16/07/2008 - 07:53

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát động tháng phòng trừ rầy nâu ở ĐBSCL và Đông Nam bộ

* Hơn 2.800 ha lúa hè thu, thu đông bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
* LONG AN: Gà đã tiêm phòng vẫn nhiễm virus H5N1

(CT)- Ngày 15-7-2008, tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh phía Nam tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng đã chính thức phát động Tháng phòng trừ rầy nâu ở ĐBSCL và Đông Nam bộ. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: Vụ thu đông là 1 trong 4 vụ mùa chính theo cơ cấu mùa vụ tại khu vực phía Nam. Chính phủ sẽ cung cấp thuốc miễn phí cho các vùng phun xịt rầy tập trung tại các địa phương. Các địa phương phải tập trung công tác phòng trừ rầy nâu. Hướng dẫn bà con nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng đúng thuốc, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa dịch hại trên lúa. Phần diện tích đã bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phải quản lý rầy nâu, nếu lúa mới xuống giống nên tiến hành tiêu hủy. Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiêu hủy lúa nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá từ 2 triệu đồng/ha lên 5 triệu đồng/ha.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến nay, các địa phương phía Nam đã có 223.225 ha lúa hè thu, thu đông nhiễm rầy nâu, trong đó có trên 36.300 ha nhiễm nặng. Diện tích rầy nhiễm tập trung tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... Đáng quan tâm là đã có 2.866 ha bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tập trung tại Đồng Tháp và Trà Vinh. Theo lãnh đạo các tỉnh, nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch rầy nâu như hiện nay là do bà con nông dân xuống giống không đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo, diện tích nhiễm bệnh tập trung ở những nơi gieo sạ sớm so với lịch xuống giống nên không chủ động được nước tưới. Hiện nay, tỷ lệ rầy nâu mang virustại Tây Nam bộ là 21%, Đông Nam bộ là 73%. Một số nơi đã xuất hiện cháy rầy do phun thuốc không tuân theo nguyên tắc “4 đúng”.

Theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến cuối tháng 7 này sẽ có có đợt rầy di trú với số lượng lớn mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phát tán trên các trà lúa hè thu, thu đông trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh làm đòng và trổ. Vùng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là các tỉnh giáp biên giới tây nam như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và một số tỉnh Đông Nam Bộ, nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu sẽ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa hè thu, thu đông và lây sang vụ đông xuân 2008 - 2009.

* Ngày 15-7, ông Đinh Văn Thế, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cho biết đang tiến hành thanh tra, làm rõ vì sao đàn gà khoảng 3.000 con của hộ ông Văn Công Bùi, ấp Nhà Trường - xã Tân Lân (Cần Đước) đã tiêm phòng văc-xin H5N1 nhưng vẫn chết do nhiễm virus này. Theo ông Thế, có thể có hai khả năng: một là, chủ chăn nuôi báo cáo không trung thực- không tiêm phòng mà báo với cơ quan thú y là đã tiêm; hai là, do văc-xin kém chất lượng nên không kháng được virus. Nếu kết quả thanh tra cho thấy rơi vào khả năng thứ nhất, Chi cục Thú y tỉnh Long An sẽ xử phạt hộ chăn nuôi theo thẩm quyền. Nếu rơi vào khả năng thứ hai, Chi cục báo cáo về Cục Thú y và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý.

Cùng ngày, ông Văn Công Bùi cho biết ngay sau khi biết tin đàn gà ông chết do nhiễm virus H5N1, Công ty cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm VĐ (Công ty VĐ) có trụ sở tại tỉnh Bình Dương đã đến chở toàn bộ số thức ăn còn dư (118 bao) đi nơi khác. Số thức ăn này ông Bùi mua chịu tại một đại lý ở Cần Đước, Công ty VĐ thông qua đại lý này đến nhà ông Bùi lấy đi với lý do góp phần giảm bớt thiệt hại cho ông. Về việc này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An Đinh Văn Thế cho biết chưa được thông tin, nhưng theo quy định, thức ăn cho đàn gà bị nhiễm virus H5N1 cũng phải tiêu hủy. Ông Thế hứa sẽ kiểm tra và làm rõ vấn đề này.

BÌNH NGUYÊN - HOA HẠ

Chia sẻ bài viết