27/10/2009 - 20:53

Phát huy mô hình kinh tế mùa nước nổi

Trong 2 tháng qua, sản lượng đánh bắt cá toàn tỉnh An Giang đạt gần 8.000 tấn, chủ yếu là cá linh và một số loài thủy sản khác. Ngoài việc đánh bắt cá, nhiều nông dân đã tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để nuôi thủy sản và trồng các loại rau màu cho thu nhập cao như bông điên điển, sen, ấu, rau nhút... góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống.

Dọc theo tỉnh lộ 941 nối huyện Châu Thành với huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, hơn 2 tháng qua khá náo nhiệt. Cảnh mua bán sản vật mùa lũ như cá linh, cua, lươn thực hiện ngay ở 2 bên đường đã làm cho các phương tiện khi lưu thông qua tuyến đường này phải giảm tốc độ. Chị Nguyễn Thị Thúy Loan, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, cho biết: “Hơn hai tháng nay công việc làm không xuể. Mỗi ngày, sau khi chồng tôi đi bắt ốc bươu vàng cặp những con kênh, những cánh đồng ngập sâu trong lũ về, là cả nhà bắt đầu vào việc luộc sơ, lể ra để bán lại cho thương lái. Mấy tháng qua, ốc bươu vàng bán chạy lắm vì nó làm thức ăn cho cá, lươn rất tốt. Trung bình, mỗi ngày gia đình tôi bắt gần 200 kg ốc bươu vàng, sau khi luộc, lể ra cũng kiếm gần 200.000 đồng. Thấy sống mùa lũ được, chứ không túng thiếu”.

Nuôi lươn, một nghề cho thu nhập cao vào mùa nước nổi tại An Giang. 

Trong vùng ngập lũ, việc đánh bắt thủy sản, chăn nuôi mùa lũ đang là một sinh kế hết sức quan trọng của người dân An Giang trong những tháng này. Để góp phần giúp người dân nâng cao kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi trong mùa nước nổi trên từng héc-ta mặt nước, trước khi mùa lũ về, Phòng NN&PTNT và Hội Nông dân các địa phương ở An Giang đã phối hợp tăng cường công tác khuyến ngư; đồng thời tổ chức 58 lớp dạy nghề cho hơn 1.400 nông dân với các nghề như trồng nấm rơm, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá, nuôi lươn để tổ chức sản xuất trong mùa nước nổi một cách khoa học hơn. Bà Phạm Thị Kiệp, Trưởng phòng kinh tế huyện Tân Châu, cho biết: “Huyện cũng đã triển khai khai thác mùa lũ. Trong đó, ngoài trồng lúa thì chúng tôi còn phối hợp tổ chức dạy nghề cho nông dân. Năm nay lợi thế là nấm rơm có giá nên nông dân sản xuất mùa lũ rất phấn khởi”.

Chính vì vậy, ngoài việc khai thác nguồn lợi tự nhiên như bắt ốc bươu vàng, đánh bắt cá, nhiều hộ dân đã tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tập trung trồng các loại rau màu mùa lũ như bông điên điển, sen, ấu, rau nhút... Đây là những mô hình sản xuất có vốn đầu tư thấp, phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, nhanh thu hồi vốn nhưng lợi nhuận cao với bình quân từ 25 đến 50 triệu đồng/ha. Cá biệt, có hộ trồng nấm rơm thu lợi nhuận 70 triệu đồng/ha, ớt trên 100 triệu đồng/ha. Riêng về nuôi trồng thủy sản, mùa nước nổi năm nay, tỉnh An Giang tập trung phát triển trên 2.800 ha với 11 mô hình được duy trì và phát huy hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi tôm trong đăng quầng và nuôi trên chân ruộng phát triển khoảng 700 ha. Mặt khác, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc, cá tạp giàu chất dinh dưỡng vừa ít tốn kém, người dân vùng lũ đã tổ chức các mô hình nuôi lươn, nuôi cá lóc, cá rô... Ông Hồ Văn Bồng, một nông dân nuôi lươn xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, cho biết: “Những tháng nước nổi không làm lúa được thì chuyển qua nuôi lươn cũng hiệu quả lắm. Thức ăn thì nhiều, giá lại rẻ, lươn giống thì mua hoặc đánh bắt được trong tự nhiên. Nên 10 năm nay, trong vòng 6 tháng nuôi mùa nước lên, tôi thu nhập mỗi bồn diện tích khoảng 25-30m2 hơn 4 triệu đồng”.

Theo ngành nông nghiệp An Giang, mùa nước nổi năm nay, toàn tỉnh có trên 8.000 hộ tham gia sản xuất với 20 nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp và trên 10.000 hộ mưu sinh 8 nhóm nghề có tính chất thời vụ. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm khoảng 700.000 lao động, với mức thu nhập thấp cũng đạt 1 triệu đồng/người/tháng. Và quan trọng là tận dụng được thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập và cải thiện đời sống ở nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, cho biết: “Cùng với 2 mùa lúa thì những năm qua, khai thác mùa lũ là một trong những ngành nghề hái ra tiền của người dân nơi đây. Hầu hết việc nuôi trồng, đánh bắt bà con đều hướng đến khai thác lợi thế mùa lũ để tăng thu nhập. Chỉ riêng những hộ nghèo, không vốn, đi bắt ốc bươu vàng cũng thu nhập khoảng 80.000 – 100.000 đồng/ngày cải thiện đáng kể đời sống hàng ngày”. Từ những cách làm năng động, sáng tạo trong mùa nước nổi của người dân tỉnh An Giang cho thấy hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội của việc thực hiện tốt phương châm “sống chung với lũ”.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết