08/11/2014 - 15:32

Phát huy hiệu quả đồng vốn cho nông nghiệp, nông thôn

Trong khuôn khổ MDEC- Sóc Trăng 2014 , Hội thảo "Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL", Thống đốc Ngân hàng (NHNN) Nhà nước Việt Nam cho biết, đã qua thời mạnh ai nấy "tự cứu lấy mình"; vốn của ngân hàng đang thừa, lãi suất cho vay ở mức thấp – đúng lộ trình cam kết của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực tín dụng nông nghiệp nông thôn tái cơ cấu để phát triển...

* Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn khởi sắc

Tại Hội thảo "Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL", nhiều tham luận tập trung phân tích và làm rõ nhiều vấn đề, gồm: đánh giá tác động của các chính sách đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực ĐBSCL, thực trạng công tác quy hoạch, liên kết vùng; đánh giá tác động chính sách tín dụng của NHNN trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; hoạt động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn, những khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng; các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL; các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển hoạt động tín dụng ngân hàng; giải pháp đẩy mạnh xây dựng phát triển nông thôn mới…

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, chia sẻ: Mô hình cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013 của Thủ tướng Chính phủ là bước ngoặt đột phá, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, giải quyết được những bất cập tồn tại giữa sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ lúa gạo, đó là nông dân và doanh nghiệp đã liên kết với nhau xóa bỏ được phương thức sản xuất tự phát mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ lẻ, hàng hóa thừa thì vẫn thừa, thiếu thì vẫn thiếu, xuất khẩu gạo "ăn xổi ở thì"… Chính mô hình cánh đồng lớn đang góp phẩn chuyển hóa nông nghiệp, nông thôn đúng theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL.

Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp - đợt 3 tại MDEC - Sóc Trăng 2014. Ảnh: Anh KHOA

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình rằng việc tiếp cận vốn tín dụng hiện nay có nhiều thuận lợi, nhất là vay vốn đầu tư xuất khẩu nông, thủy sản. Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2013 tín dụng tăng trưởng tốt hơn, tính đến 31-9-2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt 332.576 tỉ đồng, tăng 7,64% so với cuối năm 2013, chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của cả nước. Chính sách tín dụng đã hướng dòng vốn tín dụng vào một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh nhằm tạo đột phá, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại tại vùng ĐBSCL có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, khẳng định: Với những lợi thế, tiềm năng mà vùng ĐBSCL đóng góp cho cả nước, NHNN đã đẩy mạnh chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, tạm trữ lúa gạo, chế biến, nuôi thủy sản… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh tế vùng phát triển, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất và sửa đổi những chính sách, giải pháp để phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, đặc biệt là chính sách về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả đồng vốn, đảm bảo tính an toàn cho đồng vốn. Song, Thống đốc NHNN trăn trở nhất ở chỗ, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đã tăng 3 lần so với năm 2009, theo đó, hiệu quả mang lại cũng phải tỷ lệ thuận với số vốn đã giải ngân, nhưng thực tế đồng vốn tín dụng không mang lại nhiều hiệu quả và phát huy tốt như mong đợi.

* Điều chỉnh chính sách phù hợp xu thế chuyển đổi

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, việc ngành ngân hàng tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất lớn với chương trình cho vay thí điểm tổng số vốn ký kết trên 7.300 tỉ đồng, cộng với việc cho vay các dự án trọng điểm ở khu vực ĐBSCL (đến cuối tháng 9/2014, các TCTD đã cho vay khoảng 32.827 tỉ đồng cho nhiều dự án trọng điểm tại các tỉnh) chứng tỏ hệ thống ngân hàng đã có chiến lược rất rõ ràng trong việc tăng trưởng tín dụng bền vững ở khu vực ĐBSCL.

Phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù bằng Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ. Đến nay, đã có 27 doanh nghiệp, thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số vốn hơn 4.600 tỉ đồng…

ĐBSCL có vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tiềm năng lớn về kinh tế biển. Tuy nhiên, kinh tế- xã hội vùng phát triển còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân, trong đó, thiếu vốn sản xuất là trở ngại lớn đối với sự phát triển của vùng. Thời gian qua, các ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù đối với những sản phẩm thế mạnh của vùng, nhưng các sản phẩm tín dụng với nguồn vốn cho vay còn hạn chế, hạn mức tín dụng thấp... Đối với các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, việc tiếp cận vốn gặp rất nhiều khó khăn, hoặc hạn mức được cho vay rất thấp.

Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, phân tích: Cần xác định nông nghiệp nông dân nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi, trồng chế biến lúa gạo, thủy sản và trái cây nói riêng phải là lĩnh vực ưu tiên và ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này. Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm nhằm tạo ra sự lan tỏa trong khu vực, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, khẳng định: Với những lợi thế, tiềm năng mà vùng ĐBSCL đóng góp cho cả nước, NHNN đã đẩy mạnh chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, tạm trữ lúa gạo, chế biến, nuôi thủy sản… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh tế vùng phát triển, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Trong tháng 11 này NHNN sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 41/2010/NЖCP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2015, Chính phủ có thể ban hành với những nội dung mới nhất, bám sát các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, các "nút thắt" cơ bản nhất trong các khâu cho vay như tài sản thế chấp, mức độ tín chấp sẽ được NHNN căn cứ trên cơ sở tổng kết các chương trình cho vay thí điểm để đưa ra cơ chế phù hợp. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất và sửa đổi những chính sách, giải pháp để phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, đặc biệt là chính sách về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả đồng vốn, đảm bảo tính an toàn cho đồng vốn. Trong đó, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành sớm nghiên cứu tổ chức lại phương thức sản xuất, quy hoạch lại sản lượng (bao nhiêu là vừa), tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phù hợp để nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp như các nước phát triển trên thế giới.

AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết