so với cả nước là 1.387 nghìn đồng, chỉ bằng 90%. Xu hướng chung về thu nhập của vùng so cả nước trong các năm qua là giảm. Sự suy giảm này có tiếp tục hay không, mức độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước và của vùng ĐBSCL.

Đầu tư thấp, kinh tế chậm được cải thiện

ĐBSCL đã có nhiều chỉ tiêu như giá trị sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa, số lượng DN so với cả nước giảm. Vốn đầu tư vào trong vùng những năm 1999-2000 chiếm 14% tổng vốn đầu tư cả nước. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vốn đầu tư vào ĐBSCL trong 10 năm (2001-2010) khoảng 625 nghìn tỉ đồng, tuy có tăng lên nhưng so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước cũng chỉ chiếm khoảng 14%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL từ 1988 đến 2010 chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng FDI cả nước. Vốn đầu tư còn thấp kéo dài từ nhiều chục năm qua được xem là nguyên nhân quan trọng làm cho nhiều chỉ số kinh tế quan trọng của vùng chậm được cải thiện.

Những yếu tố trên có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của các DN ở ĐBSCL trong nhiều năm qua.

Thực trạng phát triển doanh nghiệp ở ĐBSCL

Tăng tưởng chậm, quy mô nhỏ

Số DN vùng ĐBSCL chiếm khoảng 8,5% tổng số DN cả nước. Tỷ lệ này giảm rất nhiều nếu so với con số trên 20% trong các năm 2001 - 2002 - những năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp. Tốc độ tăng số DN của vùng trong giai đoạn 2001 - 2010 trung bình là 11,5%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của cả nước (21%).

Phần lớn DN ở ĐBSCL hoạt động trong ngành thương mại (43%) và công nghiệp chế biến (20%), kế đến là xây dựng (15%). Số DN nông nghiệp, thủy sản chiếm hơn 6%, DN vận tải chừng 4%. Cả 5 nhóm ngành này chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp. Những năm gần đây, trong khi DN thương mại và công nghiệp có xu hướng giảm, thì DN xây dựng, vận tải và hoạt động dịch vụ, du lịch có xu hướng tăng lên.

Xu hướng này cũng tương tự như cấu trúc DN chung của cả nước. Ngành thương mại chiếm cơ cấu khá lớn trong các năm đầu, sau đó thì giảm dần, thay vào đó DN trong các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ như vận tải, thông tin, tài chính, tư vấn, khoa học công nghệ tăng lên.

Hầu hết DN ở ĐBSCL là DN nhỏ và vừa. Trong số này, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 97%. Trong số DN nhỏ, siêu nhỏ, có gần 90% số DN có quy mô vốn từ dưới 0,5 - 5 tỉ đồng. Nếu xét theo quy mô lao động thì có đến 92% số DN có quy mô sử dụng lao động dưới 50 người.

So sánh các chỉ tiêu hiệu quả, DN trong vùng ĐBSCL thấp hơn so với trung bình cả nước và một số vùng khác. Bình quân số lao động/mỗi DN bằng 2/3, số vốn chỉ bằng l/3 so với mức bình quân chung của cả nước. Mặc dù tất cả các chỉ tiêu này đã có cải thiện hơn so với 2 năm trước nhưng vẫn còn thấp xa. Các tiêu chí lợi nhuận và nộp thuế chỉ bằng 50%, đầu tư tài sản chưa bằng 1/3 so với mức trung bình cả nước.

 

Sự phát triển DN và phát triển kinh tế trong vùng có mối quan hệ tương tác nhau. Thông thường, tốc độ phát triển DN chậm chạp, hoạt động kinh doanh yếu kém là các chỉ báo về tình trạng yếu kém của nền kinh tế địa phương.

Bảng trên đây cho thấy ở những tỉnh có tỷ lệ dân số đô thị thấp, khu vực I chiếm tỷ trọng cao, như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang có số lượng DN đăng ký mới rất thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao, thu nhập tính trên đầu người cũng nằm ở nhóm thấp trong vùng. Ngược lại, những tỉnh, thành có số DN nhiều, như Cần Thơ, Kiên Giang, Long An là những tỉnh, thành có tốc tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập của dân cư cũng ở nhóm khá hơn.

