Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
Dì Tư vội chạy về nhà dỡ cơm vào cái cà mên, gắp thêm mấy khứa cá kho bỏ vào ngăn trên, đậy lại, rồi đội nón lá đem ra trạm y tế xã. Ngoài trời râm, trạm xá chỉ có phòng bệnh cuối dãy có người. Y tá vừa tiêm thuốc cho má ban nãy. Trong lúc ngồi nhìn má thiu thiu ngủ, dì Tư thở dài nghĩ đến cảnh một thân một mình đơn độc lại đổ bệnh của má bây giờ. Rầu đứt ruột.
Mà mấy ngày trước má khỏe re chứ có cảm sốt hay xanh xao gì đâu. Chiều hôm qua má còn đứng dưới mé sông gọi vống qua nhà dì Tư, kêu dì Tư bơi xuồng qua ăn cơm với má cho đỡ buồn. Má ăn một mình, buồn, ăn cũng không vô. Cá má đem kho, mớ đậu đũa hái ngoài giồng má xào tỏi… rồi ngồi đó mà nhìn. Nhiều hôm má ăn cơm mà nước mắt chan chứa, giọt giọt theo nếp nhăn chảy vào môi má mặn chát, má cũng nuốt. Mỗi lần ngồi dưới cây cầu gie ra sông dưới tán cây bần nói chuyện với dì Tư, má nói chơi mà như căn dặn:
- Tao già rồi Tư, sống nay chết mai, mai mốt tao chết bây mượn người ta chôn tao chỗ bãi cỏ sau nhà rồi gọi điện cho con My hay nghen. Chứ đợi con My về thì lâu lắm, bày biện tốn kém...
Dì Tư gượng đánh trống lảng:
- Lo xa quá! Hai còn mạnh sân sẩn.
Nói thì có vẻ nhẹ nhàng vậy chứ má lo thiệt. Lo cho má chín chứ lo cho My tới mười. Lỡ mai mốt má chết thiệt, biết My về rồi sống làm sao?
Má trách dì Tư gọi cho My làm gì để con nhỏ gấp gáp mua vé máy bay về. Mấy ngày nay My điện về liên miên, nói rằng đang thu xếp để lập tức về với má. Nghe giọng má tuy mừng vui nhưng vẫn yếu ớt thì My khóc, nghĩ chắc sưng húp hai con mắt. Má có làm sao đâu, già cả thì bệnh hoạn rề rề, ai cũng vậy chứ đâu riêng gì má - má nghĩ vậy. Huống hồ má chỉ xây xẩm mặt mày trong buổi sáng quét lá mận rụng dưới gốc cây, may là má vịn kịp cái gốc cây mà ngồi xuống rồi ngất lịm dưới gốc. Bác sĩ nói sáng nay má mà té đột ngột, tai biến như chơi. Má rầu rĩ nói với dì Tư may là ông bà phù hộ, chứ tai biến một cái là khổ cho má và cả My. Mà má thì đâu muốn My khổ.
***
My là tất cả những gì má có.
Năm đó, má dắt My chạy trốn khỏi nhà chồng má. Lấy chồng hơn một năm thì má sanh con. Má chồng của má ngày đêm trông đợi đứa cháu trai để nối dõi tông đường. Đùng một cái má sinh con gái. Má chồng hụt hẫng dằn hắt rằng, có chuyện đẻ con trai má cũng làm không xong. Má cam chịu.
Má biết mình nhìn lầm người. Người đàn ông má rất mực yêu thương vì cớ gì mà không còn hiền lành như lúc theo đuổi má. Ngày nào ông ta cũng say rượu, khi say thì đánh má, trách má không biết đẻ con trai cho ba má ổng vui lòng, cho nhà cửa êm ấm. Má nói con nào cũng là con, má cũng thương, hổng lẽ ông không thương con mình. Ổng nói con gái là con người ta, với lại ba má ổng không thương thì nhà cửa sao yên. Câu nói cuối cùng má nghe được từ má chồng là: “Mày có đi đâu thì đi, tao cưới vợ mới cho con tao, thể nào cũng có cháu trai. Còn con My, dù sao nó cũng là cháu tao. Tao nuôi. Lớn tao gả nước ngoài. Mày về đây mình không thì lúc đi mày cũng phải đi mình không”. Lòng má đau như cắt. Ở đây My được ăn ngon mặc ấm, nhưng con má đâu phải món hàng mà chưa gì người ta đã định đoạt tương lai.
Đêm đó, má dẫn My băng tắt qua cánh đồng rời khỏi căn nhà đầy những định kiến độc địa, rời xa người chồng vũ phu chìm đắm rượu chè. Má quyết đi thiệt xa đến khi nào người nhà chồng không còn tìm được.
Con rạch này má đã sống từ ấy đến lúc My lớn lên và má dần già đi. Con sông chảy xuôi chứng kiến sự trưởng thành của My và ngậm ngùi trước năm tháng mỗi ngày chất chồng lên sức khỏe của má. Má dần nhận sông, nhận đất này là quê. Quê má đẹp lắm. Mùa sông cạn, chiếc xuồng dưới bến rướn một nửa lên bờ. Có mùa lục bình vây kín sông không chừa một khoảng trống nào, hoa tím nở đầy. Hồi My còn nhỏ, má và My hay ra sông tước lá lục bình non còn ôm ấp lấy thân về nấu canh, xào mỡ, hái bông chấm mắm kho. My thích sắc tím của bông lục bình. Con bé hay hái bông cài tóc hay ngồi bó gối trên cây cầu dưới tán bần ngắm hoa lục bình tím ngát chiều chiều, nghĩ mông lung những điều xa xôi lắm.
Má dang tay che chở cho cuộc đời của My, bởi vậy chưa lần nào My phải chịu khổ. Chỉ có My là chứng kiến cơ cực của má. Cơ cực của người đàn bà lỡ nhìn lầm người một lần là cả đời cô độc, một thân một mình che chở và bù đắp tất cả cho My, khước từ mọi hạnh phúc gõ cửa. My vẫn nhớ một buổi chiều có đám người cập xuồng dưới mé sông tìm má, nói là người nhà bên nội của My đến bắt con bé về, để giọt máu của dòng họ không bị trôi dạt nơi khác. Má xắn ống quần đứng trước cửa dang đôi tay gầy gò ra chắn ngang cửa, biểu: “Ai vô đây tao liều mạng”. Nhìn thấy cây dao phay dựng sát vách, má chụp lấy làm vũ khí phòng thân. Thấy má làm dữ quá, lại thêm dì Tư bơi xuồng qua la làng, làng xóm nghe tiếng cũng kéo tới bảo vệ mẹ con My, đám người bỏ cuộc, xuống xuồng giật máy chạy đi. Từ lần đó hai mẹ con không còn bị ai quấy rầy.
***
Tính toán thấy My sắp về tới, má biểu dì Tư:
- Bây bấm gọi con My coi tới đâu rồi Tư.
Bên kia vang lên giọng con gái má, nói rằng chắc chừng nửa tiếng là tới nhà. Má chợt nôn nao, bồn chồn quá đỗi. Má sắp gặp lại My sau ba năm không được trông nhìn, không được vuốt ve mái tóc, chỉ được nghe giọng nói qua điện thoại đường dài trong những lúc My nghỉ trưa hay ngồi ăn vội bữa cơm công nhân xứ người. Bữa cơm không có mấy món mắm chưng hay canh chua cá rô đồng mà con gái má thích…
Nhiều lần má định kêu My về đi, ở xứ mình mần bao nhiêu ăn bấy nhiêu, mà má con có nhau. Đi qua xứ khác, lạ nước lạ cái, lỡ nhức đầu, cảm sốt thì má làm sao mà sang chăm cho được. Má người nhà quê mà, con rạch này chắc gì má đã đi hết, huống chi là nước ngoài. Nhưng má ngập ngừng chưa nói ra thì My đã hiểu ý, nói ráng chút nữa tích cóp đủ tiền, My sẽ về quê cất lại cho má cái nhà. My muốn kiếm tiền để nhanh nhanh cho má được ở trong căn nhà tươm tất, được hưởng phước tuổi già. My chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ quê hương, nơi có má, có dì Tư, có những hàng xóm đã bảo vệ má con My ngày đó. My không bao giờ quên đất, sông cưu mang má con My giữa bão giông bất tận ngày xưa...
... Và My đã về đến bến sông. Về để ở bên má tuổi xế chiều. Má như ngọn đèn trước gió. My về để sưởi ấm gian nhà bấy lâu quạnh quẽ. Về để ngắm mùa bông lục bình tím ngát sông quê. Đã lâu rồi My mới được ngồi cùng má bên bờ sông ngắm con nước chảy. Mắt má ráo lệ từ khoảnh khắc My đặt chân lên mảnh đất quê hương. Sông chảy, đời trôi. Đời má là sông, đời My là sóng. Mà sông với sóng luôn quyện vào nhau, khó mà phân định, tách rời.