15/06/2009 - 20:22

Vụ tôm sú chính ở đồng bằng sông Cửu Long

Phập phồng nỗi lo...!

Còn hơn 1 tháng nữa là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào thu hoạch tôm sú chính vụ năm 2009. Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh nuôi tôm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang… diện tích thiệt hại trong 5 tháng đầu năm 2009 đã gần 10.000 ha. Mặc dù giá tôm nguyên liệu đang cao hơn so cùng kỳ năm trước, nhưng thị trường xuất khẩu được dự báo tiếp tục khó khăn trong quí II/2009 và nhiều nhà máy chế biến nguyên liệu hoạt động dưới công suất...

TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO!

Theo Cục Nuôi trồng thủy sản Bộ NN&PTNT, năm 2009 diện tích nuôi tôm sú toàn vùng ĐBSCL có thể lên đến 566.000 ha. Năm nay, ngành thủy sản đề ra chỉ tiêu giá trị xuất khẩu khoảng 4 tỉ USD (năm 2008 là 4,5 tỉ USD). Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2009, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 1,3 tỉ USD. VASEP dự báo trong quí II/2009, sức mua của nhiều nước trên thế giới tiếp tục giảm, biến động tỷ giá ở các nước không có lợi cho xuất khẩu. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm tôm sú của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, nhưng cuối tháng 5-2009, giá tôm tại thị trường này đã giảm 10-20% so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Các nhà nhập khẩu dự báo, tình trạng khó khăn trong xuất khẩu tôm sẽ còn kéo dài đến tháng 8-2009(!).

Dù thả dầy nhưng vuông tôm của anh Cuôl (xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) lớn khá nhanh, nhưng khả năng trúng mùa lại khó đoán chính xác.  Ảnh: XUÂN TRƯỜNG 

Tại ĐBSCL, hơn 1 tháng nữa bước vào thu hoạch tôm sú chính vụ. Hiện tại, tôm nguyên liệu loại 20 con/kg giá 117.000 đồng, 30 con/kg giá 95.000 đồng và 80.000 đồng loại 50 con/kg. Trong khi đó, giá thức ăn cho tôm đang đứng ở mức cao, cùng với những rủi ro về thị trường xuất khẩu, dịch bệnh... tạo nên sức ép khá lớn cho người nuôi tôm ĐBSCL. Đó là chưa kể đến việc nông dân thiếu vốn bỏ ao, do chậm được tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ, điều này làm cho diện tích nuôi tôm ở các tỉnh giảm so với vụ trước.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh- Phạm Nam Dương cho biết: “Năm nay, ảnh hưởng thời tiết, giá tôm nguyên liệu không ổn định, chi phí nuôi (thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, công lao động...) tăng cao, nhiều địa phương thả nuôi tôm chậm và mật độ thưa hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác như: cua biển, cá chẽm, cá kèo... Do đó, tại Trà Vinh vụ nuôi tôm sú năm 2009 khó đạt kế hoạch đề ra”. Năm 2009, tỉnh Trà Vinh đưa ra kế hoạch thả nuôi trên 2,5 tỉ con giống với diện tích 27.450 ha. Cuối tháng 5-2009, diện tích thả nuôi tại Trà Vinh là 18.300 ha, giảm 6.700 ha so với cùng kỳ năm trước. Qua khảo sát thực tế tại địa phương, phần lớn nông dân đang gặp khó khăn do không có vốn để đầu tư thả nuôi trở lại do bị thua lỗ vụ tôm năm 2008. Đến nay, khoảng 30% diện tích bị thiệt hại phải chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác...

Tính đến đầu tháng 6-2009, diện tích tôm sú thiệt hại của vùng ĐBSCL đã gần 10.000 ha, trong đó tại Sóc Trăng diện tích thiệt hại hơn 1.407 ha, Bạc Liêu 3.000 ha, Bến Tre trên 105 ha . Điều này làm nông dân thận trọng hơn trong mùa vụ mới. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh có chiều hướng giảm so với trước như: tỉnh Trà Vinh, diện tích thả nuôi theo mô hình này mới khoảng 500 ha (kế hoạch 2.000 ha); tỉnh Bến Tre trên 3.219 ha (kế hoạch thực hiện năm 2009 là 5.685). Mặt khác, số hộ có điều kiện thì chuyển sang thả nuôi quảng canh kết hợp thả nuôi cua biển, do tình hình giá tôm nguyên liệu không ổn định, một số hộ thả nuôi không cần cho tôm ăn, còn bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu.

NĂNG SUẤT BẤP BÊNH

Hiện tại, tôm thương phẩm loại 50 con/kg có giá 80.000- 82.000 đồng/kg. Với giá tôm cỡ nhỏ này, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên, Long Phú... của tỉnh Sóc Trăng cho rằng thu hoạch tôm thời điểm này sẽ có lời do chi phí đầu tư giai đoạn đầu (3,5 tháng đầu) không nhiều. Do vậy, nhiều hộ chọn thả nuôi với mật độ dầy 40-60 con/m2 (cao hơn năm trước 15- 20 con/m2) để thu hoạch nhiều đợt theo giá thị trường. Tuy nhiên, năng suất của vụ tôm năm nay vẫn là bài toán chưa có đáp số chính xác! Điều đáng lo là khi bước vào thu hoạch rộ, hầu hết người nuôi tôm đều không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và rủi ro về giá có thể lặp lại.

