02/11/2015 - 10:37

Nỗi niềm khán giả sân Cần Thơ

LTS: Nhiều năm qua, các trận đấu bóng đá trên sân Cần Thơ không thu hút được đông đảo khán giả đến xem. Năm 2015, đội bóng XSKT Cần Thơ lên chơi hạng V.League được chờ đợi sẽ tạo sinh khí mới cho sân bóng có sức chứa hơn 40.000 người. Tuy nhiên, ngoại trừ trận đấu với Hoàng Anh Gia Lai có lượng khán giả ngồi kín khán đài A và B, các trận còn lại đều thưa thớt người, mênh mông ghế trống. Báo Cần Thơ giới thiệu bài viết của một cổ động viên gắn bó nhiều năm với bóng đá Cần Thơ, nêu lên một số vấn đề để những người làm bóng đá suy ngẫm.

Ngồi cạnh tôi hôm đi xem giải bóng đá truyền thống Cần Thơ là một vị khán giả lớn tuổi rất hào hứng kể vanh vách về các đội bóng, về cầu thủ các đội. Nhưng khi tôi hỏi về đội XSKT Cần Thơ, ông đáp: "Lúc trước chú cũng hay chạy xuống coi, nhưng năm nay chán lắm con ơi. Coi mấy trận, ôm cục tức theo về, coi chi nữa". Câu trả lời của ông làm tôi nhớ đến khán đài thưa thớt mỗi khi đội XSKT Cần Thơ thi đấu trên sân nhà tại V.League 2015.

Trước đây Cần Thơ không phải là một đội bóng ăn khách nhưng vẫn có lượng khán giả riêng. Họ đến sân để xem bóng đá theo kiểu bình dân, hiểu được trình độ và vị trí phù hợp đối với đội bóng, thông cảm và yêu một cách vô điều kiện đội bóng quê mình, dù đội không có ngôi sao. Đội bóng khi đó gần như chỉ có cầu thủ của địa phương và khá đông khán giả đến sân ủng hộ "gà nhà". Đó cũng là lý do nhiều mùa bóng, đội đặt chỉ tiêu lên hạng rồi thất bại nhưng khán giả vẫn không quay lưng bởi… "giận thì giận mà thương thì thương."

Khán giả trung thành trên sân Cần Thơ trong một trận đấu chiều mưa tại V.League 2015 và khán giả đông đúc đến xem giải đấu phong trào ở Thốt Nốt.

Nhưng khi lên chơi V.League, có những trận đấu của đội Cần Thơ trên sân nhà mà không có lấy một cầu thủ người Cần Thơ. Đội bóng ít nhiều mất đi một lượng khán giả kiểu gia đình vì khán giả đã mất lý do đến sân để coi "thằng con anh Bảy kế nhà, thằng cháu bà Năm đầu hẻm, hay thằng X người huyện mình" thi đấu khi mà đội bóng toàn "người ngoài".

Bóng đá chuyên nghiệp là phải thích nghi với chuyện cầu thủ ở địa phương này đá cho địa phương khác. Điều đó đúng, nhưng "mở cửa" cũng chính là con dao 2 lưỡi, khi người hâm mộ sẵn sàng quay lưng lại với đội bóng nếu thành tích không tốt. Ở Cần Thơ, khi mất đi lượng khán giả "người nhà" thì những nhà quản lý cũng có tính tới chuyện thu hút người xem bằng những hợp đồng đình đám kiểu như Văn Quyến hay Mạc Hồng Quân, nhưng hầu như các kế hoạch đều phá sản.

Những ngày đầu V.League 2015, sân Cần Thơ đã có kha khá khán giả đến xem. Họ mong muốn được xem những trận đấu hấp dẫn và một số khác đến sân vì tò mò trước những bản hợp đồng "khủng" vừa gia nhập đội. Điểm chung của các khán giả này là đều muốn xem những trận đấu hay và thấy các cầu thủ thể hiện được tương xứng với giá trị của họ. Nhưng thành tích thi đấu của XSKT Cần Thơ gần như chưa đáp ứng được kỳ vọng của người xem, khiến lòng tin của người hâm mộ xuống mức thấp nhất. Và họ quay lưng. Khán đài cứ vì thế vắng dần, vắng dần.

Vẫn có một số ít người còn kiên nhẫn với đội bóng, nhưng lại bắt đầu thấy ngại việc phơi mình dưới cái nắng lúc 16 giờ ở miền Tây để xem trận đấu tẻ nhạt. Khi vào mùa mưa, khán đài không mái che đã góp phần dập tắt chút nhiệt tình còn lại của người xem. Ngồi nhà xem tivi cũng giúp họ tiết kiệm được một khoản tiền vé khá cao so với các sân V.League láng giềng phát vé miễn phí như Long An hay Đồng Tháp.

CĐV "ruột" trên sân Cần Thơ chẳng có bao nhiêu (bao gồm cả hội CĐV và các nhóm CĐV riêng lẻ tự phát), cụ thể là không hơn 500 người. Nhìn qua láng giềng Đồng Tháp, mỗi khi đội nhà thi đấu thì lượng khán giả đến từ các huyện rất đông vì họ được thông tin về trận đấu.

Người dân đi xem bóng đá ngoài việc cổ vũ đội nhà còn là một hình thức giải trí. Nếu xây dựng một đội bóng không có nền tảng "người nhà" thì cần một lối chơi hấp dẫn, với nỗ lực cống hiến gấp nhiều lần để thuyết phục khán giả đến sân. Một vấn đề không kém phần quan trọng là phổ biến thông tin về đội bóng cho người dân tiếp cận theo chiều hướng tích cực để lôi kéo họ đến sân.

Người Cần Thơ không thờ ơ với bóng đá. Rất đông khán giả đội mưa phơi nắng xem bóng đá phong trào, nhưng bóng đá chuyên nghiệp chưa tạo được sức hút là một nghịch lý.

HOÀNG QUYÊN

Chia sẻ bài viết