Trong hơn 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt nhiều kết quả nổi bật, mặc dù mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 không đạt được nhưng hiệu quả kinh tế và đóng góp của doanh nghiệp (DN) công nghiệp cao hơn DN thương mại. Nhiều nhận định cho rằng, thành phố còn nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và cần mạnh dạn chuyển đổi theo hướng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo lực đẩy cho những ngành khác phát triển.
Công ty TNHH MTV Cơ khí Sông Hậu là doanh nghiệp chuyên về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: MỸ THANH
Nhiều dư địa phát triển
Số liệu phân tích của Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho thấy, cứ 1% DN công nghiệp đóng góp cho 3,27% doanh thu thuần và 5,47% tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN thành phố, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của DN công nghiệp luôn dương. Trong khi đó, 1% DN thương mại - dịch vụ mức đóng góp lần lượt là 0,71% và 0,33%. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Trong 5 năm qua, công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,84%, đóng góp 32,36% cơ cấu GRDP, đứng thứ 2 khu vực ÐBSCL về cơ cấu khu vực II. Tăng trưởng khu vực II cao hơn chất lượng tăng trưởng chung với đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) lên đến 40,88% giai đoạn 2013 - 2020. Trong đại dịch COVID-19, công nghiệp với thế mạnh là công nghiệp chế biến nông thủy sản đã trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế. Ðiều này đã thể hiện tiềm năng và thế mạnh trong phát triển công nghiệp của thành phố”.
Hiện công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng 70-80% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn có 9 khu công nghiệp tập trung, với 249 dự án còn hiệu lực; năm 2019 DN trong khu công nghiệp đóng góp cho ngân sách thành phố 2.294 tỉ đồng, cao gấp 3,14 lần so với năm 2005. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, các cơ hội từ FTA nói chung, EVFTA nói riêng có thể tạo dư địa để phát triển sản phẩm công nghiệp của thành phố có giá trị gia tăng cao. Sản phẩm công nghiệp khi được cải thiện hàm lượng khoa học công nghệ, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ… sẽ có nhiều cơ hội xâm nhập vào các thị trường khó tính như EU.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ÐBSCL, nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn có trình độ khoa học kỹ thuật cao; sân bay, bến cảng… là những thuận lợi cho giao thương, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Thành phố đang xin chủ trương tiếp tục mở rộng cụm công nghiệp ở Vĩnh Thạnh, dự kiến khoảng 900ha; đồng thời tiếp tục làm thêm các cụm công nghiệp khác, diện tích xấp xỉ khoảng 200ha để đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới”. Theo ông Toại, các cơ hội dịch chuyển đầu tư từ một số quốc gia trên thế giới đến Việt Nam thời gian tới là khá lớn. Cần Thơ là điểm đến mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, muốn đầu tư, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan. Triển vọng có, kèm theo đó là yêu cầu chuẩn bị nền tảng về đất đai, quy hoạch, cơ chế chính sách cho đầu tư.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, hiện hầu hết sản phẩm công nghiệp của Cần Thơ chủ yếu gia công, chế biến thô, chưa có nhiều sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; tỷ lệ lấp đầy một số khu công nghiệp còn thấp. Trong khi đó, suất đầu tư đất công nghiệp cao, do Cần Thơ là đô thị loại I, nên mặt bằng giá và tỷ suất đầu tư cao hơn các địa phương vùng ÐBSCL; thiếu DN đầu đàn trong ngành… những hạn chế này làm cho công nghiệp Cần Thơ kém khả năng cạnh tranh.
Khắc phục hạn chế để nắm bắt cơ hội
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025 sản xuất công nghiệp dự kiến tăng trưởng bình quân 4,8%/năm. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nên dự báo năm 2021 chỉ tăng 1%, năm 2022 là 2,5%, tăng 5% vào năm 2023, tăng 6,5% năm 2024 và 9% vào năm 2025. Mục tiêu mà thành phố đặt ra giai đoạn này, tỷ trọng công nghiệp chiếm 33,71%-33,99% trong GRDP. Sở Công Thương thành phố đã xây dựng Chương trình hành động Thực hiện kế hoạch ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao sức cạnh tranh của DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức hoạt động để hội nhập sâu và khẳng định vị thế trong nền kinh tế khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Minh Toại cho biết: “Thành phố đã có các khu công nghiệp quy hoạch sẵn và đang đề xuất Chính phủ cho mở rộng thêm cụm công nghiệp ở Vĩnh Thạnh. Phải có đất sạch trước và các hạ tầng thiết yếu (điện, nước…) để nhà đầu tư đến và muốn đầu tư có thể bàn giao đất ngay, chứ không phải có nhà đầu tư mới đi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... Ðiều này sẽ làm chậm trễ quá trình và nhà đầu tư sẽ đắn đo khi quyết định đầu tư do thời gian chờ đợi khá dài”. Ông Toại cũng cho rằng, Cần Thơ có thế mạnh về công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản nên sẽ kêu gọi đầu tư ngành này để thu mua nông sản cho nông dân. Ðồng thời ưu tiên kêu gọi đầu tư công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chế tạo máy, tự động hóa… Riêng với công nghiệp hỗ trợ, muốn phát triển, phải có DN đầu đàn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ðể phát triển cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan trong thẩm định dự án đầu tư, xem xét các báo cáo đánh giá chất lượng môi trường nhằm lọc dự án, đảm bảo môi trường sạch.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cũng cho rằng: Khi Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, sẽ giúp Cần Thơ tháo gỡ những khó khăn về kết cấu hạ tầng; đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phù hợp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư. Thành phố cũng đang thúc đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để đón đầu đầu tư. Ðồng thời, giai đoạn 2021-2025, khi Ðề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, Ðề án phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu TP Cần Thơ đến năm 2025 được triển khai sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Quá trình này sẽ thúc đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp; đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
GIA BẢO