Khó khăn, trở ngại trong hoạt động của doanh nghiệp

Những khó khăn, trở ngại chính của DN vùng ĐBSCL xoay quanh 5 vấn đề lớn là: vốn, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và thuế. Những vấn đề này xuất hiện từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Chẳng hạn, về giao thông, mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng cũng phải đến tháng 4-2010 cầu Cần Thơ mới đưa vào sử dụng, sân bay Cần Thơ vẫn với đường bay nội địa 2 chuyến một ngày với Hà Nội, tàu biển có trọng tải 5.000 tấn vẫn chưa thể vào được Cần Thơ.

Về nguồn nhân lực, ĐBSCL từ lâu đã được xem là vùng "trũng" khi xem xét các số liệu đào tạo, dạy nghề và học vấn. Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2010 cho thấy số lượng học viên tốt nghiệp qua đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo ở ĐBSCL là 1%, so với cả nước là 3,3%; số lao động tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở/tổng số lao động ở ĐBSCL là 6%, cả nước là 8,65%.

Trong 3 năm gần đây, khi nền kinh tế đất nước lâm vào khó khăn, hoạt động của DN trong vùng càng gặp nhiều khó khăn. Trong số đó, khó khăn liên quan đến ngân hàng đứng đầu. Dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 6-2012 cho thấy, trong số các DN phá sản, giải thể thì khu vực ĐBSCL có tỷ lệ DN phá sản, giải thể cao nhất, với 13,6% trong tổng số DN điều tra.

DN trong ngành thủy sản vốn được coi là biểu hiện sự phát triển mạnh mẽ của nhiều năm trước ở ĐBSCL thì năm 2011 và đầu năm 2012 suy giảm trầm trọng nhất. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính trong năm 2012 sẽ có khoảng 20% số DN thủy sản phải phá sản. VASEP cũng cho biết đến đầu tháng 5-2012 đã có 300 DN kinh doanh thủy sản "biến mất".

Trợ lực gì cho doanh nghiệp ĐBSCL?

Qua khảo sát, các yêu cầu của DN ở ĐBSCL phần lớn tập trung vào chính sách kinh tế vĩ mô, như kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, giảm tình trạng thắt chặt tín dụng, cải cách thủ tục thuế khóa, thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra, kiểm dịch hải quan, công đoàn phí.

Các DN đề nghị Chính phủ có những giải pháp cụ thể hơn để kiểm soát giá những mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, như xăng, dầu, điện, nhằm giúp các DN ổn định sản xuất ngay từ khâu đầu vào. Đối với những mặt hàng này, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, không để lạm phát quay trở lại.

Cùng với mong muốn Chính phủ có những giải pháp đầu tư hiệu quả, giảm tình trạng thất thoát tài sản, tham nhũng, lãng phí, các DN mong muốn các cơ quan chức năng phải thực sự sâu sát với DN, có những chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành kịp thời và linh hoạt, đặc biệt là lãi suất ngân hàng hợp lý, tỷ giá và điều kiện tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Các định hướng chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ cần được công khai, minh bạch cho mọi người và DN biết; được triển khai đồng bộ, kịp thời và nhất quán giữa các địa phương, có kiểm tra và giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện nhằm tạo lòng tin trong nhân dân, trong cộng đồng DN đối với sự điều hành của Chính phủ nhằm duy trì ổn định kinh tế; và quan trọng là giúp DN chủ động trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những kiến nghị về tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuế và hải quan, nhiều DN cũng mong muốn Nhà nước xem xét lại vấn đề công đoàn phí. Trong đợt khảo sát năm 2010, nhiều DN than phiền công đoàn phí trở thành gánh nặng lớn cho DN khi mà DN gồng mình đóng 2% trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cao trong khi chẳng biết tiền đó dùng để làm gì vì không được báo cáo, chẳng được công bố... Đề nghị cơ quan chức năng nên minh bạch việc thu chi, sử dụng các khoản đóng góp này.

Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trên bước đường phát triển nhưng phần lớn các DN ở ĐBSCL vẫn tin tưởng rằng sau năm 2012 tình hình sẽ tốt hơn khi Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau những nỗ lực từng bước tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp. Vấn đề là làm sao để DN có thể sống sót, gượng dậy, vượt qua được năm 2012 và có thể ổn định sản xuất kinh doanh trong năm 2013.

(Theo Tạp chí Cộng sản)

* TS: VÕ HÙNG DŨNG Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ

Chia sẻ bài viết