06/12/2023 - 20:05

Ông Putin thăm Trung Đông 

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-12 đã thực hiện chuyến công du hiếm hoi tới Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chuyến đi là một phần trong chuỗi các cuộc gặp ngoại giao của nhà lãnh đạo xứ bạch dương trong bối cảnh Mát-xcơ-va tìm cách tái khẳng định vai trò ở Trung Đông.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Thái tử  Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Nga có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Saudi Arabia và UAE, đồng thời là quốc gia đứng đầu các nước đối tác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+). 

Điện Kremlin cho biết, tại Saudi Arabia, ông Putin thảo luận về thương mại, chính trị quốc tế và viện trợ nhân đạo với Thái tử Mohammed bin Salman. Trong khi đó tại UAE, ông gặp người đồng cấp Mohamed bin Zayed Al Nahyan để đàm phán về thương mại, năng lượng, du lịch và giáo dục. Theo Điện Kremlin, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng nằm trong chương trình nghị sự của cả 2 cuộc gặp.

Chuyến thăm chớp nhoáng nói trên của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang cố gắng giành lấy sự ủng hộ của phương Tây trong cuộc chiến với Nga. Hôm 5-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky theo kế hoạch  có bài phát biểu trước Thượng viện Mỹ trong nỗ lực nhấn mạnh sự cấp bách của việc duy trì sự hỗ trợ về tài chính và quân sự của Washington nhưng đã bị hủy bỏ vào phút cuối.

Chuyến đi của Tổng thống Putin cũng diễn ra giữa lúc cuộc chiến Israel - Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo giới phân tích, cuộc xung đột này góp phần thúc đẩy các mục tiêu chính trị của ông Putin bằng cách hướng sự chú ý của các nhà lãnh đạo phương Tây khỏi cuộc chiến ở Ukraine. Mặc dù gọi cuộc tấn công hôm 7-10 của Hamas là hành động khủng bố nhưng ông Putin đều xem “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và “cuộc kháng chiến” này là đại diện cho cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của giới tinh hoa phương Tây.

Lâu nay, ông Putin xem cuộc tấn công của Hamas là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Mỹ, tố Washington tiến hành hòa giải một mình, bỏ qua vai trò truyền thống của “bộ tứ” gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga và Liên Hiệp Quốc, đồng thời cho rằng Mát-xcơ-va có thể đóng vai trò hòa giải nhờ mối quan hệ thân thiết với cả Israel và Palestine. Theo Hãng thông tấn Tass, ngày 26-10, một phái đoàn của Hamas đã đến Mát-xcơ-va để thảo luận các vấn đề liên quan đến việc trao đổi con tin người nước ngoài, trong đó có người Nga, mà nhóm này bắt giữ. Thông cáo từ Hamas cho biết, phái đoàn đến Nga gồm trưởng văn phòng quan hệ quốc tế của Hamas Musa Abu Marzouk, cựu lãnh đạo Cơ quan Y tế tại Dải Gaza Basem Naim và một số đại diện của nhóm này ở Mát-xcơ-va.

Nỗ lực của ông Putin nhằm tăng cường quan hệ với vùng Vịnh và các quốc gia Trung Đông khác là một phần trong chiến lược của ông nhằm chứng minh rằng sự cố gắng của phương Tây nhằm cô lập Mát-xcơ-va thông qua các lệnh trừng phạt đã thất bại. Kể từ sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ hồi tháng 3, cáo buộc ông phạm “các tội ác chiến tranh” tại Ukraine, ông Putin đã không có nhiều chuyến công du quốc tế. Do UAE và Saudi Arabia đều chưa ký hiệp ước thành lập ICC nên không liên quan đến lệnh bắt giữ vị nguyên thủ này.

Đáng chú ý,  ngay sau chuyến công du Saudi Arabia và UAE, Tổng thống Putin trở về Mát-xcơ-va để tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng khác trong khu vực. Dự kiến, lãnh đạo 2 nước sẽ thảo luận về hợp tác thương mại, kinh tế và chính trị, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà đặc biệt là tình hình ở Dải Gaza.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết