26/02/2024 - 11:06

Phát huy hiệu quả vốn vay, việc làm 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững TP Cần Thơ (Chương trình GNBV) giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm, các địa phương tích cực triển khai các chính sách trợ giúp giảm nghèo, chú trọng về vốn vay, dạy nghề, cung cấp kiến thức, kỹ thuật, giới thiệu việc làm... Qua đó, tác động đáng kể thu nhập, mức sống người dân.

Hộ dân phường Thường Thạnh, quận Cái Răng vay vốn ưu đãi kinh doanh tiệm quần áo may sẵn, phát triển kinh tế gia đình.

Theo báo cáo giữa giai đoạn Chương trình GNBV (năm 2021-2023), ngành chức năng đã phát vay trên 2.399,5 tỉ đồng các chương trình tín dụng ưu đãi cho 58.469 lượt hộ để phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt vai trò “cầu nối”, kịp thời hướng dẫn người dân sử dụng đúng mục đích, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. 

Từ năm 2021-2023, quận Thốt Nốt có 5.327 lượt hộ vay trên 249 tỉ đồng để mở rộng sản xuất, mua bán nhỏ. Chị Trần Thị The, ở khu vực Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt, nói: “Tôi mướn gần 2 công đất trồng rau màu trên 10 năm và hiện được hỗ trợ vay 70 triệu đồng. Mỗi ngày, trừ chi phí, tôi thu nhập từ 200.000-300.000 đồng. Có vốn tích lũy, tôi mướn thêm 5 công đất, trồng lúa 3 vụ, trừ chi phí, lợi nhuận trên 25 triệu đồng/năm. Vợ chồng tôi dành dụm cất căn nhà tường trị giá trên 250 triệu đồng, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt và thoát cận nghèo”. Tại quận Cái Răng có 7.140 lượt hộ vay trên 342,8 tỉ đồng phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Trung Hiếu, ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, làm thợ hồ các công trình xây dựng, tiền công nhật 400.000 đồng/ngày. Hơn 5 năm nay, anh Hiếu được vay 65 triệu đồng, cải tạo 6 công vườn trồng sầu riêng Ri6. Năm 2022, anh Hiếu thu hoạch 1 tấn trái đầu tiên, trị giá 45.000 đồng/kg. Anh Hiếu chia sẻ: “Nhờ được vay vốn ưu đãi và tiếp thu kỹ thuật trồng cây qua lớp tập huấn và kinh nghiệm các nhà vườn nên tôi khá thuận lợi trong canh tác, thu hoạch đạt năng suất”. Cô Trần Thị Tánh, ở khu vực 6, phường Hưng Thạnh, kể: “Tôi vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi mua phân thuốc, vật tư chăm bón 3 công vườn măng cụt, sầu riêng và chôm chôm Thái. Hằng năm, trừ chi phí, tôi thu nhập trên 70 triệu đồng”.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, các quận, huyện xây dựng nhiều mô hình sinh kế, việc làm hiệu quả, như trồng thanh long, mận bao lưới, vú sữa, sầu riêng, chanh không hạt, hành lá, rau màu; nuôi ốc bươu đen, lươn không bùn, heo sinh sản, dê thịt, vịt đẻ; sản xuất hủ tiếu, bánh tráng, may gia công, nấu ăn lưu động, chế biến hạt điều... 

Từ năm 2021-2023, ngành chức năng thành phố phối hợp lồng ghép đào tạo nghề cho 261 người; tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 3.876 người. Đối với việc hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp, kết nối việc làm, thành phố tổ chức 77 phiên giao dịch việc làm, với 6.954 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở đào tạo tham gia; 23.408 người tìm việc được thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động, tuyển dụng; 21.529 lao động được hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp, kết nối việc làm... 

Từ nay đến cuối giai đoạn (năm 2024-2025), các ngành, các cấp tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình GNBV. Thành phố chú trọng phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh; dạy nghề phù hợp để người dân tự tạo việc làm; kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động. Cùng với đa dạng hóa mô hình sinh kế, việc làm hiệu quả, ngành chức năng đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút nhiều người dân tham gia mô hình, tiếp cận các chính sách trợ giúp để làm ăn, phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết