26/02/2011 - 21:20

Trước cơn "bão giá"

Phải chọn hướng kinh doanh phù hợp

Theo nhận định của các chuyên gia, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập khi giá đầu vào tăng, tỉ giá tăng, cùng với áp lực đầu ra của sản phẩm, cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) cùng ngành hàng… là những vấn đề buộc DN phải chọn xu hướng kinh doanh phù hợp.

Mặt bằng giá mới

Theo tính toán của lãnh đạo một DN trên địa bàn TP Cần Thơ, nếu trước ngày 11-2, DN vay 1USD chỉ chịu lãi suất 900- 1.000 đồng (kỳ hạn 3 tháng), còn hiện tại cộng với chênh lệch tỉ giá và lãi suất thì DN phải trả đến 1.800- 1.900 đồng/1USD. Do vậy, những DN phải mua USD trả lại cho ngân hàng, phải trả thêm một khoản chênh lệch rất lớn. Trong khi đó, mức lãi suất VND ở ngưỡng cao 18-20%, dù DN đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cũng không dám mạo hiểm vay vốn thời điểm này.

Sản xuất bao bì tại Công ty Lương thực Sông Hậu.  

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko (khu công nghiệp Trà Nóc), nói: “Tỷ giá tăng, DN xuất khẩu được lợi; giá điện tăng cũng có thể tiết giảm để đảm bảo cho sản xuất. Song, cái bất lợi là hiện nay giá cả các mặt hàng tăng theo tỉ giá, người lao động phải gánh thêm chi phí này, DN muốn giữ chân công nhân phải điều chỉnh mức lương phù hợp với tình hình mới. Năm 2011, quỹ lương của công ty có thể tăng trên 40%, công ty đang đàm phán với đối tác để tăng giá gia công khoảng 20%, bù đắp vào các khoản tăng giá”. Cũng theo ông Gia, công ty vừa tăng thêm 3 chuyền may (khoảng 200 công nhân), số lượng công nhân hiện có khoảng 2.000 người. Trước biến động giá cả đầu vào, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty trong năm 2011, nhưng công ty không sợ thiếu hợp đồng gia công, vì vẫn giữ vững thị trường truyền thống là Nhật Bản. Ông Gia cho rằng, để đảm bảo sản xuất, DN sẽ tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết, đồng thời có chính sách giữ chân công nhân lành nghề.

Tiết giảm chi phí, giữ vững kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011 là những phương án được DN ưu tiên hàng đầu để ứng phó với tăng giá. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (Khu công nghiệp Trà Nóc), cho biết: “Năm 2010, Công ty Lương thực Sông Hậu xuất trên 110.000 tấn gạo các loại (xuất khẩu trực tiếp và ủy thác), đạt kim ngạch trên 45 triệu USD. Năm 2011, công ty có kế hoạch xuất tăng 10-15% so với năm 2010. Việc điều chỉnh tỉ giá USD/VND làm cho giá tiến sát hơn với thị trường. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỉ giá làm cho giá thành sản xuất lúa, gạo tăng lên do phụ thuộc vào các vật tư nông nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hiện nay cao làm hạn chế khả năng thu mua tạm trữ của DN. Trong tình hình khó khăn này, công ty sẽ phấn đấu thu mua theo đúng tiến độ, đảm bảo lượng hàng hóa cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011”. Cùng với những ràng buộc trong kinh doanh lúa gạo theo Nghị định 109, thì giá cả đầu vào đang leo thang, tỉ giá tăng là thách thức rất lớn cho DN thuộc ngành hàng này.

Thắt chặt chi tiêu

Theo nhận định của các chuyên gia, các DN lớn có phân khúc thị trường ổn định, việc ứng phó với biến động thị trường sẽ thuận lợi DN vừa và nhỏ. Tỉ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo tỉ giá, DN gánh thêm chi phí, còn chịu áp lực giữ chân người lao động... Mặt bằng giá mới đang hình thành theo biến động của giá đầu vào. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thành phẩm là vấn đề buộc các DN phải cân nhắc. Phần lớn các DN phải nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh đều bị tác động rất lớn; tỉ giá tăng làm đội giá thành sản phẩm của DN từ 15-30%. Như trên lĩnh vực bao bì, các DN phải nhập khẩu hạt nhựa, việc điều chỉnh tỉ giá, cộng thêm các khoản phí khác tăng theo đã đội giá thành sản xuất lên trên 14% so với đầu năm 2011. Trong khi đó, thị phần của DN không thể mở rộng thêm, vì lãi suất ngân hàng ở mức cao từ năm 2010, nhiều DN hạn chế đầu tư mới, đổi mới công nghệ.

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí  Sông Hậu, TP Cần Thơ cho biết:

Những DN vừa và nhỏ nếu vay vốn phát triển sản xuất trong thời điểm hiện tại sẽ gặp khó do lãi suất cho vay đang ở mức cao. Giá đầu vào tăng,  DN phải nâng giá thành sản phẩm, nhưng với mức giá quá cao sản phẩm sẽ khó cạnh tranh được trên thị trường. Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cũng khó thực hiện. Năm 2011, Cơ khí sông Hậu dự định đầu tư thêm 1 giàn máy ly tâm cho phân xưởng đúc gang, kinh phí trên dưới 1 tỉ đồng. Hiện nay, đã đầu tư được 10% số linh kiện cần thiết, nhưng do lãi suất ngân hàng tăng cao, nếu đầu tư thì không có khả năng hoàn vốn nên DN không mạnh dạn đầu tư tiếp mà chỉ sản xuất bằng nguồn vốn tự có. Cơ khí Sông Hậu bên cạnh việc chọn cách nâng cao hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian và năng lượng sẽ phấn đấu tăng 10% sản lượng sản phẩm cơ khí làm ra so với năm 2010 để vượt qua cơn “bão giá”. 

     Minh Huyền (ghi)

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội với các địa phương trên cả nước ngày 24-2, lãnh đạo Chính phủ khẳng định, cán cân cung- cầu ngoại hối trên thị trường vẫn đảm bảo, tổng cung vẫn đang lớn hơn tổng cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực để ổn định tỉ giá, kiên quyết không thả nổi tỉ giá và yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước... phải nhanh chóng bán ngoại tệ cho ngân hàng để đưa ra thị trường, đảm bảo tính thanh khoản thị trường. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ chỉ đạo các chi nhánh trên toàn quốc xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá. Các địa phương cần phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động tài chính trên địa bàn, đặc biệt là ngoại hối, thị trường vàng.

Theo lãnh đạo một DN trên địa bàn TP Cần Thơ, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện ở mức 18-20%, thậm chí 22%. Mức lãi suất này là quá sức chịu đựng của DN, nếu hạch toán kinh doanh, cộng với lãi suất, mặt bằng giá mới thì hiệu quả kinh tế không cao. Mặc dù lãi suất cho vay đang đứng ở mức cao, nhưng nhằm kiềm chế lạm phát nên không thể giảm ngay được. Song, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ cũng tác động rất lớn đến sản xuất của DN, nhất là những DN cần vốn thời điểm này. Năm 2010, dư nợ cho vay của nền kinh tế cả nước tăng 26%, còn năm 2011 sẽ giảm dưới 16%, mức giảm khá lớn này thì điều kiện cho vay sẽ thắt chặt hơn. Điều này buộc các DN phải chọn hướng kinh doanh phù hợp trong tình hình mới.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết