18/06/2020 - 06:16

Nông dân mong giá phân bón được kéo giảm lâu dài 

So với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali… tại vùng ĐBSCL giảm ít nhất từ 20.000-50.000 đồng/bao 50kg. Giá phân bón giảm do sức tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu sản phẩm phân bón trong nước và nhập khẩu. Đặc biệt, gần đây sức tiêu thụ phân bón giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm, khiến giá nhiều loại nông sản bị giảm mạnh. Do vậy, nông dân hạn chế mua phân bón phục vụ sản xuất cây trồng. Ngoài ra, giá nhiều loại phân bón nhập khẩu và nguyên, nhiên liệu đầu vào (xăng, dầu...) phục vụ sản xuất phân bón cũng giảm, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón giảm giá...

Phân bón giảm giá

Phân bón được bày bán tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tùng Lâm ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai. 

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, giá nhiều loại Urê sản xuất trong nước (Urê Phú Mỹ, Urê Cà Mau, Urê Ninh Bình...) và nhiều loại Urê nhập khẩu từ các nước (Trung Quốc, Malaysia, Qatar...) ở mức 300.000-350.000 đồng/bao 50kg, trong khi năm trước có giá 350.000-390.000 đồng/bao. Hiện DAP Cà Mau, DAP Phú Mỹ, DAP Đình Vũ và nhiều DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ có giá từ 550.000-630.000 đồng/bao. Giá phân bón NPK 16-16-8 Việt Nhật ở mức 440.000-450.000 đồng/bao; nhiều loại NPK 20-20-15 có giá 590.000-600.000 đồng/bao. Phân bón Kali (Israel, Canada, Nga) có giá khoảng 360.000-380.000 đồng/bao...

Anh Nguyễn Văn Lý, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Lý ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới đang giảm mạnh. Do vậy, tới đây nhiều khả năng giá các loại phân bón trong nước còn giảm nếu các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu nguồn hàng giá rẻ về để phục vụ thị trường trong nước. Song, với tình hình sức mua phân bón tại nhiều nơi đang chậm, doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh cũng phải cân nhắc nhập hàng và chuẩn bị nguồn hàng vừa phải để đảm bảo tiêu thụ”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng,  dịch COVID-19 đã khiến nhiều loại nông sản như rau màu, trái cây... giảm giá mạnh, cộng với tình hình hạn mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất  tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong những tháng đầu năm, nông dân đã giảm nhu cầu mua phân bón. Riêng lúa gạo có giá đầu ra khá tốt nên nông dân trồng lúa vẫn duy trì mức tiêu thụ phân bón khá lớn trong vụ hè thu 2020. Tuy nhiên, vụ thu đông 2020, nhu cầu phân bón cho lúa chắc chắn giảm do diện tích trồng lúa giảm, nhất là những nơi không đảm bảo sản xuất lúa an toàn trong mùa lũ. Do vậy, cửa hàng bán lẻ phân bón phải tính toán đến phương án “mua hàng tới đâu, bán hết tới đó” chứ không dám dự trữ nhiều.

Đến ngày 10-6, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống lúa thu đông 2020 được 28.673ha, đạt 45% so với kế hoạch, tập trung tại các quận, huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ô Môn và Thới Lai. Để sản xuất thắng lợi vụ thu đông 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá thuốc trong thời gian dịch bệnh phát triển. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.  

Lo giá tăng trở lại

Nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL đã bắt đầu xuống giống gieo trồng lúa vụ thu đông 2020. Nhiều nông dân có nhu cầu mua phân bón để phục vụ sản xuất lúa. Theo đánh giá của nông dân, giá nhiều loại phân bón tuy giảm so với cùng kỳ nhưng nhìn chung vẫn còn cao, nhất là trong tình hình  thu nhập của phần đông nông dân trồng lúa vẫn còn rất thấp. Do thiếu vốn, đa phần nông dân trồng lúa cũng không có điều kiện trữ phân bón lúc giá rẻ hay mua phân bón bằng tiền mặt để có lợi về giá mà phải mua phân bón nợ tiền đến cuối vụ trả, với giá cao hơn.

Ông Cao Thanh Điền, ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi đã xuống giống gieo sạ 4 công lúa vụ thu đông 2020 được hơn 10 ngày tuổi và đã mua một đợt phân bón để bón cho lúa. Tôi thấy, giá các loại phân bón có giảm so cùng kỳ là điều đáng mừng. Song, phải nhìn nhận rằng giá nhiều loại phân bón như: DAP, NPK còn ở mức  trên 600.000 đồng/bao là khá cao. Ngoài ra, khi nông dân mua phân bón thiếu nợ đến cuối vụ trả, còn phải chịu thêm khoảng tiền chênh lệch trên mỗi bao phân bón từ 20.000-30.000 đồng. Nông dân rất mong giá được kéo giảm thêm và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với bà con trong sản xuất, tiêu thụ lúa và tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón thiếu nợ tiền không tính lãi suất như một số doanh nghiệp đã thực hiện trong các mô hình “cánh đồng lớn” hiện nay”. 

Không chỉ mong giá phân bón tiếp tục được kéo giảm, nông dân còn mong giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, điện và giá thuê các máy móc làm dịch vụ nông nghiệp cũng được giảm và giữ giá ổn định lâu dài. Ông Đỗ Văn Tam ở khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng, quận Ô Môn cho rằng, thời gian qua giá phân bón có giảm nhưng nông dân chưa được hưởng lợi nhiều vì phải mua phân bón qua nhiều trung gian và mua thiếu nên giá bị đội lên rất nhiều so với giá được các doanh nghiệp sản xuất và nhà nhập khẩu hàng công bố. Hơn nữa, giá phân bón cũng chưa ổn định, nông dân lo khi tới đây nhu cầu tăng, giá phân bón có thể tăng trở lại. Đáng chú ý, vừa qua giá xăng dầu trên thế giới và trong nước đã giảm rất mạnh, nhưng giá thuê nhiều loại máy móc làm dịch vụ nông nghiệp sử dụng nhiên liệu xăng dầu như: máy gặt đập liên hợp, máy làm đất... vẫn giữ giá như năm trước, chứ không giảm... làm cho nông dân càng gặp khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết