02/08/2008 - 20:40

Phan Thanh Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kỳ (kỳ 1)

Tưởng nhớ ngày mất của Tiến sĩ Phan Thanh Giản (mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão – 4-8-1867)

 Tiến sĩ HUỲNH CÔNG TÍN

 

Vùng đất Lục Tỉnh (Nam Kỳ) được chính thức khai khẩn kể từ khi chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược năm Mậu Dần (1698) tính đến nay được trên 300 năm. So với đất Thăng Long cổ kính gần 1.000 năm (1010), Nam Kỳ là đất mới, nhưng mảnh đất này với 300 năm đã để lại những tên tuổi lớn: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký... Là người Nam Bộ, ai cũng có niềm tự hào về những danh nhân Nam Bộ này. Là kẻ sĩ, hay là học trò, tôi nghĩ, ai cũng có niềm vinh hạnh khi nhắc về vị Tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kỳ Phan Thanh Giản (1796 - 1867) mà cuộc đời ông là một bi kịch.

Về Bảo Thạnh, Ba Tri (Bến Tre), quê hương của Phan Thanh Giản trong thời gian này, những năm đầu của thế kỷ XXI, tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều dấu vết của một vùng quê hết sức nghèo khó. Gần 200 năm trước, nơi đây, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, sau đổi ra làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có một vị tiến sĩ mà người nay chỉ biết tự hào, không sao lý giải nổi về sự thành đạt ấy. Sự thành đạt ở vùng quê này thì quả là điều kỳ diệu, có sức lay động mọi tâm hồn người Nam Bộ, nói lên nghị lực phi thường và ý chí vươn xa của người thanh niên Phan Thanh Giản ở vào tuổi thiếu thời.

Bài thơ “Kí nội” ông viết, khi ra kinh đô Huế ứng thí, không chỉ nói lên được ý nguyện của ông về chí làm trai, mà còn chứa đựng trong đó một tình cảm hết sức nhân ái đối với gia đình và cả đối với làng xóm, quê hương:

“Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,

Lòng này ghi tạc có non sông.

Đường mây cười tớ ham giong ruổi,

Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.

Ân nước nợ trai đành nỗi bận

Cha già nhà khó cậy nhau cùng.

Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt,

Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng!”.

Hai câu “Đường mây cười tớ ham giong ruổi, Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng” đủ để nói lên chí nguyện và tình cảm của ông đối với người thân.

Trong bài “Gia biệt”, ông lại nói về cái chí của một người học trò nghèo ở một vùng quê khó nhọc, quả đáng cho chúng ta khâm phục:

“Ngã sanh bổn hàn tố,

Ngã tâm tư cổ đạo,

Thập tải sự mao chùy,

Sở chí phi ôn bão”.

(Tạm dịch: Tôi sinh trong một gia đình nghèo, lòng vốn chăm theo học đạo xưa, sự mở mang tâm trí những mất mười năm, cốt lập chí không vì sự no ấm).

Và sự khiêm tốn như một bản chất vốn có của ông từ thuở thiếu thời:

“Độc học tối cô lậu,

Sở đắc diệc lỗ mãng.

Khởi cảm vọng thanh tử,

Văn kiến thứ hữu bổ”.

(Tạm dịch: Việc tự học nên rất quê mùa, kém cỏi, điều học được hãy còn chưa đầy đủ, dám mơ gì xiêm áo, mong có được hiểu biết cũng bổ ích rồi).

Tình cảm mà ông dành cho gia đình là một tình cảm vô bờ bến. Nhưng chí làm trai như lời “nghiêm huấn” luôn được ông đặt trên. Vì thế, cuộc chia tay để đi vào chốn quan trường đối với chàng thanh niên Phan Thanh Giản không phải là điều dễ dàng. Kết thúc bài thơ, ông viết:

“Du du xuất môn khứ,

Lâm thâm dạ sắc vi.

Gia cận bất khả kiến,

Thế lệ triêm thường y”.

(Tạm dịch: lòng buồn rười rượi khi bước ra khỏi nhà, rừng sâu đêm tối mờ mờ, nhà gần mà không thể nhìn thấy, nước mắt dầm dề khăn áo).

Hai bài thơ trước khi ông đi làm quan đủ để nói lên nhân cách, đạo đức căn bản mà ông đã tiếp thu được từ nền tảng giáo dục trọng đạo lý của gia đình.

Khu mộ cụ Phan Thanh Giản ở quê nhà Ba Tri (Bến Tre). 

Trên bước đường công danh, nói tới Phan Thanh Giản, người đời thường đề cập tới hai khía cạnh: một vị quan đạo đức, chính trực - liêm khiết, thương dân, nhưng cuối đời vướng phải một bi kịch; một nho sĩ có tầm hiểu biết rộng và nhân cách lớn rất đỗi tự hào của đất Nam Kỳ.

