12/11/2014 - 20:47

CỜ ĐỎ

Phát huy thế mạnh để phát triển

Là huyện vùng ven của TP Cần Thơ, với trên 80% dân số sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, năm 2014, huyện Cờ Đỏ xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương. Vì vậy, huyện đã không ngừng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo nhu cầu của thị trường; nhân rộng những mô hình mang lại kinh tế cao cho bà con nông dân. Nhờ vậy, năm 2014, doanh thu bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện ước đạt 127,825 triệu đồng, tăng hơn 15 triệu đồng so với năm 2013.

Xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong đó, cây lúa là chủ lực, năm 2014, tính cả 3 vụ lúa, toàn huyện đã xuống giống được trên 66.000 ha, tăng 4% so kế hoạch; tổng sản lượng đạt hơn 435.000 tấn, tăng 13,5% so kế hoạch và tăng trên 30.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 90% tổng diện tích gieo sạ. Điều đáng ghi nhận, mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Mô hình này đã triển khai ở 10 xã, thị trấn của huyện với gần 3.000 hộ tham gia cả 3 vụ, tổng diện tích 30.800 ha, tăng hơn 26.000 ha so với năm 2013. Thu hút 11 công ty doanh nghiệp đăng ký bao tiêu. Các công ty, doanh nghiệp bao tiêu lúa cho bà con nông dân đều cao hơn giá thị trường từ 150 – 200 đồng/kg. Từ đó, tạo niềm tin và giúp nông dân tăng lợi nhuận gần 4 triệu đồng/ha so với bên ngoài mô hình. Ông Nguyễn Văn Xuân, nông dân ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, cho biết: "Năm nay, tham gia cánh đồng lớn, sản xuất lúa của gia đình tôi tiếp tục thuận lợi. Tôi thường xuyên được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học,…; đặc biệt được doanh nghiệp bao tiêu giá cao hơn thị trường, nên lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha".

Nông dân Cờ Đỏ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.

Để giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên diện tích đất sản xuất, năm 2014, huyện Cờ Đỏ tiếp tục vận động và khuyến khích bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu thị trường. Một số bà con nông dân chọn giải pháp chuyển đổi cây màu trên nền đất lúa, hay trồng luân canh cây màu với cây lúa, một số bà con nông dân còn tận dụng diện tích bờ bao, đất trống xung quanh nhà trồng hoa màu,…. Năm 2014, toàn huyện Cờ Đỏ đã xuống giống hơn 4.000ha hoa màu các loại, tăng 2% kế hoạch; tăng trên 207 ha so với cùng kỳ năm 2013; tổng sản lượng ước đạt hơn 34.200 tấn. Điển hình như mô hình luân canh trồng màu của gia đình ông Nguyễn Văn Luồng, ấp 6, xã Thới Hưng. Sau khi sản xuất lúa đông xuân 2013-2014, ông Luồng lên liếp trồng bí đao và mướp trên 2ha đất của gia đình. Theo ông Luồng, tuy chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng bí đao và mướp là hai loại cây trồng dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch khá dài; bí đao 2,5 tháng, mướp là 4 tháng. Bình quân mỗi ngày thu hoạch 700kg mướp, 800kg bí đao. Thương lái thu mua tại ruộng với giá mướp 2.500 đồng/kg, bí đao 4.500 đồng/kg. Ông Luồng cho biết: "Trừ hết chi phí, tôi trồng màu lãi gần 100 triệu đồng. Trồng màu tuy cực, nhưng thu cao gấp mấy lần lúa nên khá an tâm. Năm tới, tôi tiếp tục áp dụng mô hình này". Một số bà con nông dân nhạy bén trong việc trồng trọt và chăn nuôi, liên kết đầu ra sản phẩm, không những giúp bà con nông dân sản xuất ổn định, nhất là có thể nhân rộng tính bền vững của mô hình cũng được đánh giá cao như mô hình nuôi lươn, nuôi bò thịt, trồng nấm bào ngư… Như gia đình ông Trần Văn Nô, ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng. Tận dụng diện tích sau nhà xây chuồng nuôi bò và diện tích bờ bao trồng cỏ nên 3 năm trở lại đây, gia đình ông có thêm thu nhập vài chục triệu đồng từ việc chăn nuôi bò thịt. Riêng năm 2014, gia đình ông đầu tư kinh phí trên 200 triệu đồng, để nuôi 14 con bò. Sau gần 1 năm chăm sóc, ông tẻ bầy được 7 con. Ông Nô cho biết: "Làm ruộng thì cũng nhàn rỗi, mà nuôi bò thịt, mỗi ngày nhín chút thì giờ cắt cỏ cho bò ăn, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại,… Vậy là một năm, gia đình cũng kiếm thêm nguồn thu nhập khoảng 5 triệu đồng/con bò thịt."

Ông Lâm Minh Trí, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: Đối với những mô hình làm kinh tế hiệu quả, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân. Đặc biệt, ngành cũng liên kết tìm đầu ra cho bà con, cũng như nhân rộng các mô hình. Ngoài ra, năm 2014, huyện đã vận động bà con nông dân cải tạo 95,65 ha vườn tạp, đạt 191% kế hoạch. Đặc biệt, phòng nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Giống TP Cần Thơ tổ chức 8 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình cải tại vườn tạo cho bà con nông dân, hỗ trợ 60% giá gần 9.000 cây giống, với tổng kinh phí trên 172 triệu đồng. Từ đó, giúp nhiều hộ dân phát huy được diện tích đất của gia đình, có thêm nguồn thu nhập. Nên doanh thu bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 127,825 triệu đồng; tăng hơn 15 triệu đông so với năm 2013. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Năm 2015, Cờ Đỏ tiếp tục xác định nông nghiệp là thế mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy lợi thế này. Huyện khuyến khích, thu hút các công ty, doanh nghiệp để tham gia bao tiêu, mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên địa bàn. Tiếp tục vận động bà con nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, nhất là nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả cao".

Với những tiềm năng vốn có, cùng với sự quyết tâm của địa phương. Tin rằng, huyện Cờ Đỏ sẽ tiếp tục phát huy được thế mạnh nông nghiệp, để có thể tiến bước xa hơn trên con đường phát triển.

Bài, ảnh: Phương Thức

Chia sẻ bài viết