19/03/2008 - 11:37

Ông chủ "Vương quốc xương rồng"

Ở một huyện thuộc vùng tứ giác Long Xuyên có một ông chủ của “Vương quốc xương rồng” với hơn 1 triệu cá thể thuộc 2.500 loài có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng trân trọng là anh đã chuyển giao bộ sưu tập của mình về Vườn quốc gia Ba Vì và Khu du lịch Mũi Né (tỉnh Phan Thiết). Người ấy là nghệ nhân Phạm Phúc Giác, ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

* Đam mê loài hoa gai nhọn

Vừa đặt chân đến vườn xương rồng của anh Giác, chúng tôi như lọt vào chốn “bồng lai” với vẻ đẹp kiêu sa của loài hoa gai nhọn. Anh Giác cho biết, đây là vườn xương rồng thứ ba và cũng là vườn xương rồng thành công nhất. Chỉ trong vòng 8 tháng, khu vườn 2.000m2 đã được anh ươm đầy xương rồng, với 2.500 chủng loại đang vươn mình khoe sắc từng ngày, nhiều hình dáng kỳ lạ, trổ hoa muôn màu vạn nét.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà chuông điện thoại của anh Giác cứ reo liên tục. Anh nói: người bạn Thái Lan làm chung vườn khu du lịch Mũi Né điện hỏi thăm sức khỏe và bảo sớm thu xếp ra ngoài ấy làm. Anh Giác còn tâm sự, vườn quốc gia Ba Vì đã mời anh cộng sự suốt đời, họ đài thọ tất cả: nhà, phương tiện, việc làm của vợ và việc học của con, nhưng anh quyết từ chối. “Tôi đã chuyển giao bộ sưu tập xương rồng và kỹ thuật nuôi xương rồng cho những người quản lý vườn Ba Vì mà bản thân đã mài mò đúc kết hơn 20 năm qua. Và bấy nhiêu cũng đủ rồi!”.

 Anh Phạm Phúc Giác bên vườn xương rồng đang khoe sắc.

Được biết, khi khu vườn thứ hai vừa hoàn chỉnh một bộ sưu tập mà anh Giác tâm đắc thì ông Lê Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Hải Việt, đã đến mời anh chuyển giao bộ sưu tập này ra Khu du lịch Mũi Né. Họ thuê cả nhân công, lấy luôn đồ nghề và hợp đồng với anh làm việc một năm. Ở đó suốt một năm, ngoài việc chăm sóc vườn xương rồng, anh cùng các bạn người Pháp, Thái Lan đi thiết kế sân vườn và biệt thự ở TP Hồ Chí Minh theo sự phân công của công ty. Mãn hợp đồng, Công ty tiếp tục mời anh ở lại, nhưng anh quyết trở lại quê nhà làm bộ sưu tập với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Anh hy vọng được đặt bộ sưu tập này tại khu du lịch Núi Sam hoặc Lâm viên Núi Cấm quê hương An Giang của mình.

Lần này, anh Giác quyết tâm làm bộ sưu tập thứ ba thật độc đáo để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy huyền bí và mê hồn của loài cây hoang mạc này. Đưa quyển sách nói về cây xương rồng Việt Nam của anh cho chúng tôi tham khảo, anh Giác nói về những dự tính của mình: “Tôi sẽ mở phòng trưng bày cây cảnh tại Cái Dầu để thu hút đông đảo hội viên tham gia. Tại đây sẽ cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật trồng xương rồng, bon-sai và những kinh nghiệm nuôi xương rồng mà tôi đã tích lũy được bấy lâu, mở ra hướng làm ăn mới cho những người yêu xương rồng và những hộ dân không có việc làm”.

* Chinh phục gai rồng

Anh Phúc Giác bắt đầu “đeo đuổi” xương rồng trong một dịp tình cờ. Lúc đó, anh đang theo học lớp y tá tại TP Hồ Chí Minh. Trong một lần đến nhà người bạn thân chơi, thấy vài chục cây xương rồng, anh Phúc Giác thích lắm và thầm ước mình cũng có một vườn xương rồng như vậy. Và rồi, niềm đam mê xương rồng đã thành sự thật khi anh bắt tay vào việc.

Anh đọc báo, tìm xem có các mẫu xương rồng nào lạ xuất hiện, bằng mọi giá anh nhờ người thân, bạn bè hoặc lặn lội đến nơi mua cho được. Có khi anh đi khắp cả miền Trung, Đà Lạt và các tỉnh ĐBSCL tìm cho được những cây gai góc có trái như quả bóng, gai chỉa ra tua tủa đủ màu sắc, có cây sừng sững hiên ngang với nhiều gai, có cây lù xù trên đầu một lớp lông trắng mịn...

Có những lúc anh mang cây về trồng, tay bị gai đâm rớm máu và chứa đầy gai. Đã vậy, cây giống thường bị thối, những bông hoa chưa kịp nở đã lụi tàn, khiến anh phải đau đầu nghĩ suy. Theo anh Giác, trồng kiểng và chơi kiểng không khó nhưng sống được với cây kiểng thì rất khó. Anh tìm đọc sách báo viết về xương rồng, rồi quan sát, theo dõi, phân biệt và xác định các loài xương rồng. Anh tự tìm tòi nghiên cứu cách chăm sóc, nhân giống, lai ghép.

Bản tính kiên trì, nhẫn nại và chịu khó học hỏi đã sớm giúp anh Giác thành công. Thế rồi, niềm say mê xương rồng có gai của anh sớm lan nhanh ra những người bạn ở nước ngoài như Huỳnh Văn Hà đang định cư ở Úc và các anh em khác. Những người này giúp anh rất nhiều trong việc sưu tập các giống xương rồng không có ở Việt Nam. Có loại giống quý hiếm anh phải mua với giá hàng trăm đô-la để nhân giống. Đến khi thành công, anh còn trao đổi với những nghệ nhân khác trong nước chỉ với giá hơn 100.000 đồng/cây.

Hiện nay, mỗi ngày có không dưới 10 nghệ nhân và anh em yêu thích xương rồng lui tới hoặc điện thoại nhờ anh Giác tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Anh Giác còn lai ghép cây giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và thuộc như in về đặc tính, tên khoa học của từng loại xương rồng.

Bài, ảnh: PHỤNG TIÊN

Chia sẻ bài viết