Là một vị quan của triều đình phong kiến cuối thời, tuy ông đi làm quan xa gia đình và mặc dù triều đình phong kiến cho phép, nhưng ông không như những vị quan thông thường khác năm thê, bảy thiếp. Điều này nói lên một phẩm chất đạo đức đáng được ghi nhận ở ông. Hoàng Lại Giang viết về sự cảm nhận của Minh Mạng với Phan Thanh Giản như sau: “Minh Mạng im lặng. Tuy giận, nhưng xét cho cùng Phan Thanh Giản là người trong sáng và tâm đức. Chẳng thế mà y vừa lấy vợ được bảy ngày đã nhờ vợ về chăm sóc ông Phan Thanh Ngạn ở Vĩnh Long đang già yếu. Y thị thương chồng cưới cho y một con vợ, ra Huế lo sớm tối cho y, y lại từ chối cho về. Đấy đúng là quân tử sỉ kì ngôn nhi quá kì hành” (Hoàng Lại Giang - “Phan Thanh Giản nỗi đau trăm năm”).

Phan Thanh Giản đi làm quan, nhưng ông luôn ở một tâm trạng đầy mâu thuẫn. Đó là hoài bão công danh sự nghiệp của kẻ làm trai đối lập với chốn quan trường xu nịnh, tham lam, giả dối cộng với ước muốn dân dã, bình dị của một thanh niên quen sống ở chốn quê mùa. Tâm trạng này của Phan Thanh Giản được ghi lại qua nhiều bài thơ của ông. Trong bài “Mạch liễu”, ông viết:

“Khâu viên quy bạn

Đào Bành Trạch,

Khẳng trục trần ai lão mạch đầu”.

(Tạm dịch: Muốn quay về vườn gò làm bạn với Đào Uyên Minh, để có thể tẩy sạch bụi trần trên khăn đầu già).

Hay trong bài “Vãn độ ngâm”, ông nói về nỗi nhớ quê nhà, đất phương Nam của ông:

“Cử mục thanh sơn minh.

Hồi đầu tứ lí đao.

Hốt phùng Nam khứ hạc,

Mang thủ bất thăng chiêu”.

(Tạm dịch: Ngẩng lên thấy núi xanh, quay đầu lại nhìn thì quê hương xa khuất, bỗng gặp chim hạc bay về phương Nam, vội vàng đưa tay vẫy mãi không thôi).

Ở bài “Sơ hạ”, Phan Thanh Giản lại thổ lộ nỗi lòng của người đi xa:

“Gia mộng thiên đồng viễn

Ki hoài nhật cộng trường.

Tương tu kinh để khách,

Phong tiện mạn hoàn lương”.

(Tạm dịch: Mơ quê nhà xa diệu vợi, buồn nơi đất khách dằng dặc ngày dài, khách kinh thành hẹn đợi nhau, gặp dịp tiện sẽ về quê).

Có lẽ vì tâm sự này được gửi gắm qua nhiều bài thơ của Phan Thanh Giản, mà Hoàng Lại Giang tái tạo lại tâm trạng của Phan Thanh Giản khi ông trò chuyện với ông trùm Đức như sau: “Ta muốn về trở lại đồng quê, sống với cây cỏ chim muông, cạnh cha già để sớm hôm hầu hạ, cạnh bạn ta Lê Bích Ngô, Phan Dĩ Thử hàn huyên tâm sự, xướng họa văn thơ còn hơn là tham gia triều chính, thấy điều phải không dám theo, thấy điều trái không dám can thì chỉ có nặng thêm tội” (Sđd).

Phan Thanh Giản là vị quan thanh liêm chính trực, vị quan biết chăm lo cho dân. Điều này chắc không ai nghi ngờ gì ở tấm lòng son của ông. Vì dân, trong đời làm quan, ông đã nhiều lần đứng ra can gián vua và ông cũng đã từng bị mất chức vì việc này. Chỉ cần nêu ra đây vài sự kiện để minh định cho tấm lòng liêm chính của ông.

Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, ông được cử đi sứ Trung Quốc, vua quan nhà Thanh ban cho ông nhiều tặng vật, ông cũng liệt kê đầy đủ trong sổ trình vua. Khi vua cho ông vật gì, ông mới dám nhận lãnh làm của riêng.

Năm 1835, trước khi đi Trấn Tây, ông viết thư cho cha mình như sau: “Con mắc lo việc nước, lâu ngày nhớ cha. Con kính xin cha lên Vĩnh Long chơi, đợi lúc con đi Trấn Tây về con sẽ ghé Vĩnh Long lạy mừng cha. Hiện giờ con phụng mạng vua lo việc nước, không dám quanh đường ghé tắt để viếng thăm nhà được” (Sđd).

Năm 1836, trong bức sớ can vua Minh Mạng ngự giá Quảng Nam, ông viết: “Hạ thần là kẻ giữ đất, chăn dân, gội đức vua, không làm cho dân được hạnh phúc, thật là có tội. Kẻ hạ thần thấy rằng: từ khi bệ hạ lên ngôi đến nay, mỗi việc đều lấy đức dạy dân nên kẻ hạ thần xin bệ hạ đình chỉ ngự giá đợi đến trời đất khí hòa, mùa được dân no. Xin bệ hạ thẩm xét” (Sđd).

Năm 1843, năm Thiệu Trị thứ 3, Phan Thanh Giản lại dâng bài sớ khéo léo chỉ trích vua, đồng thời đề nghị biện pháp sửa đổi nền hành chánh địa phương. Ông viết về tệ nạn của quan lại địa phương: “Lại còn một số quan lại không tốt, nhân lúc quốc gia hữu sự cho là dịp may. Những vụ giấy tờ bẩm báo, cùng là bắt lính đòi xâu, chẳng một việc gì chúng không tạ sự sách nhiễu hoặc làm khó dễ. Cái thói xấu này ở xứ Nam Kỳ là thậm tệ nhứt. Về dân xứ này sợ quan như cọp, nha lại mặc sức thay trắng đổi đen...”. Ông đề nghị vua xin xuống một đạo dụ nói rõ: “... Bên trong thì các đại thần ngôn quan. Địa phương bên ngoài thì các viên chức lớn phải nên đem hết trí nghĩ ra và mối chân tình trung quân ái quốc, đối với các điều lợi hại về đời sống của dân, không kể lớn nhỏ, không cần kiêng nể, đều phải bày tỏ không nên giấu giếm” (Sđd).

*

* *

Rõ ràng Phan Thanh Giản làm quan không vì chức tước, bổng lộc mà vì một nỗi “ái quốc, thương dân”, ông luôn canh cánh bên lòng: “Lo nỗi nước kia cơn phiến biến. Thương bề dân nọ cuộc giao chinh”. Những hành xử của ông trên con đường làm quan đủ để nói lên những phẩm chất đáng kính trọng ở ông. Bởi đó, suy xét như ông Nguyễn Văn Châu, nguyên thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, trong bài “Bến Tre với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” quả là thấu lý, đạt tình: “Làm quan như Phan Thanh Giản mà cuộc sống nhà cây, vách lá, phên tre, không hầu thiếp, không của cải riêng tư, xưa nay có mấy người được như thế” (Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản).

Đời làm quan của Phan Thanh Giản, từ năm 1826 đến năm 1867, trải qua nhiều thăng trầm: ông đã bị vua thăng chức và giáng chức nhiều lần. Từ vị trí khởi đầu “chánh thất phẩm” (1826), một năm sau ông được thăng 3 cấp quan lên hàng “chánh tứ phẩm” (1827), hai năm sau lên “chánh tam phẩm” (1829), rồi được thăng “tòng nhị phẩm” (1831).

Năm 1831, ông lại bị giáng xuống cấp quan gần nhỏ nhất “chánh cửu phẩm” (1831), vì vốn là một quan văn mà phải lãnh lệnh cầm quân đánh giặc nên ông đã thua trận. Ông đã phải phấn đấu làm lại từ đầu và năm sau ông được thăng chức “tòng thất phẩm” (1832), rồi từ “tòng thất phẩm”, một năm sau, ông lại được thăng “chánh tứ phẩm” (1833), “chánh tam phẩm” (1834) và một năm sau, ông đạt được chức vị cũ là “tòng nhị phẩm” (1835).

Rồi ông bị giáng chức lần hai, một năm sau đó xuống hàng “chánh lục phẩm” (1836), vì vụ dâng sớ ngăn vua ngự giá Quảng Nam để tránh sự khốn khổ cho dân nghèo. Cũng trong năm đó, vua xét lại tính cương trực ở ông nên cho thăng chức “chánh tam phẩm” (1836).

Nhưng hai năm sau, ông lại bị giáng chức lần ba xuống hàng “chánh tứ phẩm” (1838), vì quên đóng ấn một chương sớ. Một năm sau, ông lại được phục chức “chánh tam phẩm” (1839).

Cũng năm đó, ông lại bị giáng lần bốn, xuống một cấp “tòng tam phẩm” (1839), vì vụ án Vương Hữu Quang, vua ngờ rằng ông biện minh giảm nhẹ tội cho người đồng hương.

