04/10/2010 - 21:27

Ông Tám từ thiện

Ông Tám đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Dù cuộc sống gia đình chẳng dư giả mấy, nhưng hễ nghe bà con nào trong xóm chẳng may gặp khó khăn hay ốm đau, bệnh tật không tiền điều trị là ông sẵn lòng giúp đỡ. Đó là việc làm thầm lặng lâu nay của ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp Thới Trường 2, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Nghĩa cử cao đẹp của ông được nhiều người mến phục. Có lẽ vì vậy mà bà con lối xóm thân mật gọi ông là Ông Tám từ thiện…

* “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”!

Hỏi thăm người dân ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ đường vào nhà ông Nguyễn Văn Tâm, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thế nhưng, khi chúng tôi vừa nói: “Ông hay làm từ thiện, thường giúp đỡ những người chẳng may gặp khó khăn, hoạn nạn...” thì bà con sốt sắng cho biết: “Tưởng ai lạ, đó là “Ông Tám từ thiện”. Nhà của ông Tám nằm giữa đồng trống, đi dọc theo tuyến kinh Cây Sao”.

Từ trụ sở UBND xã Thới Xuân, rẽ trái rồi chạy trên tuyến lộ giao thông nông thôn, dọc theo con kinh Cây Sao, trên đường đến nhà ông Tám, chúng tôi được người dân ở đây kể nhiều về ông. Chỉ tay ra con đường mới vừa đổ đá bụi, anh Danh Xem cho biết: “Đoạn đường này, ông Tám mới vừa đổ đá bụi, để người dân trong xóm, nhất là các cháu học sinh nhỏ đi lại được thuận tiện, dễ dàng”. Anh Danh Xem dắt chúng tôi đi ra phía sau nhà chỉ cho coi chiếc ghe tam bản, là món quà mà ông Tám đã dành tặng cho bà con nghèo ở đây làm phương tiện mưu sinh trong mùa nước nổi năm ngoái. Anh Danh Xem cho biết: “Mùa nước nổi năm ngoái, ông Tám cùng một số nhà hảo tâm khác đã mua 30 chiếc ghe tam bản cùng 3.000 mét lưới tặng cho 30 hộ dân nghèo trong xã. Nhờ vậy, bà con nghèo ở đây có thêm thu nhập mỗi khi mùa nước lũ tràn về. Giăng lưới bắt cá sau khi chừa đủ ăn, số còn lại mang ra chợ bán, mỗi ngày kiếm được khoảng 20.000 đến 30.000 đồng, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà. Nghĩa tình của ông Tám, chúng tôi rất cảm kích và hứa sẽ cố gắng lao động sản xuất giỏi để không phụ lòng ông và các nhà hảo tâm”.

Ông Lương Phát Đạt, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, cho biết: “Ông Nguyễn Văn Tâm là người tiên phong và thường hay làm từ thiện xã hội trên địa bàn. Ông không chỉ giúp nhiều cảnh đời vượt qua khó khăn, mà còn là người nhen nhóm ngọn lửa phong trào làm từ thiện xã hội ở địa phương. Chính vì vậy, ông được bà con địa phương tín nhiệm, nhất là những lúc huy động lực lượng đi làm các công tác xã hội như làm đường, bắc cầu... Nghĩa cử cao đẹp của ông đã đem lại niềm vui cho bà con nghèo, thể hiện đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân.

* Nghĩa tình của ông Tám

Không giống như những gì chúng tôi nghĩ, ông Tám ở trong một căn nhà nhỏ đơn sơ, mái lợp tôn, nền lót gạch tàu nằm thoi loi giữa 2 con kinh giao nhau. Người dân địa phương hay nói vui nhà ông Tám nằm ở cù lao, với bốn bề lộng gió, tạo nên cảm giác sảng khoái, dễ chịu cho những ai có dịp đặt chân đến đây. Tận mắt chứng kiến cuộc sống hàng ngày của ông, chúng tôi càng cảm phục hơn về nghĩa tình của ông đối với bà con nghèo...

