16/04/2020 - 07:29

Phát huy hiệu quả các điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông 

Từ năm 2015 đến nay, TP Cần Thơ thành lập được 6 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ (CTĐ) tại các phường: Ba Láng (Cái Răng), Hưng Lợi (Ninh Kiều), Trà Nóc (Bình Thủy), Trung Kiên, Thới Thuận, Thuận An (Thốt Nốt). Các điểm sơ cấp cứu thu hút 60 thành viên tự nguyện tham gia. Hằng năm, các điểm này đã sơ cấp cứu ban đầu cho hàng chục nạn nhân bị tai nạn trước khi đưa đến bệnh viện, góp phần giảm thiểu tử vong. Qua 5 năm thực hiện ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và sơ cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố giữa Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ và Hội CTĐ thành phố, các đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, tập huấn phương pháp sơ cấp cứu tai nạn; tổ chức các chuyên đề tuyên truyền quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan...

Lễ ra mắt điểm sơ cấp cứu tai nạn tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

Theo ông Nguyễn Văn Đùm, Chủ tịch Hội CTĐ quận Thốt Nốt, toàn quận hiện có 3 điểm sơ cấp cứu tai nạn. Trong đó 1 điểm ở phường Trung Kiên (trên quốc lộ 91) được Ban ATGT TP Cần Thơ chọn thực hiện thí điểm năm 2016. Xác định quốc lộ 91 có lưu lượng tham gia giao thông rất đông, nguy cơ tiềm ẩn va quẹt giao thông và TNGT rất cao, qua khảo sát thực tế, Hội CTĐ quận tham mưu UBND quận xin chủ trương và kinh phí thành lập thêm 2 điểm tại phường Thới Thuận (năm 2017) và phường Thuận An (năm 2019). Từ khi thành lập đến nay, 3 điểm đã sơ cứu trên 100 trường hợp bị TNGT, tai nạn lao động. Riêng năm 2019, các điểm này đã sơ cứu ban đầu cho 40 trường hợp bị TNGT và tai nạn lao động,chuyển đến bệnh viện cấp cứu an toàn. Hơn tháng nay, bên cạnh việc trực tiếp sơ cấp cứu cho người bị tai nạn, thành viên các điểm sơ cấp cứu còn tham gia tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về trật tự ATGT, tai nạn thương tích và phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Huỳnh Thanh Thảo, Chủ tịch Hội CTĐ TP Cần Thơ, cho biết: “Các điểm sơ cấp cứu được Sở Y tế cấp phép đạt chuẩn Thông tư 17 của Bộ Y tế  quy định việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu CTĐ và việc huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ. Ban Điều hành của các điểm sơ cấp cứu đều có chuyên môn về y tế, với tấm lòng thiện nguyện, nhiệt tình và rất có trách nhiệm; tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu hằng năm. Năm 2019, các điểm này đã sơ cấp cứu cho hơn 1.000 lượt nạn nhân; các cấp Hội CTĐ tổ chức khai giảng 31 lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho 1.380 thành viên tham dự. Mô hình sơ cấp cứu TNGT đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, giúp các nạn nhân bị tai nạn giảm thiểu hậu quả do đưa đi cấp cứu không kịp thời…”.

Bài, ảnh: Xuân Đào

Chia sẻ bài viết