Tiếp năm sau, ông lại bị giáng cấp lần năm, xuống “chánh tứ phẩm” (1840), vì vụ bài thơ điệp vận “Mai trúc tùng”. Hai năm sau, ông được thăng lại chức quan cao mà ông đã từng nắm giữ “tòng nhị phẩm” (1842).

Năm năm sau, ông được thăng chức “chánh nhị phẩm” (1847), rồi lên chức “tòng nhất phẩm” (1853). Chỉ còn một chức quan “chánh nhất phẩm” nữa là tới tột đỉnh của các phẩm quan. Nhưng năm 1862 ông bị cách lưu, vì vụ thương lượng chuộc ba tỉnh miền Đông bị thất bại, một công việc thất bại tất yếu mà cả triều đình phong kiến lúc bấy giờ, kể cả Tự Đức, cũng không ai làm được, huống gì một Phan Thanh Giản.

Sau năm đó, vào năm 1865, Phan Thanh Giản biết mình tuổi già, sức yếu đã xin vua cho về hưu, nhưng bị từ chối. Năm 1866, ông lại xin từ chức một lần nữa vì bệnh tật, nhưng cũng bị từ chối và còn bị vua khiển trách, yêu cầu ông hoàn thành sứ mệnh lấy lại mấy tỉnh Nam Kỳ. Đến năm 1867, quân đội Pháp chiếm đóng nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, biết không thể làm gì hơn và để tránh một cuộc đổ máu vô ích của dân, Phan Thanh Giản ra lệnh cho các quân đội dưới quyền ông đầu hàng. Đây cũng là điểm mốc bi kịch của cuộc đời ông và là cái cớ hết sức phi lý mà Tự Đức và những người chủ chiến kết tội ông.

Nếu nói công bằng, chính Tự Đức chẳng những không thấy trách nhiệm “chăn dân” của mình là đã đẩy ông đến chỗ chết, (ông đã tuẫn tiết ngày 1- 8- 1867, sau 17 ngày nhịn ăn, để tự xử việc làm của mình), mà còn đổ vấy mọi trách nhiệm lịch sử lên đầu Phan Thanh Giản, bằng cách “truy tước” mọi phẩm hàm của ông và còn lạm quyền “đục bia tiến sĩ” của ông, để rồi ông phải mang thêm tội “bán nước” mà cho đến tận ngày nay, không phải ai cũng hiểu cho ông. Đúng là một đánh giá lịch sử bất công dành cho Phan Thanh Giản.

Triều đình Đồng Khánh năm thứ I, tức 19 năm sau khi ông mất, 18 năm sau khi ông bị tước phẩm hàm, xóa tên trên bia tiến sĩ, đã trả lại công bằng lịch sử cho ông. Nhân dân các tỉnh Nam Bộ đã tôn thờ ông, dựng tượng ông. Những năm 60 của thế kỷ XX, ông lại bị một số người đánh giá không tốt về ông, để đến bây giờ, ở đầu thế kỷ XXI, ông được đánh giá lại một lần nữa và xóa cho ông oan tội “bán nước”.

Có lẽ, cái “số trời” đã đặt để nơi ông nhiều bi kịch, nói như Cao Tự Thanh “cái số phận nhiều cay đắng mà ít vinh quang” là rất đúng và cũng đúng như nhận định của anh dưới đây về ông: “Là một nhân vật lịch sử có số phận khác thường, Phan Thanh Giản đã chết bốn lần. Lần thứ nhất là Phan uống thuốc độc tự tử. Lần thứ hai, Phan bị thực dân ám sát khi khen ông sáng suốt không chống lại Pháp. Lần thứ ba, Phan bị triều đình Tự Đức bức tử với bản án “truy đoạt tất cả chức hàm, đục tên trong bia Tiến sĩ, giữ mãi cái án trảm giam hậu”. Lần thứ tư là vào thời gian 1960 - 1963, khi chúng ta hạ quyết tâm dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, và nền sử học rời khỏi con đường dài phục vụ cách mạng mà đi vào con đường tắt phục vụ chính trị đương thời đã xử tử ông (cũng như phê phán những người yêu nước không dùng bạo lực như Phan Chu Trinh), gây ra một công án đau lòng khiến những trí thức đương thời như Ca Văn Thỉnh day dứt và các chính khách như Võ Văn Kiệt hiện nay trăn trở...” (Sđd).

Nhưng phải thấy rằng, nhân dân chưa bao giờ đánh giá Phan Thanh Giản “tệ hại”. Tôi rất đồng tình với nhận định của Nguyễn Văn Châu về Phan Thanh Giản như sau: “... Người Bến Tre - quê hương của Phan Thanh Giản từ trước đến nay vẫn kính trọng nhân cách, đức độ và tiết tháo của người “học trò già” sinh ra và chôn xác dưới Gãnh Mù U, không ai xúc phạm đến ông, không coi ông là một kẻ phản bội, đầu hàng hay bán nước...” (Sđd).

