08/03/2019 - 07:31

Nữ sinh viên năng động 

Năng động, nhiệt huyết và sáng tạo là nhận xét của bạn bè khi nói về hai nữ sinh viên: Ðinh Trần Tú Uyên - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Ðại học Tây Ðô) và Hứa Trúc Nhi, sinh viên ngành Thú y (Trường Ðại học Cần Thơ). Hai “thủ lĩnh” sinh viên này còn khơi dậy nhiều hoạt động, phong trào thiết thực vì cộng đồng, tạo nhiều sân chơi bổ ích cho đoàn viên, hội viên học tập và rèn luyện kỹ năng sống.

Đinh Trần Tú Uyên (bìa phải) luôn gương mẫu trong các hoạt động vì cộng đồng. Ảnh nhân vật cung cấp

Ðảng viên gương mẫu

Đinh Trần Tú Uyên, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Tây Đô) được kết nạp Đảng vào tháng 8-2017, khi đang là sinh viên năm thứ 3. Đó là sự nỗ lực, phấn đấu rèn luyện của cô sinh viên vừa học giỏi, vừa đam mê các hoạt động Đoàn-Hội. Ngay từ năm thứ nhất đại học, Uyên đã tích cực tham gia các phong trào sinh viên, từ các hoạt động vệ sinh môi trường, vì an sinh xã hội đến hỗ trợ văn phòng Đoàn trường mảng công tác văn thư, phong trào. Đến học kỳ 2 năm học thứ nhất, cô đã trúng cử vào Ban Thường vụ Đoàn khoa Quản trị kinh doanh, rồi lần lượt giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn khoa (tháng 2-2017), Bí thư Đoàn khoa (từ tháng 4-2018 đến nay). Với vai trò “thủ lĩnh”, Uyên cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn khoa đề xuất nhiều hoạt động giúp sinh viên trau dồi kiến thức chuyên ngành, rèn luyện kỹ năng mềm.

Nổi bật là cuộc thi “Bản lĩnh CEO” được Đoàn khoa tổ chức hằng năm, nhằm tạo sân chơi cho sinh viên khối ngành kinh tế. Tham gia cuộc thi, sinh viên cập nhật kiến thức về kinh tế - xã hội đất nước, kiến thức về ngành học, đồng thời giúp bạn trẻ rèn kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. Các bạn trẻ còn được giao lưu với những doanh nhân thành đạt, từ đó truyền cảm hứng học tập, tinh thần lập thân, lập nghiệp cho bạn trẻ khi vào đời. Trong chương trình chào tân sinh viên, Đoàn khoa còn tư vấn, hướng dẫn các bạn tham gia các hoạt động Đoàn-Hội, tư vấn hướng nghiệp nhằm định hướng sinh viên xác định mục tiêu học tập đúng đắn, tránh sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Uyên chia sẻ, định kỳ hằng năm, Đoàn khoa còn tổ chức Hội diễn văn nghệ và Hội thao truyền thống nhằm tạo sân chơi lành mạnh, đồng thời giúp các sinh viên phát huy năng khiếu, sở trường để có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung vào đội tuyển của trường.

Các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Uyên luôn gương mẫu đi đầu và tích cưc vận động bạn bè tham gia. Tiêu biểu như phong trào “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, cô thường xuyên tham gia cùng Đoàn trường, Quận đoàn Cái Răng vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, vớt rác trên sông. Uyên còn hỗ trợ hướng dẫn tập huấn kỹ năng trong các lớp tập huấn cán bộ Đoàn-Hội do Thành đoàn - Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên TP Cần Thơ tổ chức. Uyên chia sẻ: “Công tác Đoàn-Hội không chỉ là niềm đam mê mà còn giúp em mở rộng mối quan hệ xã hội, dạn dĩ hơn trong giao tiếp, làm việc nhóm tốt hơn”. Bận rộn công tác Đoàn, nhưng cô không quên nhiệm vụ học tập. Uyên sắp xếp thời gian học tập và tham gia phong trào hợp lý, chú trọng tự học, tự nghiên cứu, nhờ vậy kết quả học tập của cô luôn đạt loại giỏi.

“Cây sáng kiến”

Hứa Trúc Nhi học được nhiều kỹ năng từ các hoạt động tình nguyện. Ảnh: Q.T

Hứa Trúc Nhi (dân tộc Khmer), sinh viên ngành Thú y, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội sinh viên Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Trường Đại học Cần Thơ, cũng là nữ sinh viên nhiệt huyết với phong trào sinh viên. Nhi được bạn bè ví von là “cây sáng kiến” bởi đã khơi dậy nhiều hoạt động ý nghĩa cho bà con nghèo ở quê hương. Là nữ sinh viên nên tham gia công tác Hội và phong trào sinh viên, Nhi gặp nhiều khó khăn bởi thường xuyên tham gia những hoạt động ở vùng sâu vùng xa... Bù lại, Nhi có thêm nhiều trải nghiệm thực tế bổ ích và ý nghĩa hơn là được góp sức trẻ cống hiến cho quê hương đất nước. Nhi cùng với Ban Chấp hành Chi hội đã phát động nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, như: Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” năm 2018, trong thời gian 1 tuần, Chi hội đã tổ chức ôn tập hè cho học sinh nghèo tại Trường Tiểu học Lai Hòa 3, thị xã Vĩnh Châu; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn, phát quang bụi rậm và hỗ trợ địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn…

Nhi kể, ở thị xã Vĩnh Châu có nhiều hộ gia đình người Khmer có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy, Nhi đề xuất chương trình “Vĩnh Châu - Xứ biển quê tôi”. Theo đó, Chi hội phát động hội viên thu gom vật liệu phế thải gây quỹ vì trẻ em nghèo. Mỗi đợt phát động khoảng 15 ngày (được tổ chức thành nhiều đợt trong năm), mỗi đợt thu được khoảng 1 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Chi hội mua dụng cụ học tập, đồng thời vận động nhà hảo tâm quyên góp quần áo, sách vở để tặng học sinh nghèo ở quê. Tuy giá trị những phần quà chưa thực sự nhiều nhưng chương trình tuyên truyền sinh viên bảo vệ môi trường và góp phần khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong sinh viên. Nhằm tiếp sức đến trường cho sinh viên đồng hương có hoàn cảnh khó khăn, đầu năm 2019, Nhi cùng với Ban Chấp hành Chi hội cũng đã giới thiệu cho 18 sinh viên nhận học bổng Lương Định Của (do Hội Khuyến học tỉnh vận động), mỗi suất trị giá 3 triệu đồng.

Trúc Nhi còn thường xuyên tổ chức các đợt thăm, tặng quà và tổ chức vui chơi cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc dioxin trên địa bàn TP Cần Thơ. Hay như vận động các bạn tham gia nhiều chương trình văn hóa văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc Khmer, như: chương trình “Dáng xuân” do Liên Chi hội sinh viên Sóc Trăng tổ chức, họp mặt vào các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer… Nhờ đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, Chi hội ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia. “Cha mẹ em trước khi nghỉ hưu đều là cán bộ, viên chức Nhà nước, vì vậy em cũng muốn tiếp bước truyền thống gia đình, mang kiến thức, sức trẻ làm nhiều việc hữu ích cho quê hương” - Trúc Nhi tâm sự.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết