Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn đã tồn tại hình thức canh tác lúa “sạch” (lúa phát triển tự nhiên, không dùng phân bón, hóa chất) với đặc tính thơm, ngon, bổ dưỡng. Đây là sản phẩm rất phù hợp với xu hướng sử dụng thực phẩm của thị trường. Tuy nhiên đến nay, hình thức canh tác này vẫn chưa được phát huy hiệu quả và chỉ co cụm ở các nông hộ theo quy mô nhỏ, lẻ...
TỪ TRỒNG LÚA TRONG AO NUÔI TÔM SÚ
Ông Phạm Văn Bé, ấp An Định, xã An Nhơn, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, bôc bạch: “Ba năm rồi gia đình không còn phải lo chạy gạo từng bữa vì lúa đã đầy bồ. Nếu kiên nhẫn, chịu khó, cây lúa sẽ không phụ người nông dân. Ngày xưa vùng đất ven biển trồng lúa mùa không trúng lắm nhưng ngày Tết nhà nào cũng có hạt lúa mùa thơm ngon, ngọt dẻo. Từ hạt lúa mùa bà con chế biến thành bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt để kính dâng ông bà vào giờ giao thừa. Thế nhưng người dân mê tôm sú, bỏ lúa. Gần 6 năm đeo tôm sú thì gần như nhà nào cũng ôm nợ, thiếu ăn, kinh tế nhiều gia đình càng lúc càng khó, thế là nhiều người mới tỉnh giấc mộng tôm quay lo cho cái bụng đủ no. Khi cây lúa mùa sống được dưới ao tôm, hiệu quả cao hơn so với 10 năm trước đã làm cho nhà nông phấn khởi. Riêng gia đình tôi qua 6 năm đeo bám con tôm sú lo không đủ cho 7 nhân khẩu, trong thời gian ấy, mỗi khi năm hết, Tết đến phải chạy gạo ăn Tết. Còn 2 năm nay, 2,8 ha đất nuôi tôm trước đây cho gần 12 tấn lúa chất lượng cao”.
|
Mô hình lúa mùa đang phát triển tại Bến Tre. |
Ông Bé vui ra mặt nói: Năm ngoái, sau khi thu hoạch được 240 giạ lúa mà cứ ngỡ mình nằm mơ. Còn vụ lúa năm 2009 vừa thu hoạch cũng trúng đậm hơn năm trước vì có cán bộ kỹ thuật của trung tâm khuyến nông - khuyến ngư về thực hiện mô hình lúa - tôm chuyển giao nhiều kỹ thuật mới cho nông dân như: Xuống giống theo phương pháp sạ mới, đổi giống lúa ngắn ngày hơn giống lúa mùa địa phương, áp dụng biện pháp 3 giảm 3 tăng... Và cái đặc biệt nhất của hạt lúa vùng ven biển này là hạt “ngọc sạch” bởi bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Không chỉ lúa sạch mà các loại thủy sản như cua biển, tôm càng xanh, tôm sú... nuôi xen trên ruộng lúa cũng là sản phẩm sạch. Ông Bé khẳng định: Nếu như trước đây cán bộ xuống vận động nông dân trồng lúa khó bao nhiều thì bây giờ thuận lợi bấy nhiêu. Mô hình trồng một vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản mặn, ngọt, lợ đang cho thu nhập cao, ổn định.
Ông Huỳng Văn Tặng, Bí thư xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nói: 3 năm trở lại đây, nông dân vùng ven biển đã quay trở lại cây lúa. Bây giờ diện tích sản xuất lúa đã phục hồi được 1.070 ha. Sau 2 năm cây lúa sống lại trên vùng đất ven biển An Nhơn đã góp phần xóa tỷ lệ hộ nghèo đáng kể từ 17,2% năm 2008 thì nay còn 13% và hết năm 2009 sẽ còn giảm hơn nữa. Bây giờ hạt lúa trên đất An Nhơn không chỉ cung cấp lương thực cho hơn 61.000 nhân khẩu trong xã mà còn cấp sang cho xã khác. Đặc biệt, hạt lúa của nông dân làm ra bây giờ là lúa “sạch”, đảm bảo an toàn dư lượng thuốc BVTV. Áp dụng biện pháp canh tác này, thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ven biển này đạt nhuận bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Nếu cộng thêm thu nhập thủy sản dưới gốc lúa phải trên 10 triệu đồng.