Nguyễn Đình Chiểu được xem là ngọn cờ đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ thời bấy giờ đã khóc thương khi hay tin Phan Thanh Giản mất. Nhà thơ mù đất Bến Tre bằng ngòi bút “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” luôn có con mắt sáng khi nhìn sự việc: ông đánh giá sự hy sinh của nghĩa binh Cần Giuộc đánh đồn, cũng như khi ông làm 2 bài thơ điếu Phan Thanh Giản với lời lẽ thắm thiết nghĩa tình: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc, Trời đất từ đây mặc gió thu”. Hay: “Lịch sử tam triều độc khiết thân. Vi quân thùy tán nhứt phương dân” (Trải việc ba triều trọn sạch thân, Không ông ai đỡ một phương dân). Và trong bài “Lục tỉnh sĩ dân trận vong”, Nguyễn Đình Chiểu còn một câu đánh giá Phan Thanh Giản, bên cạnh câu đánh giá Trương Định như sau: “Phải trời cho mượn cán thương phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh; Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. Một con người như thế, làm sao có thể bán nước được. Rõ ràng ngòi bút của nhà thơ yêu nước nổi tiếng Bến Tre không hề có một lời lẽ nào xúc phạm đến nhân cách Phan Thanh Giản. Đành rằng, sau khi Phan Thanh Giản mất có câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”; nhưng câu ấy căn cứ từ đâu, ai nói thì không rõ và tại sao ta cứ phải dựa vào câu khẩu hiệu thiếu căn cứ của những kẻ chủ chiến nào đó mà buộc ông tội bán nước.

Về vấn đề này, chúng tôi tin ý kiến của cố học giả Ca Văn Thỉnh trong bài “Các nhân vật cận đại tiêu biểu của Bến Tre” được dẫn qua tham luận của Nguyễn Văn Châu. Ca Văn Thỉnh viết: “Phê phán hành động của Phan Thanh Giản, nhóm Đông kinh nghĩa thục năm 1907 đã nhắc đến chi tiết Trương Định đề cờ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Theo chỗ tôi biết thì người kháng chiến đồng thời với Trương Định là Nguyễn Thông khi viết về truyện Trương Định không hề nói đến việc đề cờ này. Chúng ta tin tiểu sử của Trương Định do Nguyễn Thông viết thời Trương Định kháng Pháp cứu nước hay tin theo lời của nhóm Đông kinh nghĩa thục phát biểu nửa thế kỷ sau này?”. (“Kỷ yếu hội thảo khoa học về địa chí văn hóa Bến Tre năm 1985”, trang 71, bản đánh máy).

Và nếu có đi nữa thì người dân thường vẫn đặt ra câu hỏi như Nguyễn Văn Châu đã đặt ra: “Ông Phan mãi quốc để cầu vinh hay cầu lấy cái nhục và một chén thuốc độc để tự hủy cuộc đời mình? Người trí thức có ai làm thế không?”. Chúng tôi nghĩ rằng, người bình thường cũng không ai làm thế.

Nói như Minh Chi, khi đánh giá về ông: “... nhìn qua suốt cuộc đời của ông Phan, cho đến khi ông tuẫn tiết ngày 1- 8-1867, chúng ta khó có thể buộc tội họ Phan bán nước.

Bán nước là để vinh thân phì gia, hay là bán nước rồi sẽ tự tử chết?

Trong tất cả lòng tham của con người thì lòng tham sống sợ chết là mãnh liệt hơn cả. Phan Thanh Giản với sự tuẫn tiết, đã tỏ ra không ham sống, sợ chết; đã tỏ ra chiến thắng được mình, là một chiến thắng khó nhất:

“Dù tại bãi chiến trường

Thắng ngàn ngàn quân địch

Tự thắng mình tốt hơn,

Thật chiến thắng tối thượng”.

(Kinh pháp cú - Bản dịch Hòa thượng Thích Minh Châu)” (Sđd).

Anh bạn Nguyễn Phú Lộc, giảng viên Toán học Trường Đại học Cần Thơ có kể tôi nghe một cuộc “trao đổi” giữa anh với một trí thức Hà Nội nhân chuyến đi công tác trên chuyến tàu thống nhất Bắc Nam, về cái chết của Phan Thanh Giản theo quan điểm của anh. Anh so sánh về hai cái chết của một võ quan Hoàng Diệu và một văn quan Phan Thanh Giản. Anh cho rằng, cái chết nào cũng khó khăn, đáng kính. Với Hoàng Diệu, ông đã làm tròn vai của một vị tướng bằng cái chết của người giữ thành, hy sinh, rồi cũng phải mất thành. Nhưng xét cho cùng sự thất bại và cái chết này có phần dễ dàng hơn vì biết mình sắp đi vào chỗ bất tử; còn đối với Phan Thanh Giản, sự tránh đổ máu cho binh sĩ ở thời điểm lúc bấy giờ, bằng cách giao nộp thành trước, rồi tự chọn cho mình cái chết sau, không phải ở vào một thời điểm quyết liệt nữa; hơn nữa, cái chết của người quân tử không chắc thành danh thì quả khó khăn hơn và có phần nào vượt ra ngoài quy luật ứng xử thông thường của cuộc đời, nên tôi đánh giá cái chết của Phan Thanh Giản rất đáng kính nể. Tôi cho rằng, là vị quan đại thần từng trải 3 triều vua, học rộng, đi nhiều, có lẽ Phan Thanh Giản thừa hiểu cách giải quyết để đi trọn con đường trung nghĩa của một vị tướng như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu; nhưng ông không chọn cách giải quyết cuộc đời ông theo một công thức an toàn như thế mà lại chọn cách giải quyết có nhiều rủi ro hơn là dâng thành để một mình chịu chết. Sự tuẫn tiết của Phan Thanh Giản, phải nói là sự quyết định của một người rất yêu cuộc sống, có “đức hiếu sinh”. Chấp nhận cái chết chỉ riêng mình để nhiều người khác được sống. Đó chính là cái “dũng” của bậc hiền nhân mà không phải ai cũng làm được. Người đồng hành với anh Lộc đồng tình với anh mà tôi cũng tâm đắc nhận định ấy.

*

* *

Phan Thanh Giản được các tầng lớp trí thức và nhân dân ở các tỉnh Nam Bộ tỏ lòng kính trọng không phải vì ông là một vị quan to, mà vì ông là một nho sĩ mẫu mực hiếm có ở một thời kỳ phong kiến suy tàn.

Sự hiểu biết rộng của ông được thể hiện qua sự nghiệp sáng tác văn chương mà ông để lại cho hậu thế. Tác phẩm của ông gồm hai bộ phận: “Lương khê thi thảo” và “Lương khê văn thảo”. Tập “Lương khê thi thảo” có tất cả 18 quyển, khoảng 455 bài thơ. Tập “Lương khê văn thảo” có 3 quyển, khoảng 60 bài văn, với nhiều thể loại: biểu, sớ, kí, thư...

Qua tập “Lương khê thi thảo”, ta đã thấy ngay sự chân thành, trung thực của một con người công minh, chính trực, nhân nghĩa và giàu lòng yêu nước, thương dân.

Một số bài thơ được giới nghiên cứu nhắc đến nhiều, như: “Giao hành”, “Quá xuân thủy kiều”, “Thất phách tác”, “Thu nhật thư hoài”, “Mạch liễu”, “Vãn độ ngâm”, “Dã độ”, “Sơn hiểu”, “Thái”, “Thiên cư”, “Thanh minh”, “Quy đồ”, “Giã biệt”, “Mỹ An dạ phát”, “Ngưu Tân vãn phát”, “Đồng sào điểu ca”, “Khách cảm”, “Mỹ An thư cảm”, “Ký gia thư”, “Trừ tịch”, “Giang hứng”, “Nam Phố xuân mộ”, “Thu hiểu”, “Toái cầm thi khốc Lê Bích Ngô”, “Thu hoài”, “Thuật chinh”, “Độ quan”, “Sơ hạ”, “Hải thượng ngâm”, “Chu vọng Nam trung chư sơn”, “Trường cảnh dạ bạc”, “Ngẫu thành”, “Phát lục khẩu đường”, “Đăng Hoàng hạc lâu”, “Thụy khởi tức sự”, “Vọng đô đồ trung vãn diểu”, “Hạnh trang bảo vãn hứng”, “Độ hoài”, “Đằng Giang dạ bạc”, “Quảng Ngãi thư cảm”, “Lương”, “Ngẫu thành”, “Ai Quân nhi”, “Tuế Đán”, “Kí nội”, “Đi sứ sang Pháp”, “Việc nước không thành”...

Nội dung của các bài thơ thường xoay quanh chủ đề tình cảm của ông đối với thiên nhiên, làng xóm, con người. Qua đó nói lên tâm trạng của ông với quê hương, đất nước và tình yêu thương dân nghèo.

