23/06/2016 - 14:11

Pháp vất vả đối phó với nạn bạo lực

Mối đe dọa từ CĐV quá khích (hooligan) là nỗi lo số một tại EURO 2016, trong bối cảnh nước Pháp đang trong tình trạng khẩn cấp và an ninh cũng được tăng cường sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris cuối năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa với việc lực lượng an ninh nước chủ nhà phải gánh trọng trách nặng nề vào thời gian diễn ra sự kiện bóng đá này.

Hơn 500 người bị bắt giữ chỉ sau hơn 10 ngày diễn ra EURO cho thấy lực lượng an ninh Pháp đã và đang gồng mình đối phó với nạn bạo lực nghiêm trọng ở lễ hội bóng đá này. Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Thể thao Patrick Kanner tại Paris ngày 20-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 557 người gây rối và vi phạm pháp luật. Trong đó, 334 người đang bị tạm giam, 21 người bị kết án tù và án treo cùng 25 trường hợp khác (phần lớn mang quốc tịch Nga) đã bị trục xuất khỏi Pháp.

Cảnh sát Pháp được trang bị bình hơi cay cùng sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ để đối phó với các hooligan. Ảnh: Telegraph

Tuy nhiên, hai vị bộ trưởng này cho rằng Chính phủ Pháp "hài lòng" với tình hình an ninh xung quanh giải đấu. Hơn một nửa số trận đấu của giải đã diễn ra trong không khí tốt đẹp, dù rằng các hooligan của Nga, Anh và các thanh niên địa phương ở Marseille ngày 11-6 đã "mở hàng" cho hàng loạt vụ ẩu đả liên quan đến công dân nhiều quốc tịch khác, xảy ra sau đó. Khi đó, cảnh sát Marseille đã phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán các nhóm hooligan này. Theo ông Cazeneuve, sự tập trung chính vẫn là mối đe dọa khủng bố. Mục tiêu của nước Pháp là tiếp tục huy động tất cả các lực lượng và phương tiện để giải đấu diễn ra trong những điều kiện tốt nhất có thể, cho dù sự huy động liên tục không có nghĩa là đã giảm rủi ro thấp nhất.

Trong nỗ lực kiềm chế tình trạng bạo lực liên quan đến rượu bia, mới đây Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh cấm bán thức uống có cồn xung quanh các sân vận động và "các khu vực nhạy cảm" (nơi dễ xảy ra các vụ đụng độ) khi trận đấu diễn ra trong sân hoặc được truyền hình tại fanzone. Lệnh cấm còn đưa ra các biện pháp ngăn chặn các CĐV "nguy hiểm" vào sân và cách ly các CĐV hung hăng trước mỗi trận đấu. Trước đó, giới chức Pháp cũng đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn xảy ra thêm các vụ xung đột giữa CĐV. Chẳng hạn như từ chối nhập cảnh vào Pháp đối với gần 3.000 CĐV từ các nước khác trước khi CĐV Nga và Anh choảng nhau trong ngày khai mạc giải. 322 CĐV Pháp cũng bị cấm vào sân trong khi Chính phủ Anh cũng tịch thu hộ chiếu của gần 2.000 CĐV nước này.

Ước tính trong thời gian diễn ra EURO có khoảng 7 triệu CĐV các nước đến Pháp, nên từ trước khi bóng lăn nước chủ nhà huy động đến 100.000 cảnh sát và nhân viên an ninh để bảo vệ sự kiện này. Cùng với đó là đội đặc nhiệm RAID tham gia đảm bảo công tác an ninh tại EURO 2016. Với sự tinh nhuệ và khả năng tác chiến cao, đội đặc nhiệm của cảnh sát quốc gia Pháp được coi là "quả đấm thép" và cũng là "lời trấn an" cho các đội bóng dự giải năm nay.

Tuy nhiên, việc tay côn đồ cộm cán người Nga Alexander Shprygin trở lại Pháp sau khi bị trục xuất trước đó 2 ngày cho thấy an ninh của nước chủ nhà vẫn còn những khe hở.

BÌNH DƯƠNG (Theo Independent, AP)

Chia sẻ bài viết