Còn ở Bình Đại, địa phương một thời vang danh với nuôi tôm công nghiệp thì 2 năm nay, nông dân đang quay lại trồng lúa. Bác Trần Văn Bảy, xã Định Trung, huyện Bình Đại, nói: Khoảng 7 năm trở lại đây nhà nhà phải chạy gạo ăn Tết, nhiều gia đình đã quá khổ nên đã quay lại trồng lúa. Bây giờ nhiều nông dân chọn giải pháp trồng lúa xuống ao tôm, trúng lắm, năng suất bình quân khoảng 4-5 tấn/ha. Đặc biệt, vừa trồng lúa vừa nuôi tôm càng xanh, cá kèo, cua biển... lợi cả đôi bề, sản phẩm gì cũng sạch. Những ngày này, màu vàng óng của cây lúa mùa trên vùng đất ven biển đã và đang tô điểm cho mùa xuân thêm sáng màu rạng rỡ.
Ông Nguyễn Văn Rê, Bí thư xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, còn nhớ như in: Cách đây 7 năm, khi nuôi tôm thịnh hành, người dân đã giải phóng hơn 1.000 ha đất trồng lúa mùa 1 vụ ở cánh đồng Bé và cánh đồng Lớn ra đào ao nuôi tôm sú. Chỉ trong thời gian ngắn đất nông nghiệp 1 vụ lúa + 1 tôm đã biến thành ao nuôi tôm công nghiệp. Hai năm đầu tôm trúng mùa, trúng giá, nhà tường mọc lên san sát, xe gắn máy đầy lộ... bộ mặt nông nghiệp - nông thôn - nông dân xã Thạnh Phước sung túc hẳn lên. Thế rồi tính bền vững đã nhanh chóng tắt lịm khi con tôm sú đi vào bi kịch: dịch bệnh tăng, giá thấp... nhiều bà con thua lỗ, nợ ngân hàng đã chuyển sang nợ quá hạn, đất nông nghiệp màu mở trở thành đất bạc màu vì nhiễm các hóa chất từ nuôi tôm. Bí lối, 3 năm nay người dân đã quay trở lại trồng lúa dưới ao tôm và đã hiệu quả, một lần nữa cây lúa không phụ nông dân. Đến giờ này đã có khoảng 400 ha ao tôm được nông dân trồng lúa trở lại, năng suất khoảng 4 tấn/ha mà không sử dụng thuốc BVTV.
ĐỂ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Đại đã thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá tác động môi trường trồng lúa trong ao nuôi tôm công nghiệp”. Hiện tại, nông dân ở vùng trồng 1 lúa + 1 tôm truyền thống ngày xưa đang tiếp thu khoa học và khôi phục trở lại. Đến nay Bến Tre đã có hơn 10.000 ha lúa mùa vùng ven biển được nông dân phục hồi sau những năm thất bại do nuôi tôm công nghiệp.
Từ nay đến Tết âm lịch là thời gian nông dân ven biển đồng bằng thu hoạch lúa mùa địa phương để cung cấp gạo cho các làng nghề sản xuất bánh tráng, bánh phở, bún... truyền thống. Hiện tại, các giống lúa Tài Nguyên Sữa, Một Bụi Đỏ, Nàng Trá, Nàng Quốc, Đất Đỏ... có giá từ 6.500 - 7.500 đồng/kg tùy giống và rất hút hàng. Điều đáng vui là toàn bộ sản phẩm lúa từ cánh đồng lúa tôm đều cho hạt gạo sạch, thơm, ngon...
ĐBSCL hiện có 7 tỉnh giáp biển có sản xuất luân canh tôm - lúa hay lúa - tôm ngọt, lợ đó là: Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang và Long An. Tổng diện tích khoảng 120.000 ha, trong đó Kiên Giang có diện tích trồng nhiều nhất với khoảng 60.000 ha.
Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Để phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL một cách bền vững và hiệu quả cần phải thực hiện quy hoạch vùng có khả năng trồng lúa, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Thiết lập các dự án đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ mục đích phát triển sản xuất lúa - tôm. Nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, so sánh, thử nghiệm các giống lúa chịu đựng nồng độ mặn cao và thời gian chịu đựng ở từng thời kỳ phát triển. Bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng và từng tiểu vùng để bố trí cơ cấu giống phù hợp...
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm trong mô hình canh tác lúa - tôm tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân. Định hướng sản xuất lúa và tôm theo hướng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt). Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nông sản giá trị cao. Đánh giá đầy đủ về thời gian, nồng độ mặn và chiều sâu xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển để có kế hoạch thích ứng kịp thời phát triển vùng luân canh lúa - tôm theo hướng an toàn, bền vững.
TRẦN PHONG