Tình yêu quê hương, đất nước trong “Lương khê thi thảo” là ơn vua, lộc nước. Lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng và cảm thấy ái ngại vì mình chưa làm được gì nhiều cho đất nước, quê hương. Tự thẹn mình chưa làm được gì cho quê nhà để quyết tâm tu dưỡng đạo đức, ấy cũng là lẽ sống của ông. Ông viết trong bài “Thu hoài” như sau:

“Lạm dữ thiên quan đồng ác trạch,

Dã vô thốn hiệu đáp hồng từ.

Hoàng Châu tuế vãn trường

ngâm vọng,

Đa phụ môn lư thiện dưỡng kì”.

(Tạm dịch: Trót dự ơn triều đình với bá quan, nghĩ chưa làm được gì để báo đáp, trên đất Hoàng Châu năm hết, ngâm nga đợi ngày về, thấy mình phụ tình của quê hương mà gắng sức trau dồi).

Trong bài “Trú trực”, ông lại băn khoăn lo về gánh nặng nợ nước, ơn vua mà nghĩ đến sự báo đáp. Ông viết:

“Quốc ân hà tự sùng thâm báo,

Độc ỷ nguy lan tọa tịch dương”.

(Tạm dịch: Ơn nước không biết làm thế nào đền đáp cho xứng, một mình ngồi dưới ánh chiều tà ngẫm nghĩ).

Hay trong bài “Đăng Bảo Định đồn”, ông lại viết:

“Ngọc Quan mạn đạo lao đầu bút,

Bạch thủ trường kham báo

quốc ân”.

(Tạm dịch: Dùng ngòi bút luận bàn đến việc ra biên ải, đầu bạc vẫn còn có thể báo đáp ơn nước).

Lòng yêu nước của ông lúc nào cũng gắn với tình thương yêu dân nghèo. Trong bài “Tòng quân”, ông nói về nổi khổ của dân hai huyện:

“Ai thử nhị huyện dân,

Hướng chuyển diệc lao lục.

Thu quý thuộc vũ lạo,

Sơn khê thậm du mạc”.

(Tạm dịch: Thương cho dân hai huyện, khổ cực vì vận lương, mùa thu thì mưa lũ, làng mạc cách trở vì khe suối, núi đồi).

Trong bài “Thanh Nghệ đạo trung”, ông nói về nỗi khổ của người dân xứ này và tấm lòng của ông khi nghĩ về họ:

“Mễ giá bình Thanh Nghệ,

Lưu dân thử quả quan.

Giai triều đình xích tử

Thùy nhẫn bất tương quan”.

(Tạm dịch: Giá lúa gạo ở Thanh Nghệ đã bằng nhau, dân lưu xứ là dân góa bụa, là con dân của triều đình, ai nỡ xem không liên quan đến mình).

Phan Thanh Giản rất quan tâm tới đời sống người dân trước nạn thiên tai khắc nghiệt. Có những đêm ông không ngủ được vì những điều trăn trở ấy. Trong bài “Thu dạ độc khởi”, ông viết:

“Bát nguyệt thượng viêm nhiệt,

Nam mẫu khát dư ba.

Tiết hậu tùy niên dị,

Tinh thần vận khí hòa.

Trung dạ chính độc khởi,

Kiều thủ vọng minh hà.

Vi vân động thiên tuế,

Hoàn khủng phong vũ đa”.

(Tạm dịch: Tháng tám trời còn nóng, ruộng đồng khô thiếu nước, thời tiết mỗi năm khác, lẽ tuần hoàn chuyển vận, giữa đêm một mình thức giấc, ngẩng đầu trông trời đất, thấy mây chuyển động khắp trời, lại sợ mưa to, gió lớn).

Đi làm quan xa gia đình, nên Phan Thanh Giản có rất nhiều bài thơ nói về nỗi nhớ làng xóm, gia đình. Làng quê nghèo của ông, với tên gọi “Gãnh Mù U” nghe quê mùa, nhưng hết sức thân thương đối với ông. Ông nhớ thương mái tranh nghèo còn đó một cha già mà ông không có điều kiện chăm sóc. Chẳng hạn, trong bài “Nam phố xuân mộ”, ông nói lên nỗi nhớ rất thắm thiết:

“Đông phong phiến thục khí

Bạch nhật dương triêu hi

Du nhiên khởi dao tứ.

Lộ viễn mạc trí chi.

Ngã gia tại hà xứ.

Mai dã thiên chi nhai,

Mao thứ lưỡng tam gian.

Tang thác ủng sài phi.

Cao đường hữu lão thân.

Ban ban mấn dục ti.

Bình sinh sự diễn du.

Hoàn gia năng kỷ thì”.

(Tạm dịch: Gió đông mang lại hơi quen, mặt trời gieo ánh sắc, lòng chợt buồn nhớ quê nhà, mà đường xa biết làm sao được. Nhà ta hiện ở chỗ nào, chốn quê xa tận chân trời, có vài gian nhà lá, được chống đỡ bằng những thanh củi gỗ, trong nhà, còn lại một cha già, mái tóc bạc trắng như tơ, lúc trẻ bận việc đi xa, không thường có dịp về thăm).

Quê hương gắn với giếng làng, con chim bay về núi, cảnh trâu bò sớm tối đi về, việc cấy cày cũng có lúc bận rộn, có lúc nhàn nhã..., ông nghĩ về những sinh hoạt ấy mà lắm lúc cũng muốn quay về cố hương. Trong bài “Chu vọng Nam trung chư sơn”, ông ghi lại tình cảnh này như sau:

“Hành khách tự hương tỉnh,

Phi điểu hoàn cố san.

Ngưu dương diệc hạ lai,

Xuất vân hữu quy hoàn.

Du tử diệc hà tâm,

Cửu nại vi đình hoan.

Nam trung ngũ lục nguyệt,

Canh giá do vị nhàn”.

(Tạm dịch: Người đi nhớ giếng làng, chim bay về tổ ấm, trâu bò trở về chuồng, mây bay về chỗn cũ, còn ta nỡ lòng nào, lỗi đạo hầu mẹ cha, nhớ miền Nam vào tháng 5, tháng 6, vẫn còn cảnh nông nhàn).

Quê hương còn là mảnh đất thân yêu của ông, ông nhớ tới thành Nam, nhớ những nơi đã từng gắn với ông bao kỷ niệm thời niên thiếu, những nơi ông đã từng làm việc nhiều năm, trong những lần ông đi trấn nhậm chức quan... Trong bài “Đăng Quảng Bình thành lâu”, ông viết:

“Cố trai hương tứ cưỡng đăng lâu.

Vạn lý quan hà nhất vọng thâu.

Tá vấn nam thành hựu hà xứ.

Ngũ vân nồng lý thị Thần châu...”.

(Tạm dịch: Nặng tình làng xóm cũ mà cố bước lên lầu, nhìn cho hết cảnh núi sông, đó chẳng thành nam thì còn xứ nào nữa, mây ngũ sắc nồng thắm ấy là chốn kinh kỳ).

Có những lúc trên đường rong ruổi, ông cũng muốn trở về quê cũ, nhà xưa để tìm được sự hồn hậu thuở ban đầu. Trong bài “Hải Thượng ngâm”, ông viết:

“Khủng thử diệc ngẫu nhiên,

Hà tất cùng kỳ quỷ

Bất như quy tệ lư,

Ngã tâm hữu thái thủy”.

(Tạm dịch: Sợ điều ấy mất đi vẻ tự nhiên, cần gì phải nghĩ điều giả dối, không bằng ta trở về lều nát, lòng ta có được lại sự bình an buổi đầu).

Cuộc đời Phan Thanh Giản là cả một chuỗi ngày dài phấn đấu kiên trì, bền bỉ cho công việc vì nước, vì dân. Nhưng, có đôi khi ông cũng cảm thấy gánh nặng của công việc đè nặng lên tuổi tác ông, rồi tính chất phức tạp của thời cuộc không dễ gì giải quyết, khiến lòng ông không tránh khỏi một nỗi buồn tê tái, xót xa. Đọc bài “Việc nước không thành” với những ý mở đầu các câu thơ: “lăm...”, “đành cám...”, “cũng tưởng...”, “nào hay...” đủ để ta thấy sự chua xót dâng trào tận trong cõi lòng ông:

“Lăm trả ơn vua đền nợ nước

Đành cam gánh nặng ruổi

đường xa.

Lên ghềnh xuống thác thương

con trẻ,

Vượt biển trèo non cám phận già.

Cũng tưởng một lời an bốn cõi

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!”.

Nói chung, theo Hoàng Như Mai, “Thơ của Phan Thanh Giản là tiếng đoạn trường của một người công minh, chính trực, nhân nghĩa, yêu nước thương dân, nhưng ra làm quan trong thời kỳ đất nước rối ren, triều đình ngu hèn nên bị đẩy vào thế lưỡng nan, rút cuộc thành tội nhân của lịch sử” (Sđd).

Còn tập “Lương khê văn thảo”, nói lên tấm lòng, suy nghĩ của một vị quan lúc nào cũng nghĩ đến việc tận trung với vua, với nước; không ngừng nung nấu rèn giũa tài đức; luôn đứng về phía dân lành, quý trọng công cha, ơn thầy, nghĩa tình bè bạn; sẵn sàng bênh vực lẽ phải, công lý.

(Xem tiếp kỳ 2)

Chia sẻ bài viết