Ông Phạm Văn Thiệu, ở ấp Cảng Búi, xã Hòa Đông (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) nói: “Tôi thả 1,1 triệu con giống được 2 tháng rưỡi nhưng tôm đã đạt cỡ 70 con/1kg, với giá tôm bây giờ xổ (thu hoạch) đã có lời. Nhưng diễn tiến thị trường cho thấy, tôm cỡ 40 - 50 con/kg năm nay sẽ có giá nên tôi quyết định chờ giá cao”.

Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Khi thả nuôi với mật độ dầy, chất thải trong quá trình nuôi sẽ nhiều hơn, ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Lý thuyết là vậy, nhưng đối với những mô hình nuôi được đầu tư đúng qui trình kỹ thuật và người nuôi có tay nghề sẽ không gặp vấn đề gì”. Theo ông Bé, dù thả dầy, nhưng nhiều hộ nuôi áp dụng biện pháp sang hầm khi tôm được 1-2 tháng tuổi, nên môi trường không bị biến động nhiều. Vụ tôm 2009 tại Sóc Trăng khá thuận lợi, tôm phát triển nhanh và ít dịch bệnh. Nhưng ông Bé cho rằng, chưa thể dự báo chính xác được năng suất do diễn biến thời tiết còn phức tạp và lứa tôm thả sau chưa đầy 2 tháng tuổi!

Ở tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi tôm bằng 2/3 diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, nơi đây được xem là “mỏ” tôm của ĐBSCL với diện tích thả nuôi hằng năm gần 250.000 ha. Thế nhưng, trong nhiều năm liền, năng suất nuôi vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi so với một số địa phương khác. Theo Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau, qua thống kê năm 2008, năng suất tôm nuôi bình quân của Cà Mau chỉ đạt 356kg/ha; trong khi tại Bạc Liêu là 500kg/ha; Sóc Trăng 1.200kg/ha; Bến Tre 4.300kg/ha. Bước vào vụ tôm chính năm nay, ở những vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh như các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân... nhiều đầm tôm còn chưa cải tạo và có phần trầm lặng hơn. Ông Trần Văn Tuốt, nông dân nuôi tôm ở ấp Tân Long xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Những năm đầu mới chuyển sang nuôi tôm, hiệu quả rất cao. Nhưng 3- 4 năm gần đây, tôm nuôi cho hiệu quả rất thấp, một số hộ ở ấp này đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Nhưng đó là những hộ có vốn, còn đa số phải chịu cảnh sản xuất cầm chừng, chờ thời cơ”. Không riêng gì ông Tuốt, nhiều nông dân khác cùng tâm trạng và thiếu lạc quan với năng suất, hiệu quả nuôi tôm hiện nay.

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy được sự tụt hậu về năng suất, chất lượng và hiệu quả vùng nuôi tôm tỉnh Cà Mau. Đầu tháng 6-2009, ngành nông nghiệp đã trình đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 – 2015” nhằm khắc phục sự tụt hậu này để trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét, phê duyệt. Đây là đề án khá toàn diện để thúc đẩy sự phát triển về năng suất, chất lượng và hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp và nuôi tôm tỉnh Cà Mau”.

Theo đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm lúa tỉnh Cà Mau” giai đoạn 2009 – 2015, vùng nuôi tôm Cà Mau sẽ được ổn định ở diện tích 264.500 ha, với nhiều mô hình sản xuất cùng tồn tại như: nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm sinh thái, bán thâm canh. Hiện nay, con giống chất lượng thấp chiếm đến 50% tổng lượng giống cung ứng hằng năm ở tỉnh (khoảng 12 tỉ con). Theo ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh và nguồn giống nhập tỉnh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trại sản xuất giống chất lượng cao. Song song đó, tập trung phổ biến kiến thức nuôi trồng cho người nuôi, tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để cải thiện năng suất hiệu quả nhất. Dự báo của Sở NN & PTNT tỉnh Cà Mau, đến năm 2012, năng suất tôm nuôi của tỉnh sẽ tăng thêm 71kg/ha, tương ứng sản lượng tăng thêm khoảng 36.000 tấn/năm và giá trị tăng thêm trong ngành nuôi tôm đạt khoảng 2.800 tỉ đồng.

Thời điểm xuất khẩu thủy sản khó khăn nhất được dự báo “rơi” vào quí II/2009, khi đó vụ tôm chính vụ tại ĐBSCL cũng bước vào cao điểm thu hoạch. Năng suất bấp bênh, cùng những rủi ro về thị trường đang là bài toán khó cho ngành thủy sản và người nuôi tôm ĐBSCL!

X.T-T.V-Q.D

Chia sẻ bài viết