Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là một bộ chỉ số đo lường khách quan về hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công tại địa phương dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền và trong sử dụng dịch vụ công. PAPI được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chú trọng tới sự tham gia của toàn xã hội vào việc giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách, coi ý kiến đánh giá đó là nguồn thông tin đầu vào hữu ích cho công tác hoạch định chính sách nhằm phản ánh những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân
|
Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ). |
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trao đổi chỉ số PAPI năm 2013 khu vực Tây Nam bộ, tại TP Cần Thơ. PAPI là sản phẩm đầu tiên của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Ban Dân chủ - Pháp luật và Trung tâm Công tác Lý luận thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP).
PAPI là một nghiên cứu trên quy mô lớn nhằm xây dựng những chỉ số đo lường dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân. Bắt đầu từ một nghiên cứu thí điểm ở 3 tỉnh/thành phố trong năm 2009, đến nay PAPI được xây dựng và thực hiện ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 5 năm qua, PAPI đã lắng nghe ý kiến đánh giá và phản ánh trải nghiệm của gần 50.000 người dân được chọn ngẫu nhiên về nhiều vấn đề liên quan đến kết quả của công tác quản trị và hành chính công ở địa phương. Những phát hiện, phân tích tổng hợp từ các chỉ số thành phần cho thấy một bức tranh khá toàn diện về đánh giá của người dân đối với hiệu quả công tác của các cấp chính quyền ở 6 trục nội dung (hay còn gọi là 6 lĩnh vực cụ thể của công tác quản trị và quản lý hành chính công tại địa phương), bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công.
Mặc dù, nghiên cứu PAPI mới được triển khai trên toàn quốc trong một thời gian ngắn, song Chỉ số PAPI đang từng bước trở thành một công cụ giám sát thực thi chính sách đáng tin cậy và có giá trị sử dụng. Bằng chứng là dữ liệu PAPI ngày càng được sử dụng rộng rãi, đem lại nhiều ý nghĩa chính sách và thực tiễn đáng ghi nhận. PAPI tìm hiểu thực tiễn đang diễn ra ở cấp độ tổng thể cũng như ở từng khía cạnh cụ thể của công tác quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Một địa phương có thể thực hiện tốt nội dung này, song lại cần cố gắng nhiều hơn ở nội dung khác. Từ công cụ biểu thị các chỉ số đo lường 6 lĩnh vực nghiên cứu của PAPI tại các tỉnh/thành phố đã khảo sát, chính quyền địa phương có thể theo dõi hiệu quả công tác quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công của mình. Theo ông Jairo Acuna - Alfaro, Cố vấn chính sách UNDP tại Việt Nam, những phát hiện từ khảo sát PAPI có giá trị tham khảo tốt cho các đại phương bởi chúng phản ánh những nỗ lực cải cách nhằm cải thiện chất lượng công tác quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công tại địa phương đó. Từ đánh giá của người dân, chính quyền địa phương có thể rà soát lại những kết quả và tồn tại của bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương; đồng thời, tìm kiếm các giải pháp thực tế nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại.
Theo chuyên gia chính sách UNDP tại Việt Nam, kết quả Chỉ số PAPI hàng năm trên phạm vi toàn quốc trong 3 năm (2011- 2013) cho thấy mức độ ổn định và nhất quán của bộ chỉ số, khẳng định tính khoa học và độ tin cậy cao của phương pháp thu thập dữ liệu và phương pháp chọn mẫu của chỉ số PAPI. Riêng năm 2013, số địa phương có những bước đi cụ thể trong việc cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nhằm tăng điểm Chỉ số PAPI đã tăng lên đáng kể so với năm 2011.
Ở TP Cần Thơ, theo kết quả được công bố, cho thấy, ở trục nội dung 4 (kiểm soát tham nhũng trong khu vực công) duy trì điểm số cao. Các chỉ số đạt mức trung bình cao là trục nội dung 1 (tham gia của người dân ở cấp cơ sở) và trục nội dung 2 (công khai, minh bạch). Riêng các trục nội dung còn lại (trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công) đang ở mức trung bình thấp.
Để nâng cao Chỉ số PAPI ở các trục nội dung có điểm số trung bình thấp, theo lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố, trong thời gian tới, thành phố đề ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của chỉ số PAPI. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, rà soát các tiêu chí thành phần của chỉ số PAPI năm 2013 của thành phố, qua đó xác định nguyên nhân những hạn chế, yếu kém để có kế hoạch khắc phục. Bên cạnh đó, người đứng đầu các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ số PAPI, đặc biệt là việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. UBND các cấp chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đi vào thực chất, đúng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải thiện hiệu quả hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư công cộng... Triển khai mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt các quy định vể tuyển dụng công chức, tăng cường công tác giải quyết các thủ tục hành chính; cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, an ninh, trật tự, môi trường...
Cải thiện Chỉ số PAPI cấp tỉnh là vấn đề rất quan trọng và lâu dài, cần sự tham gia vào cuộc thực sự với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, để người dân cảm nhận được chính quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân...
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG