Truyện ngắn: HUYỀN VĂN
Chợ Tết mùa COVID-19 vắng tiếng rao hàng lanh lảnh, tiếng mời chào rôm rả, tiếng kèo nài trả giá. Bởi người bán đã gắn bảng giá lên sạp, người mua trả tiền và nhận hàng qua một cái rổ, kế bên cái rổ để chai cồn, nhận hàng xong rửa tay thật kỹ, rồi nhanh chóng đi chỗ khác.
Hôm nay đã ba mươi Tết, mặt trời sắp ngả về Tây mà khu chợ gần nhà tôi vẫn còn khá đông người. Tôi ghé vào chợ định mua vài nhánh bông vạn thọ và trái cây để sắp mâm ngũ quả. Chợt tôi thấy một bà cụ tần ngần đắn đo trước hàng thịt, rồi hỏi cô gái chủ hàng thịt: “Miếng này bán sao con?”. Cô gái nói: “Bà ơi, miếng đùi này mỡ hơi dầy nhe bà!”. Bà cụ gật đầu: “Ờ, bà thích ăn mỡ mà con”. Tôi dợm bước đi, nghe bà cụ nói vậy, tôi dừng lại. Cô gái cân miếng thịt, rồi nói: “Dạ miếng này hai ký yếu, con bán rẻ cho bà, vì mỡ nó hơi nhiều...”. Bà cụ móc trong túi áo ra một mớ tiền, vuốt ngay ngắn rồi nói: “Con cắt bớt thịt lại chút đi, bà còn thiếu hai chục ngàn mới mua được hết miếng này...”. Tôi nhìn bà rồi nói: “Bà ơi, con ở trong xóm của bà nè, để con trả giùm bà hai mươi ngàn, rồi có bà gửi con sau nhé”. Bà cụ nhìn tôi, khẩu trang che kín mặt, đôi mắt bà tỏ vẻ ngạc nhiên. Cô gái giục: “Lấy dùm con hết miếng này nha cụ ơi, để con bán nhanh, về ăn Tết...”. Tôi ra hiệu cô gái bỏ thịt vô bọc, trả tiền xong tôi chào bà cụ rồi vội vàng bước đi. Tôi đứng xa xa nhìn dáng lom khom của bà cụ mà mủi lòng nhớ đến má tôi.
|
Hồi nhỏ, mấy ngày gần Tết là má tôi lại tất bật, nhất là ngày ba mươi, lúc đó trời đã xế, thấy má xách giỏ đi chợ, tôi hỏi:
- Sao má không đi hồi sáng cho mát?
- Chiều ba mươi đồ mới rẻ con.
- Mà sao chiều ba mươi mới rẻ hả má?
- Chiều ba mươi người ta bán rẻ để dọn chợ. Chợ chiều ba mươi dành cho những người khó khăn như nhà mình. Còn người có tiền đã sắm sửa từ mấy ngày trước rồi.
Khi má về, khệ nệ một giỏ đồ đầy nhóc, mồ hôi nhễ nhại mà nét mặt lại hớn hở, má nói:
- Thịt heo rẻ quá trời quá đất luôn. Tết này tụi con ăn đã thèm luôn.
Tôi với mấy đứa em mừng quá trời quá đất.
- Má ơi, kho nước thiệt nhiều nhe má!
- Ờ, kho với nước dừa bỏ thêm chục hột vịt nữa.
Má vừa soạn đồ vừa nói, mặt của má đỏ bừng có lẽ do chen lấn ở chợ, nhưng má không than mệt, mà cười rất tươi. Tụi tôi sắp được ăn thịt nên cũng hớn hở.
Nhà tôi rước ông bà rất trễ, khi thắp nhang lên bàn thờ, má tôi lẩm nhẩm: “Cầu mong cửu huyền phò hộ cho con sang năm khá giả, để con rước ông bà sớm hơn”. Ðến khi dọn cơm ăn thì trời đã tối, bụng đói meo, mấy đứa em tôi ăn quyết liệt luôn, bé Ba, thằng Hưng, thằng Khánh và thằng Út giành nhau ăn thịt nạc, chừa mỡ lại. Tôi rầy: “Mấy đứa ăn thì ăn hết, chừa mỡ ai ăn”. Má nói: “Chừa mỡ má ăn con”.
Tôi hỏi má:
- Má ơi, mỡ ngán vậy, sao má ăn được?
- Ờ, tại má thích ăn mỡ kho rệu con.
Má ăn một hồi thì bị mắc nghẹn, má uống nước vô cái ực, rồi lựa mỡ ăn tiếp...
Hình ảnh của má ngày xưa cứ hiện về như vừa mới hôm qua. Bó bông vạn thọ trong tay tôi tỏa mùi hương thoang thoảng. Hồi đó má tôi nói, bông vạn thọ vừa rẻ vừa có ý nghĩa sống lâu trăm tuổi. Bó bông này tôi mua để chưng lên bàn thờ của má. Ước gì má tôi còn sống, để tôi kho thịt với nước dừa thiệt là ngon cho má ăn, má không cần phải ăn mỡ đến nỗi phải mắc nghẹn nữa.
Ðến ngã ba đường, bó bông bị tuột dây rớt xuống đường, tôi định khòm xuống thì ai đó kéo tôi lại, một chiếc xe hơi chạy qua mang theo tiếng còi inh ỏi. Tôi vừa định thần lại thì bà cụ lúc nãy đã lượm bó bông đưa cho tôi. Tôi xúc động:
- Con cảm ơn bà!
Bà cầm bọc thịt, miệng cười nhân từ:
- Bà biết con không ở trong xóm của bà, lúc nãy con nói vậy để bà nhận. Bà cảm ơn tấm lòng của con, về nhà bà sẽ kho với nước dừa thiệt ngon cho xấp nhỏ ăn.
- Dạ, nhưng bà có thích ăn mỡ thiệt không bà? - Tôi hỏi xong cũng xấu hổ vì thấy mình hơi vô duyên, nhưng có gì đó thôi thúc tôi buột miệng hỏi bà như vậy
- Ờ thì... thịt nạc để cho xấp nhỏ ăn. Mà... thịt nạc hay thịt mỡ gì bà cũng quý hết con à. Dịch bệnh vầy, cả nhà đông đủ ăn một cái Tết bình an là hạnh phúc lắm rồi.
Tôi cảm động nắm tay bà:
- Hồi xưa, má con cũng nói thích thịt mỡ, mà con tưởng thiệt, giờ nghĩ lại hối hận lắm bà ơi.
Bà cụ vỗ nhẹ bàn tay tôi:
- Có gì mà hối hận, người mẹ nào cũng hy sinh cho con mà. Con tốt bụng lắm, má con sẽ phò hộ cho con được an lành. Thôi bà về đây, xe đông lắm, con đi cẩn thận.
Vừa lúc đó tôi có cuộc gọi điện thoại. Khi tôi quay lại, thì bóng của bà đã lẫn trong đám đông. Tôi ôm bó bông vạn thọ hối hả đi về hướng của bà.
Nắng chiều bỗng lóe lên, trong ánh sáng ấy, tôi thấy dường như má tôi vẫn đâu đây nói cười vui vẻ với chúng tôi bên nồi thịt kho ba mươi Tết...