Bên cạnh niềm vui được làm mẹ, việc bầu bì, sanh con, nuôi con mọn đã khiến người phụ nữ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Thậm chí, nhiều người rơi vào bế tắc, trầm cảm. Làm sao để việc sinh con, chăm sóc con nhỏ không là gánh nặng là điều được khá nhiều chị em phụ nữ quan tâm…
Muôn vàn khó khăn
Chị M. và ông xã làm cùng công ty may tại Bạc Liêu. Chị làm công nhân còn ông xã chị làm kỹ sư. Hai vợ chồng sống chung với gia đình chồng nên chị M. dù bầu bì vẫn phải vất vả lo việc bếp núc. Do chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ nên chị bị stress thai kỳ. Nhiều lần, chị tủi thân khóc thì nhà chồng tỏ thái độ không vui. Sau khi sanh, phần do sức khỏe suy nhược, phần con còn nhỏ mà thu nhập của chị từ công việc cũng không cao nên anh D. chồng chị khuyên chị nên nghỉ thêm một thời gian. Những ngày nuôi con mọn, chị M. được giao toàn bộ việc nhà khiến chị cảm thấy áp lực. Nhiều lần chị tâm sự với chồng nhưng anh D. không mấy bận tâm. Lần nọ, do kiệt sức, trong lúc bồng con chị bị ngất xỉu. Lúc này cả nhà đi vắng, hàng xóm phải đưa 2 mẹ con đi cấp cứu.
Niềm vui, hạnh phúc khi làm mẹ là động lực lớn lao giúp phụ nữ vượt qua những khó khăn.
Cưới nhau hơn 8 năm, vợ chồng chị H. (quê ở Vĩnh Long, hiện làm việc, sinh sống tại TP Cần Thơ) mới được tin vui sau nhiều năm chạy chữa tốn kém. Tuy vậy, lúc này chị H. đã gần 40 tuổi, việc mang thai có quá nhiều rủi ro. Để đảm bảo an toàn, chị làm thủ tục đăng ký sanh ở Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Chị sanh non ở tuần thứ 32, đứa bé chỉ được 2kg. Do bé còn quá yếu, phải ở lại bệnh viện theo dõi. Những ngày chăm con ở bệnh viện, chị hầu như kiệt sức. Có lần, chị quá mệt mỏi ngủ quên, đứa bé rơi từ trên tay chị xuống giường. Từ đó, chị có tâm lý sợ hãi, sợ mình ngủ quên con sẽ bị nguy hiểm nên chị cứ thức trắng đêm. Điều này càng khiến chị mệt mỏi và rơi vào trầm cảm.
Không chỉ những cặp vợ chồng trẻ, chưa có kinh nghiệm mới rơi vào khó khăn, bế tắc mà nhiều chị đã sanh con lần hai vẫn bị trầm cảm sau sinh. Chị H.Đ. (Cái Răng) vừa sanh con thứ hai được 10 tháng. Chị tâm sự, ông xã chị làm việc ở xa, 1-2 tuần mới về thăm nhà một lần. Mặc dù có thuê người giúp việc nhưng chị cảm thấy bản thân rất áp lực, trong suốt thai kỳ chị hầu như mất ngủ triền miên. Sau khi sanh, chị mất sữa, con khó. Trong tháng, hầu như đêm nào chị cũng phải ẵm con lên võng nằm đến 4 giờ sáng, bé mới ngủ. Thêm vào đó, bé hay đau ốm vặt, chị thường phải đưa con đi bác sĩ…Trong khi đó, người giúp việc chỉ có thể phụ chăm cháu nhỏ, còn việc đưa rước cháu lớn đi học chính khóa, học thêm đều đến tay chị. Vì vậy, chị H.Đ. ngày càng thấy cuộc sống của mình thật áp lực, khó khăn.
Cần trợ lực từ nhiều phía
Nhận được tin báo, anh D. tức tốc vào bệnh viện. May là đứa bé chỉ bị xây xát nhẹ, chấn thương phần mềm. Còn chị M. sau khi được truyền dịch, đã có thể đi lại, xuất viện. Bác sĩ cho biết, chị M. bị ngất do suy nhược cơ thể, ăn uống không đầy đủ, chỉ cần nghỉ ngơi nhiều sẽ không có vấn đề. Nhưng bác sĩ cũng khuyên anh D. nên gần gũi, động viên vợ để tránh xảy ra điều đáng tiếc tương tự. Sau khi từ bệnh viện về, anh D. lãnh phần chăm con, thức đêm pha sữa để vợ được nghỉ ngơi. Hằng ngày, hết giờ làm việc, anh tranh thủ về ăn cơm cùng vợ và chia sẻ việc nhà. Khi con thôi nôi, anh khuyến khích vợ gởi con đi nhà trẻ và đi làm trở lại.
Sau khi xuất viện, vợ chồng chị H. bàn với nhau về Vĩnh Long sống để chị H. có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Ở quê, gia đình đông người, mỗi người hỗ trợ một tay. Anh K. chồng chị chịu khó mỗi ngày đi làm ở Cần Thơ, tối về nhà ngoại ở Vĩnh Long nghỉ để gần gũi vợ con. Khi con tròn 6 tháng tuổi, chị H. trở lại công việc nhưng ngày ngày vợ chồng vẫn đi đi về về giữa Cần Thơ và Vĩnh Long để con được chăm sóc tốt. Đến khi bé được 18 tháng thì mới rước về Cần Thơ sống và gởi nhà trẻ. Đến nay, con anh chị đã được 6 tuổi. Chị tâm sự: "Nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình chắc là tôi khó có thể vượt qua. Trong tháng đầu tiên, mỗi buổi sáng, đứa em gái kế của tôi đều tranh thủ từ Cần Thơ chạy qua Vĩnh Long mua đồ ăn sáng cho tôi, rồi ẵm cháu đi phơi nắng để tôi có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Ông bà ngoại thì tranh thủ chơi với cháu để tôi chợp mắt bất cứ lúc nào có thể…".
Chị Đ. tâm sự, năm nay con gái chị bước vào cấp 2, môi trường mới, nhiều điều lạ lẫm. Đáng lẽ ra chị phải gần gũi, động viên nhưng ngược lại chị lại cư xử thiếu kiềm chế khiến con ngày càng sợ mẹ và ảnh hưởng đến việc học hành của cháu. Kết quả là đợt kiểm tra giữa học kỳ vừa qua, kết quả của con gái chị rất tệ, không khí gia đình càng thêm nặng nề. Lúc này, chị nhận ra, bản thân mình có vấn đề, nhất là về sức khỏe tâm thần. Chị đi khám bệnh và dùng thuốc hỗ trợ để có thể tìm được giấc ngủ. Chia sẻ về kinh nghiệm giúp bản thân vượt qua những khó khăn sau sinh, chị Đ. bộc bạch: "Bác sĩ khuyên tôi đừng quá ôm đồm công việc, đừng quá cầu toàn. Hãy chia sẻ công việc với mọi người và tập cho con gái tự lập". Chị đã làm theo lời bác sĩ, mạnh dạn sắp xếp, hướng dẫn con gái tự đi học. Sau vài tuần, con gái chị đã tự chủ động đi học bằng xe đạp điện từ Cái Răng đến trường ở Ninh Kiều. Ngoài ra, chị cũng nhờ mẹ ruột từ Hậu Giang lên hỗ trợ để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Đến khi bé thứ hai được 10 tháng tuổi thì chị mới thoải mái tinh thần.
Trầm cảm rất khó nhận diện và khó để vượt qua. Theo kinh nghiệm của các chị từng rơi vào trầm cảm, để có thể phòng tránh và vượt qua, phụ nữ cần chuẩn bị tâm lý thật kỹ trước quyết định sanh con. Ngoài ra, cần cởi mở, tranh thủ ra ngoài gặp gỡ bạn bè và sắp xếp để trở lại công việc… Đặc biệt, nếu như bản thân đang cảm thấy quá bức bối, ngột ngạt, hãy mạnh dạn chia sẻ để người thân, nhất là người bạn đời giúp đỡ, san sẻ. Cứ nghĩ đến việc mỗi ngày trôi qua, con sẽ lớn hơn, cứng cáp hơn… là động lực, sức mạnh để các chị tiếp tục cố gắng.
Tâm Khoa