Ngày trước, cuộc sống của vợ chồng ông cũng gian nan lắm. Vốn đông con, nhưng chẳng có ruộng vườn, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn. Làm lụng vất vả, nhưng cuộc sống vẫn túng trước hụt sau. Đến khi các con trưởng thành, cuộc sống của ông bà dần dà đỡ chật vật hơn trước. Với vốn kiến thức về một số bài thuốc nam chữa bệnh thông thường, ông thành lập tổ thuốc nam từ thiện, chữa bệnh cho bà con nghèo trong xóm. Sau đó, khoảng năm 2000, ông tham gia lớp học về y học cổ truyền và được cấp giấy chứng nhận. Kể từ đó, ông bắt đầu khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cho người dân địa phương.

Nơi ông khám chữa bệnh cho bà con là căn nhà lá rộng rãi, được bố trí thành 2 dãy (1 dãy là nơi để khám, chữa bệnh và dãy còn lại là dành để thân nhân người bệnh nấu thuốc và ăn uống). Tuy không khang trang, nhưng cũng khá tươm tất và ngăn nắp. Rảo bước xung quanh khu vực này, chúng tôi gặp chị Trần Thị Út (ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), mắc chứng bệnh viêm đa khớp, thần kinh, đã chạy chữa nhiều nơi, nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm. Cách đây vài hôm, chị Út được người thân đưa đến nhà ông Tám để châm cứu, hốt thuốc uống. Chị Trần Thị Ánh, chị của chị Út, cho biết: “Sau thời gian châm cứu, điều trị ở đây, tôi thấy sức khỏe của Út có phần đỡ hơn trước. Đến nay, Út có thể tự tay múc cơm ăn, nhưng vẫn chưa thể tự đi lại được”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trung bình mỗi ngày ông Tám khám, châm cứu cho khoảng hơn 20 lượt người (đa phần là bệnh nhức khớp, đau thần kinh tọa...). Tất cả từ khâu khám đến điều trị bệnh đều miễn phí. Chị Phan Thị Hạnh, nhà ở TP Hồ Chí Minh bị nhức khớp, sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh giảm nhiều. Chị Hạnh cho biết: “Ông Tám điều trị bệnh rất mát tay. Đa phần, các bệnh nhân đến đây đều đau nhức xương, khớp, thần kinh... Sau khoảng 1 tuần điều trị, bệnh tình của tôi đã khá hơn trước. Ông Tám trị bệnh không lấy tiền, nhưng hộ nào có điều kiện thì gởi lại chút tiền giúp ông làm chi phí mua thuốc thang lo cho những hộ khó khăn hơn”.

Năm nay, ông Tám đã bước sang tuổi 80, nhưng da dẻ vẫn hồng hào và khỏe mạnh. Mỗi ngày, ông Tám dậy từ rất sớm. Ngày ba lượt thăm khám và châm cứu cho bệnh nhân, nhưng trên gương mặt ông lúc nào cũng nở nụ cười hiền, như người cha, người ông đang chăm sóc cho con, cháu trong nhà. Không chỉ vậy, khi rảnh rỗi, ông còn dành thời gian tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội ở địa phương. Trong nhiều năm qua, ông cùng Hội Chữ thập đỏ xã, huyện vận động, quyên góp giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhà chữ thập đỏ, hỗ trợ quà Tết cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; tặng quà, tiền cho các cụ ở Nhà Nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa thị trấn Cờ Đỏ; tặng xuồng, lưới cho dân nghèo trong mùa lũ. Từ năm 2005 đến nay, ông Tám đã vận động trên 250 triệu đồng, giúp cho 378 hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống... Trong nhiều năm tham gia công tác từ thiện, năm 2010, ông Tám vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ. Ông Tám chia sẻ: “Niềm vui nhất của tôi là làm được việc gì đó giúp ích cho người nghèo, chẳng may gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Nhìn bà con nghèo, tôi thấy thương, thấy nhớ về hoàn cảnh của mình hồi trước. Từ đó, tôi càng cảm thông và muốn san sẻ một phần khó khăn nào đó, giúp bà con nghèo có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống...”.

Ông Dương Văn Phước, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Ông Nguyễn Văn Tâm là một trong những nhà hảo tâm thường xuyên giúp đỡ, bảo trợ cho những cảnh đời khốn khó, nhất là những cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, không nơi nương tựa trên địa bàn. Tất cả việc làm của ông đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, không vì mục đích vụ lợi. Ông đã mở rộng vòng tay chở che, đùm bọc cho những cảnh đời chẳng may gặp khó khăn, bất hạnh trong đời. Tấm lòng của ông thật cao đẹp”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết